Tuyên bố hùng hồn
Hồi đầu tháng 10/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này sẽ phát triển Hệ thống vũ trụ thống nhất (EKS) để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo. Theo lời ông Shoigu, nhờ hệ thống này, Nga có thể phát hiện việc phóng các loại tên lửa đạn đạo khác nhau, kể cả việc phóng thử từ các đại dương trên thế giới và từ vùng lãnh thổ, quốc gia tiến hành thử nghiệm.
Một vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy Rokot từ sân bay Plesetsk của Nga
Theo báo chí nga, EKS không chỉ có khả năng thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), mà còn có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, cũng như các vụ phóng tên lửa chiến thuật và tác chiến-chiến thuật.
Ngoài việc cảnh báo các vụ tấn công bằng tên lửa, EKS sẽ kiểm soát khoảng không và vũ trụ qua việc theo dõi tất cả các mục tiêu có thể gồm: máy bay, trực thăng, máy bay do thám không người lái (UAV), tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo tầm bắn khác khau; giám sát các thiết bị trên vũ trụ và liệt kê rác vũ trụ nguy hiểm; cung cấp thông tin cho hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống phòng không; giám sát các vụ thử tên lửa của nước khác.
Các thiết bị vũ trụ của EKS có thể có chức năng như vệ tinh liên lạc phục vụ cho lợi ích của Bộ Quốc phòng Nga.
Trên thực tế, khả năng cảnh báo các vụ phóng tên lửa đã được khẳng định 2 lần. Tháng 9/2013 và 2014 Nga đã phát hiện các vụ phóng tên lửa chiến thuật từ Địa Trung Hải. Đây là các vụ phóng thử tên lửa mục tiêu của Israel phục vụ cho hệ thống phòng thủ tên lửa và được tiến hành cùng với Mỹ. Đường bay của chúng được hệ thống radar mới có khả năng sẵn sàng cao ở Armavir phát hiện.
Từ năm 2011, Nga đã từng bước phát triển EKS với các thành tố trên mặt đất. Tuy nhiên, thời điểm đưa toàn bộ hệ thống vào hoạt động đầy đủ và chuyển giao cho quân đội vẫn chưa thể xác định. Nga hiện vẫn đang trong quá trình xem xét thử nghiệm cơ sở hạ tầng trên mặt đất của EKS và hoàn thiện nguyên mẫu thiết bị vũ trụ cảnh báo sớm các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Vũ trụ nhưng chỉ yên tâm dưới đất
Nền tảng của EKS là Hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa (SPRN) chiến lược. SPRN đã tồn tại từ lâu và hoạt động ở chế độ tự động, có khả năng cảnh báo các vụ phóng tên lửa. Các thông số ngay lập tức được thông báo cho lãnh đạo và các lực lượng vũ trang Nga, đủ để đưa ra quyết định và thay đổi tình hình.
SPRN đầy đủ gồm 2 phần chính. Phần trên đất liền gồm các trạm radar và trạm kiểm soát-đo đạc, điểm quan trắc và điều khiển. Phần trên vũ trụ bao gồm các vệ tinh.
Việc Liên Xô sụp đổ đã dẫn tới sự phân rã của SPRN. Ở nước ngoài, Nga từng có các trạm radar đặt tại Kazakhstan (Balkhash), Belarus (Baranovich), Azerbaijan (Gabala), Ukraine (Mukachevo, Sevastopol), Latvia (Skrunda). Trong số này, trạm radar ở Latvia đã bị loại bỏ. Trạm radar ở Gabala cũng chịu chung số phận do chi phí thuê quá cao. Trong khi đó, đối tác Ukraine được cho là đã cung cấp những thông tin không đáng tin cậy.
Từ năm 2012, Nga triển khai các trạm radar Voronezh nhiều lớp để tạo ra một trường radar khép kín dọc theo tất cả đường biên giới Nga. Các trạm radar đã được triển khai tại Lekhtusi (tỉnh Leningrad), Armavir (vùng Krasnodar), Svetlogorsk (tỉnh Kaliningrad). Các trạm radar sẽ được lắp đặt ở Vorkut, Barnaul, Yeniseysk, Orsk, Olenegorske.
Các trạm radar thời Liên Xô trước đây sẽ được hiện đại hóa và đưa vào thành phần EKS, như radar Dnepr ở Balkhash (Kazakhstan) và radar Volga ở Baranovich (Belarus). Trạm Voronezh-DM UHF và Voronezh-M cho phép phát hiện các vật thể trên không sử dụng công nghệ tàng hình của Mỹ, dù đó là máy bay hay tên lửa trong khoảng cách tới 6.000km.
Hiện Nga có kế hoạch bố trí trạm radar Dnepr ở Sevastopol. Theo Tư lệnh Lực lượng phòng không-vũ trụ Nga, Trung tướng Alexander Golovko, trạm radar này sau khi nâng cấp sẽ đưa vào hoạt động và trực chiến vào năm 2016.
Lực bất tòng tâm?
Nga hiện có thể yên tâm về các thành tố mặt đất. Tuy nhiên, trong lĩnh vực vệ tinh, công nghệ của Nga lại đang tụt hậu và khó có thể tự đảm bảo nếu không nhập khẩu. Nhưng một khi phải nhập khẩu, Nga sẽ không thể chủ động, đặc biệt là về chất lượng các thiết bị.
Tên lửa phóng từ tàu ngầm Trident II D5 của Anh và Mỹ
Hiện hệ thống SPRN của Nga từ thời Liên Xô gần như không hoạt động. Vệ tinh địa tĩnh cuối cùng của SPRN, Kosmos-2479 đã không còn hoạt động từ tháng 3-4/2014. Được phóng lên quỹ đạo tháng 3/2012, vệ tinh này chỉ hoạt động 2 năm thay vì hoạt động 5-7 năm như dự kiến. Trục trặc pin nhập khẩu đã khiến hệ thống năng lượng của vệ tinh ngừng hoạt động.
Vẫn còn 2 vệ tinh khác trên quỹ đạo cao là Kosmos-2422 và Kosmos-2446. Khoảng thời gian mà 2 vệ tinh này có thể giám sát các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ Mỹ không nhiều hơn 12 giờ/ngày. Thông tin thời gian thực của thiết bị được chuyển cho các trung tâm điều khiển: ở phía Tây là Serpukhov-15 (làng Kurilovo, tỉnh Kaluga); phía Đông đặt tại khu vực Komsomolsk bên bờ sông Amur.
Dù thiếu trầm trọng các vệ tinh, song Nga lại phải bỏ ra chi phí lên tới 1,5 tỷ rúp cho thiết bị lỗi thời này. Mất tới 2 năm chế tạo nhưng khả năng của vệ tinh bị hạn chế vì sử dụng công nghệ cách đây 3-4 thập kỷ. Vệ tinh có thể phát hiện luồng lửa từ động cơ tên lửa đạn đạo, phóng đi dưới mặt đất, song không phát hiện được các vụ phóng từ tàu ngầm, đặc biệt là dưới mặt nước.
Muốn hoàn thiện EKS, Nga cần có các vệ tinh hiện đại hơn. Để làm được điều này, Nga có hai cách, hoặc là tự lực nghiên cứu phát triển, hoặc là nhập khẩu một số linh kiện quan trọng từ Anh, Pháp, Mỹ và Nhật Bản như đã làm đối với các con tàu vũ trụ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đang gánh chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt, từ cấm vận tài chính cho tới công nghệ, Nga khó lòng tiếp cận theo hướng thứ hai, trong khi hướng đi thứ nhất là không dễ dàng.