Nga là cái cớ để Mỹ triển khai tên lửa tại châu Âu

Chúc Sơn |

Sức nóng trong quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục tăng lên khi Mỹ đang xem xét kế hoạch tái triển khai tên lửa hạt nhân ở châu Âu.

Theo China News, phát biểu tại phiên điều trần ngày 10/12 về vấn đề Nga bị cho là vi phạm hiệp ước hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Brian McKeon cho biết:

"Nếu Nga không tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces, INF), Mỹ sẽ xem xét đến việc tái triển khai các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân tại châu Âu".

Ông Brian McKeon cho biết thêm: "Do quy định của Hiệp ước INF, Hoa Kỳ không được phép triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân trên đất liền ở châu Âu.

Tuy nhiên với hành động của Nga hiện nay, rõ ràng việc bố trí tên lửa tại châu Âu có thể là một trong những lựa chọn của Mỹ".

Tên lửa Iskander-M trong một lần tập trận

Tên lửa Iskander-M trong một lần tập trận

Có thể nói, phát biểu của ông Brian McKeon được đưa ra là phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ về khả năng đáp trả "Nga vi phạm Hiệp ước INF".

Theo ông Brian McKeon, hiện nay Mỹ đang rất lo ngại về báo cáo Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân và các hệ thống chiến lược tại Crimea.

Lầu Năm Góc đang theo dõi sát sao các lực lượng Nga, nhưng chưa phát hiện vũ khí hạt nhân được chuyển đến Crimea.

Trước đó, vào tháng 7/2014, phía Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF về cấm chế tạo, phát triển và phóng thử tên lửa hành trình với tầm bắn từ 500 - 5.500 km.

Tuy nhiên, cho đến nay, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào về việc Moskva “vi phạm”, mà chỉ đưa ra một dẫn chứng mơ hồ về một số “thông tin tình báo tối mật”. Theo Moskva, những cáo buộc của Washington là không có cơ sở.

Trong khi đó, Moskva tố ngược khi cáo buộc Mỹ vi phạm hiệp ước khi triển khai hệ thống phóng Mk-41 cho các tên lửa tầm trung tại Ba Lan và Romania - hai quốc gia giáp Nga. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hành động này “vi phạm trắng trợn” Hiệp ước INF.

Hiệp ước INF được Liên Xô trước đây và Mỹ ký năm 1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Nội dung chính của văn kiện này cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500 km phóng từ mặt đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại