Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu công bố kế hoạch phát triển hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này, ông Vassily Kashin - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ - đã phát biểu trên Đài tiếng nói nước Nga rằng Moscow và Bắc Kinh có thể là đối tác tiềm năng để phát triển hệ thống này.
Mô hình các vệ tinh thuộc hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Ông Kashin cho biết hệ thống cảnh báo sớm có thể là một lựa chọn dự án tốt để Nga và Trung Quốc hợp tác với nhau. Do được thiết kế để phát hiện và giám sát không chỉ các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà còn các tên lửa chiến thuật, hệ thống cảnh báo sớm mới nhiều khả năng sẽ không còn phụ thuộc vào các vệ tinh Oko lỗi thời của Nga. Theo Kashin, Moscow có thể đề nghị Trung Quốc giúp đỡ phát triển các vệ tinh mới.
Radar thuộc một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Nga.
Kashin cho rằng, với kinh nghiệm phát triển hệ thống định vị Bắc Đẩu, Trung Quốc có đủ khả năng xây dựng một hệ thống vệ tinh phù hợp với hệ thống cảnh báo sớm của Nga, mặc dù cho đến nay chưa rõ Nga cần bao nhiêu vệ tinh để hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm của mình. Hệ thống cũ của Nga yêu cầu đến 7 vệ tinh địa tĩnh và 4 vệ tinh quỹ đạo elip cao. Ông Kashin cho biết chi phí để xây dựng hệ thống mới sẽ rất tốn kém.
Kashin nhận định, Trung Quốc có thể hưởng nhiều lợi ích từ sự hợp tác này, bởi hiện tại, Trung Quốc luôn đối mặt với mối đe dọa từ Mỹ, cũng như các loại tên lửa đạn đạo tầm trung của các nước trong khu vực. Thông qua sự hợp tác với Moscow, Bắc Kinh có thể thu thập được nhiều công nghệ quân sự mới mà họ cần để chống lại các loại tên lửa đạn đạo tầm trung. Trung Quốc còn có thể phát triển các vũ khí diệt vệ tinh tiên tiến hơn nhờ hợp tác với Nga trong tương lai.