Syria bí mật chuyển tiền cọc mua vũ khí Nga để đổi lấy sự bảo trợ

Hải Đăng |

(Soha.vn) - Bằng các khoản tiền thanh toán hợp đồng vũ khí chưa chuyển giao, Syria muốn chứng minh với Moscow rằng quốc gia này xứng đáng để được Nga tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ.

Hơn 2 năm trong cuộc nội chiến ở Syria, Tổng thống Bashar al-Assad đã nhiều lần gửi tiền thanh toán hợp đồng mua bán vũ khí với Moscow thông qua hệ thống ngân hàng Nga để cố gắng thắt chặt mối quan hệ với đồng minh thế lực nhất của họ - Reuters dẫn lời một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết hôm 29/8.

Tình hữu hảo giữa hai bên đã có dịp thể hiện rõ nét vào tuần này, khi các nước phương Tây lên kế hoạch tấn công quân sự vào Syria để trừng phạt các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào dân thường.

Một nguồn tin giấu trên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết ông Assad trong những tháng gần đây đã bắt đầu thanh toán hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-300, trị giá gần 1 tỷ USD và hợp đồng mua 36 máy bay huấn luyện – chiến đấu Yak-130 trị giá 550 triệu USD.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300
Hệ thống tên lửa phòng không S-300

“Họ (Syria) đã thực hiện đợt thanh toán khoản tiền cọc trị giá 10% hợp đồng mua Yak-130. Về hệ thống S-300, họ đã thanh toán một nửa khoản đặt cọc trị giá 20% hợp đồng “ – Nguồn tin cho biết.

Theo một nguồn tin thân cận với các doanh nghiệp hợp tác với Syria và 2 thành viên phe đối lập Syria ở Moscow, các giao dịch tài chính của gia đình Tổng thống Assad đều được người cậu của ông Assad tên là Mohammad Makhlouf, hiện ở trong căn phòng của một khách sạn xây dựng từ thời Xô Viết, đảm nhiệm.

“Đó là nơi tất cả mọi hoạt động diễn ra. Ở đó, Makhlouf gặp gỡ những người mang tiền đến. Ông ta phụ trách mọi hoạt động, đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch”, một thành viên của phe đối lập Syria tại Nga và có mối liên hệ với ngân hàng trung tâm ở Damascus cho biết.

Theo Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí Global Affairs của Nga, những khoản thanh toán cho các hợp đồng vũ khí là một phương thức quan trọng với Syria để chứng minh cho Moscow rằng quốc gia này xứng đáng để được Nga tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ.

“Syria cần Nga cho “mượn” sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế và bất kỳ khoản thanh toán nào từ phía Syria sẽ là cách để đảm bảo với Moscow rằng Nga có thể coi đây là một đối tác đáng tin cậy” - Lukyanov nói.

Trong khi đó, báo giới đã nhiều lần tìm cách tiếp cận Makhlouf và các quan chức Syria để đưa ra bình luận về vấn đề này nhưng chưa lần nào thành công.

Những con tàu bí mật

Vũ khí của Nga chiếm 50% số lượng vũ khí nhập khẩu của Syria trước khi cuộc tấn công nổi dậy chống Tổng thống Assad bùng nổ năm 2011. Các khoản chi trả cho những hợp đồng vũ khí thường được gửi vào tài khoản ngân hàng của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport.

Năm 2011, khi các cuộc biểu tình chống Tổng thống Assad bắt đầu, Nga đã chuyển gần 1 tỷ USD vũ khí cho quân đội Syria. Moscow khẳng định nhiều lần rằng những vũ khí Nga chuyển giao không thể sử dụng trong cuộc nội chiến và nước này sẽ tiếp tục bán vũ khí khi chưa có lệnh quốc tế cấm vận vũ khí với Syria.

	Khoảng 50% các loại vũ khí của Syria có nguồn gốc từ Nga.

Khoảng 50% các loại vũ khí của Syria có nguồn gốc từ Nga. (Trong ảnh: Hệ thống phòng không tầm gần Pantsir-S1)

Tuy nhiên, phần lớn thời gian cuối năm ngoái và đầu năm nay, Nga đã kết hợp với phương Tây để tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này, cụ thể là không có hợp đồng vũ khí mới nào được Nga ký kết với Assad. Rosoboronexport cho biết Damascus đã tụt xuống vị trí khách hàng thứ 13 hoặc 14 trong bảng danh sách những khách hàng lớn nhất của tập đoàn này cuối năm ngoái.

Tình hình này một lần nữa lại thay đổi trong vài tháng gần đây, khi quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moscow rơi vào căng thẳng sau hội nghị hòa bình diễn ra ở Thụy Sĩ. Theo nguồn tin từ Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã phê duyệt nhiều hợp đồng bán vũ khí hơn.

“Khoảng một năm trước, họ tạm dừng một số hợp đồng chuyển giao vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, khi Putin nổi giận sau hội nghị Geneva 2, Nga đã bật đèn xanh cho các hợp đồng vũ khí nhỏ bị hạn chế”, nguồn tin cho biết.

Số liệu từ công ty mẹ của Reuters là Thomson Reuters, sau khi theo dõi hoạt động của các con tàu dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp tín hiệu radar, cho thấy ít nhất 14 con tàu đã di chuyển từ cảng Oktyabrsk tới cảng Tartous của Syria trong vòng 18 tháng qua. 9 trong số những chuyến đi này đã được thực hiện từ tháng 4.

Trong khi không thể khẳng định chắc chắn những con tàu đó chở theo gì, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng chúng có thể chở theo vũ khí. Oktyabrsk là một trong những cảng chính được tập đoàn Rosoboronexport sử dụng để vận chuyển vũ khí của Nga.

Dường như để nhấn mạnh sự bí mật của các lô hàng, hầu hết các tàu di chuyển đều tắt radar khi đang ở Oktyabrsk và chỉ bật lên sau khi đã cập bến Syria.

Nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng cho biết không rõ những vũ khí nào đã được giao cho Syria nhưng các lô hàng đã được chuyển giao có thể bao gồm tên lửa chống tăng Kornet mà Syria đã mua từ năm 1988. Moscow và Damascus đã ký kết khoảng 6 hay 7 hợp đồng mua hệ thống này.

Nhóm chuyên gia cố vấn quốc phòng Israel cho rằng năm 2010, Syria ký kết hợp đồng mua 1.500 tên lửa loại này và 50 bệ phóng, các hợp đồng khác đang được thảo luận.

Những vũ khí nhỏ như súng máy là gần như không thể kiểm soát bởi có một số doanh nghiệp kinh doanh bán vũ khí mà chưa được phép của Kremlin.

Tháng Một năm nay, Hãng thông tấn Nga cho biết 2 tàu của Nga đang mang vũ khí cho Syria, nhưng không nói cụ thể là chúng sẽ được chuyển giao cho Tổng thống Assad hay tới sửa chữa và bảo dưỡng tại căn cứ hải quân Nga ở Tartous.

Ruslan Pukhov, Giám đốc của nhóm chuyên gia cố vấn quân sự CAST cho biết, một lượng lớn tàu chiến của Nga cũng di chuyển tới Tartout trong năm qua, có thể mang theo vũ khí.

Các thương vụ chuyển tiền

Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt lên cả hệ thống tài chính của Syria và mặc dù không áp dụng tại Nga nhưng có thể áp dụng đối với ngân hàng lớn của Nga ở phương Tây.

Đầu năm nay, một quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Mỹ nói với Reuters rằng Washington sẽ trừng phạt bất kỳ ngân hàng nào của Nga có giao dịch với ngân hàng trung ương Ngân hàng thương mại nhà nước của Syria.

Nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng cho biết Tổng thống Assad đã chuyển khoản thanh toán qua ít nhất một ngân hàng nhỏ của Nga, khiến số tiền này khó theo dấu hơn.

Theo nguồn tin này, “ngân hàng lớn của Nga không sẵn sàng làm việc với Assad. Có một số vấn đề với các khoản thanh toán, vì các ngân hàng lớn của Nga sợ đối phó với Assad”.

“Có dấu hiệu chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, có thể đã được chuyển qua các ngân hàng nhỏ hơn hoặc những ngân hàng không có trụ sở ở Moscow” - nguồn tin cho biết.

Một nguồn tin công nghiệp quốc phòng thứ 2 đã xác nhận các giao dịch được thực hiện qua các ngân hàng nhỏ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại