Nga "điên tiết" vì siêu tăng T-90S bị Mỹ "dìm hàng"

Minh Đức |

(Soha.vn) - Nga cho rằng giới truyền thông phương Tây đang có những lời lẽ "dìm hàng" xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của họ.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Nga đang đạt được những thành công ấn tượng trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới. Đặc biệt, sau màn trình diễn hết sức ấn tượng tại triển lãm RAE-2013, xe tăng T-90S đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nước Mỹ Latin.

T-90S là xe tăng chiến đấu chủ lực thành công nhất của Nga cả trên bình diện trong nước và xuất khẩu.
T-90S là xe tăng chiến đấu chủ lực thành công nhất của Nga cả trên bình diện trong nước và xuất khẩu.

Trong một số bài báo gần đây, giới truyền thông phương Tây cho rằng, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Nga kém xa xe tăng M1A2 của Mỹ về tính cơ động, thậm chí còn kém so với loại xe tăng chiến đấu chủ lực cũ T-72.

Ngay khi bài báo “dìm hàng” T-90S được đăng tải, tờ Vestnik-rm của Nga đã có bài phân tích cho rằng, bài báo của truyền thông phương Tây là một tài liệu không chính xác với thực tế và đó là một động thái cố tình làm mất uy tín của các sản phẩm vũ khí Nga trên thị trường xuất khẩu.

Trong bài phân tích của mình, truyền thông phương Tây cho rằng khả năng cơ động của T-90S còn kém xa T-72. Bài báo cho rằng T-90S chỉ được trang bị động cơ có tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng là 18 mã lực/tấn. Trong khi đó, với khối lượng chiến đấu 46,5 tấn và được trang bị động cơ công suất 1.000 mã lực, tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng thực tế của T-90S đạt trên 21 mã lực/tấn.

Mặc khác, số liệu mà truyền thông phương Tây cung cấp được lấy từ mẫu xe tăng T-90 sản xuất trong năm 1992 mà không cập nhật các thông số kỹ thuật của T-90S đã được xuất khẩu rộng rãi từ lâu. Thậm chí ngay cả với động cơ công suất 840 mã lực được giới thiệu tại triển lãm Abu Dhabi năm 1992 thì khả năng cơ động của T-90 lúc đó không hề thua kém các xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây.

Cận cảnh hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 trên T-90S một trong những điểm độc đáo mà các xe tăng phương Tây không có được.

Cận cảnh hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 trên T-90S. Đây là một trong những điểm độc đáo mà các xe tăng phương Tây không có được.

Bên cạnh việc "dìm hàng" khả năng cơ động của T-90S, theo Vestnik-rm, truyền thông phương Tây còn cung cấp sai thông tin về hệ thống quan sát mục tiêu của chiếc xe tăng. Bài báo cho rằng khả năng phát hiện mục tiêu trong điều kiện đêm tối của T-90S chỉ là 1.500 mét. Nhưng thực tế, T-90S đã được trang bị hệ thống quan sát hồng ngoại hiện đại ESSA, cho phép phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 5km và xác định mục tiêu ở khoảng cách 3km. Hệ thống quan sát mục tiêu ESSA hoạt động trên cơ chế tự động hóa cao, tạo nhiều thuận lợi cho pháo thủ trong việc tiêu diệt mục tiêu.

Không dừng lại ở đó, truyền thông phương Tây còn cho rằng T-90S của Ấn Độ kém xa so với T-80 của Pakistan.

Vestnik-rm phân tích, mặc dù T-90S và T-80 có thiết kế tương đương nhau nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa hai loại xe tăng này là hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống phòng vệ. T-80 được trang bị hệ thống quan sát mục tiêu vào ban đêm với phạm vi hoạt động chỉ 1,5km. Hệ thống quan sát trên T-80 gặp khó khăn khi hoạt động trong điều kiện nhiều khói bụi ở sa mạc và dễ bị lóa. Do đó, T-90S ở một đẳng cấp vượt trội so với T-80 của Pakistan.

Chỉ riêng Ấn Độ đã lên kế hoạch nhập khẩu tới 1.600 chiếc T-90S của Nga đó là một bằng chứng hùng hồn cho thấy giá trị của xe tăng này.

Xe tăng T-90S diễu hành tại Ấn Độ

Theo Vestnik-rm, truyền thông phương Tây đã quên một vấn đề rất quan trọng là T-90S là một trong những xe tăng hiếm hoi trên thế giới được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 cùng hệ thống giáp cảm ứng nổ mạnh mẽ, giúp xe tăng đối phó hiệu quả với các loại vũ khí chống tăng.

Trong khi đó, ngoại trừ Merkava IV của Israel được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động, các xe tăng khác của phương Tây không được trang bị hệ thống này. Ngay như Mỹ đã từng ngỏ ý với Nga để mua hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 trang bị cho xe tăng M1A2 của họ.

T-90S là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực đạt nhiều thành công trong xuất khẩu nhất của Nga trong thời gian qua. Chỉ tính riêng Ấn Độ đang có kế hoạch nhập khẩu thêm 235 xe tăng loại này. Peru đã lên kế hoạch mua 120-170 chiếc T-90S, Algeria đã lên kế hoạch mua khoảng 150 chiếc.

Một số ý kiến cho rằng sự thành công của T-90S đã khiến giới truyền thông phương Tây “nóng mặt” nên việc họ cố tình "dìm hàng" loại xe tăng chiến đấu chủ lực này của Nga cũng là điều dễ hiểu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại