Hiện nay, một phái đoàn Nga đang có mặt ở Cairo.
Theo tờ Al-Ahram, ngoài S-300, Cairo còn tỏ ra quan tâm đến mua sắm tiêm kích MiG-29, tên lửa chống tăng Kornet, trực thăng Mi-35 và Mi-17.
Việc thương vụ Nga bán S-300 cho Syria bị phá vỡ được biết đến ngày 11/8 sau tiết lộ của Phó Giám đốc Cơ quan liên bang hợp tác kỹ thuật quân sự Nga, Konstantin Biryulin.
Theo đó, phía Nga đã quyết định phá hợp đồng S-300 với Syria trong khuôn khổ trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Khả năng bán các hệ thống này cho các nước khác cũng đã được xem xét, nhưng không tìm được khách hàng. Có vẻ như là trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi ở Sochi, thỏa thuận đã đạt được.
Một năm trước, vào tháng 8/2013, tờ báo Nga Vedomosti viết rằng, Syria đã đặt mua các hệ thống S-300 của Nga và đã nộp tiền đặt cọc. Một phần các hệ thống đã được sản xuất, nhưng việc sản xuất các xe khác theo hợp đồng Syria bị gác lại.
Vedomosti dẫn nguồn các tài liệu của Tập đoàn phòng không Almaz-Antei cho hay, Syria đã trả mấy trăm triệu USD tiền đặt cọc. Theo hợp đồng, S-300 phải được giao cho Syria từ mùa xuân năm 2013. Hồi đó, cũng có tin, phía Syria sẽ không đòi trả tiền hay chuyển giao S-300 vì sợ làm hỏng quan hệ với Nga, đối tác chủ yếu của họ trên trường quốc tế.
Theo đại diện Hội đồng Xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Nga và Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Ruslan Pukhov, phía Nga đã trì hoãn giao S-300 cho Syria vì để tác chiến chống phiến quân thì hệ thống này là không cần thiết, còn để chống khả năng NATO oanh kích thì chưa chắc đã đủ sức trong điều kiện hiện nay, hơn nữa khi S-300 xuất hiện ở Syria sẽ kích động các nước phương Tây.
Ngày 4/6/2013, Tổng thống Putin tuyên bố rằng, hợp đồng bán S-300 cho Syria ký mấy năm trước chưa được thực hiện. Theo hợp đồng bán ký năm 2010, Nga thỏa thuận bán cho Syria 4 tiểu đoàn S-300 trị giá 900 triệu USD. Theo tin của Israel, Syria đã thanh toán đợt 1 cho hợp đồng này vào năm 2013 qua ngân hàng Nga VEB.
Mỗi tiểu đoàn S-300 có 6 bệ phóng và 144 tên lửa tầm trung.
Israel và Mỹ từ lâu đã lo ngại việc Nga bán vũ khí hiện đại cho Syria, còn Nga nhấn mạnh việc bán vũ khí này không vi phạm luật pháp quốc tế.
Hiện Jerusalem và Washington chưa bình luận gì về khả năng bán S-300 cho Ai Cập.
Nhưng nên nhớ rằng, từ xưa đến nay, quân đội Ai Cập vẫn là địch thủ truyền kiếp đáng gờm nhất của quân đội Israel. Việc S-300 lọt vào tay Ai Cập sẽ khiến Israel không kém đau đầu so với Syria.