5 "sát thủ" trong tay quốc gia có kho vũ khí hạt nhân thứ 3 TG

Việt Long |

Mỗi tên lửa M-51 mang tới 6 đầu đạn với sức công phá 150 kiloton, tương đương 9 lần sức công phá của vụ nổ ở Hiroshima, có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ.

Theo tạp chí The National Interest (Mỹ), Quân đội Pháp có cấu trúc tương tự như của Quân đội Mỹ về nhiều mặt.

Không giống như hầu hết các quốc gia châu Âu, Quân đội Pháp được cấu trúc để đối phó với hàng loạt hình thức xung đột khác nhau, từ chiến tranh du kích tới chiến tranh hạt nhân.

Giống như Mỹ, Pháp xây dựng một lực lượng quân đội có thể thực hiện cả hình thức chiến tranh viễn chinh và nhiệm vụ phòng thủ đất nước.

Quân đội Pháp duy trì lực lượng xe tăng tiên tiến, các xe thiết giáp và chiến đấu cơ hiện đại cho các cuộc xung đột cường độ cao.

Bên cạnh đó là một lực lượng lục quân được trang bị đơn giản hơn cùng với lực lượng đặc nhiệm và những xe thiết giáp hạng nhẹ để phục vụ những nhiệm vụ tác chiến cường độ thấp hơn.

Lực lượng thiết giáp hạng nặng giúp Pháp thực hiện nhiệm vụ phòng thủ ở châu Âu.

Trong khi đó, cam kết của Pháp đối với những thuộc địa hiện nay và trước đây ở châu Phi, Nam Mỹ, Polynesia và khu vực Trung Đông đòi hỏi một lực lượng hạng nhẹ có khả năng triển khai nhanh chóng ở nước ngoài.

Pháp cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, đây vốn là khao khát của cố Tổng thống Pháp Charles De Gaulle để xây dựng một đất nước tự chủ về quân sự.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2013, Pháp có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, tuy kém xa so với Mỹ và Nga nhưng vẫn đủ để nước này chiếm vị trí thứ 3 trong số những nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sau Pháp là Trung Quốc (250 đầu đạn) và Anh (225 đầu đạn). Trong quá khứ, Pháp từng duy trì bộ ba hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển.

Dưới đây là 5 hệ thống vũ khí uy lực nhất của Pháp hiện nay:

1. Tiêm kích Dassault Rafale (“Squall”)

Dassault Rafale được chế tạo vào đầu những năm 1980 như một tiêm kích đa năng để thay thế hầu hết các máy bay cũ.

Rafale được sản xuất gần như 100% nội địa với thân máy bay, các hệ thống điện tử hàng không, động cơ và vũ khí đều được chế tạo ở Pháp.

Mặc dù kích thước nhỏ nhưng Rafale lại tạo ra một sức mạnh đột phá lớn với 12 giá treo vũ khí trên cánh, có khả năng mang các tên lửa đối không, đối đất, cảm biến...

Mặc dù đã trải qua gần 30 năm hoạt động nhưng những nâng cấp như hệ thống radar RBE2 AA, pod chỉ thị mục tiêu Damocles, tên lửa không đối không Meteor và tên lửa hành trình SCALP giúp Rafale vẫn có thể cạnh tranh với các tiêm kích thế hệ 4+ khác.

Những biến thể mới đây còn có khả năng mang tên lửa hành trình hạt nhân tầm trung ASMP-A.

Tiêm kích Rafale đã tham gia chiến đấu ở Afghanistan, Libya, Mali và Iraq.

Hiện Pháp duy trì hoạt động 140 máy bay Rafale, trong đó có Rafale M (biến thể hải quân của loại tiêm kích này) được trang bị bánh đáp tăng cường và một móc đuôi để phục vụ hoạt động trên tàu sân bay.

2. Xe tăng chiến đấu chủ lực LeClerc

LeClerc là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của Pháp, được thiết kế vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh để thay thế các xe tăng AMX30. Với khối lượng 57 tấn, LeClerc là một trong những xe tăng nhỏ nhất đang được sản xuất.

Cũng giống như Abrams, LeClerc trang bị một pháo chính 120mm với cơ số đạn 40 viên. Tuy nhiên, LeClerc ứng dụng thiết thế nội địa GIAT với cơ chế nạp đạn tự động. Điều này giảm bớt 1 thành viên trong kíp xe và giúp xe có khối lượng nhẹ hơn.

Theo thông báo, hệ thống nạp đạn tự động có khả năng nạp 12 viên đạn trong 1 phút. Chỉ huy và pháo thủ có tầm quan sát lớn hơn với kính ngắm nhiệt.

Lục quân Pháp hiện duy trì hoạt động 426 xe tăng LeClerc. Ngoài Pháp, UAE cũng sở hữu các xe tăng LeClerc với số lượng tương đương.

Gần đây, các xe tăng LeClerc của UAE được cho là đang tham gia chiến dịch chống lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen.

3. Trực thăng tấn công Tiger

Trực thăng Tiger của Eurocopter được phát triển từ một "sát thủ diệt tăng" thành trực thăng tấn công đa nhiệm. Pháp hiện vận hành 2 biến thể của Tiger là trực thăng chiến đấu đa nhiệm HAD và trực thăng yểm trợ chiến đấu HAP.

Tiger có hình dạng bên ngoài tương tự như các trực thăng tấn công khác với 2 phi công ngồi trước và sau. Thiết kế bảo vệ của trực thăng cho phép nó có khả năng chịu được đạn 23mm, mang lại biện pháp bảo vệ hiệu quả trước loại đạn chống máy bay phổ biến nhất hiện nay.

Hai động cơ Rolls-Royce MTR390 cho phép trực thăng Tiger đạt tốc độ lên tới 196 dặm/h.

Uy lực của Tiger nằm ở pháo NEXTER 30mm trên mũi máy bay, thực hiện nhiệm vụ chống bộ binh và tiêu diệt các mục tiêu bọc thép.

Biến thể HAD được thiết kế cho nhiệm vụ chống mục tiêu thiết giáp, với 8 tên lửa dẫn đường laser Hellfire II.

Biến thể HAP mang đạn rocket 70mm để yểm trợ đường không tầm gần và chế áp phòng ngự của đối phương. Ngoài ra, nó còn được trang bị 4 tên lửa không đối không Mistral.

Pháp hiện sở hữu 80 máy bay Tiger, chia đều cho cả 2 biến thể HAD và HAP.

4. Tàu sân bay Charles de Gaulle

Charles de Gaulle hiện là tàu sân bay duy nhất của Pháp. Ban đầu, Pháp dự kiến chế tạo 2 chiếc cùng loại nhưng kế hoạch đóng chiếc thứ 2 bị hủy bỏ do thiếu kinh phí.

Với lượng giãn nước đầy tải 42.000 tấn, Charles de Gaulle có kích cỡ bằng một nửa siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.

Nó có thể mang 40 máy bay, cả cánh xoay và cánh cố định. Một chuyến hành trình tiêu biểu của Charles de Gaulle sẽ có các tiêm kích đa năng Rafale M, tiêm kích tấn công Super Etendard, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye và các trực thăng đa dụng.

Không giống như các tàu sân bay Mỹ, Charles de Gaulle không tập trung nhiều vào khả năng tác chiến chống ngầm, mà để phi đội tàu hộ tống làm nhiệm vụ này.

Giống như những tàu sân bay khác của Châu Âu, Charles de Gaulle có thể được coi là một tàu sân bay trực thăng.

Trong trường hợp này, nó có thể chuyên chở tới 800 lính dù hoặc biệt kích Thủy quân lục chiến và các máy bay trực thăng vận tải Super Cougar.

Charles de Gaulle đã tham gia chiến đấu ở Afghanistan, Libya và chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

5. Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Triomphant

Quyết định loại bỏ lực lượng tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ mặt đất đã khiến lực lượng hạt nhân trên biển của Pháp trở thành trụ cột hùng mạnh nhất của bộ đôi hạt nhân còn lại.

4 chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Pháp, gồm Triomphant, Téméraire, Vigilant và Terrible, luôn duy trì trạng thái có ít nhất một tàu ngầm sẵn sàng chiến đấu trong mọi thời điểm.

Khi đó, lực lượng này có khả năng giáng một đòn đáp trả kinh hoàng vào bất kỳ kẻ gây chiến hạt nhân nào.

Tàu ngầm lớp Triomphant nhỏ hơn các tàu ngầm tương tự của Mỹ và Anh, với lượng giãn nước khi lặn chỉ 8.000 tấn.

Việc sử dụng động cơ hạt nhân mang lại cho các tàu Triomphant khả năng hoạt động không hạn chế và duy trì trạng thái lặn trong những khoảng thời gian dài.

Mỗi tàu lớp Triomphant mang 16 tên lửa hạt nhân nhiên liệu rắn M-51. Tên lửa này có tầm bắn 8.000km, đưa Trung Đông, hầu hết lãnh thổ nước Nga và nửa phía Tây của Trung Quốc vào tầm bắn.

Mỗi tên lửa M-51 mang 6 đầu đạn với sức công phá 150 kiloton, hoặc tương đương 9 lần sức công phá vụ nổ ở Hiroshima, có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại