Nga đánh động, Bắc Âu chuyển động binh lực

Tuyết Minh |

Thụy Điển có kế hoạch huấn luyện hàng nghìn binh sĩ tăng khả năng chiến đấu, 3 nước Baltic mua thêm nhiều vũ khí và gia tăng ngân sách quân sự.

RIA Novosti ngày 12/12 dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Halkvist cho biết, Thụy Điển đã có kế hoạch huấn luyện bổ sung hàng ngàn binh sĩ của quân đội nước này.

Theo Bộ trưởng Halkvist, việc huấn luyện bổ sung sẽ giúp “tăng khả năng chiến đấu” của quân đội Thụy Điển. Lý giải quyết định trên, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cho rằng:

"Việc Nga tái trang bị quân đội” và “sự sáp nhập của Crimea vào Liên bang Nga cũng như các cuộc xung đột ở miền Đông - Nam Ukraine” khiến Thụy Điển phải tiến hành khóa huấn luyện bổ sung nhằm “đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Trước mắt, lực lượng vũ trang Thụy Điển có kế hoạch huy động 7.500 công dân nước này, những người từng được huấn luyện quân sự từ năm 2004 - 2011, tham gia các cuộc diễn tập bắt đầu từ cuối năm 2015. Thời gian diễn tập dự kiến kéo dài trong khoảng 1 tháng.

Trước đó, hôm 11/12, Chính phủ Thụy Điển đã quyết định áp dụng trở lại phương án sử dụng lính dự bị để tăng cường sức mạnh quân đội.

Quyết định của Chính phủ Thụy Điển có hiệu lực trong 10 năm, đảo ngược quyết định được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hồi năm 2010.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, Thụy Điển chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc và ngừng việc huy động những người từng là lính nghĩa vụ cũng như những người tình nguyện tham gia chương trình tái huấn luyện bắt buộc.

Trong khi đó, 3 nước khu vực Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva cũng thông báo mua thêm nhiều vũ khí và gia tăng ngân sách quân sự sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo nhà phân tích Litva, ông Aleksandras Matonis:

Trong kịch bản tồi tệ nhất, nếu bị tấn công, các nước Baltic sẽ phải chống đỡ và đẩy lui đợt tấn công bằng chính phương tiện của riêng mình thay vì ngồi đợi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khởi động các kế hoạch phòng thủ để can thiệp.

Ngày 9/12, Bộ Quốc phòng Estonia đã ký với Hà Lan hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước này, mua 44 xe chiến đấu CV90 và 6 xe tăng Leopard.

Trước đó một tháng, Estonia cũng đã mua của Mỹ 40 dàn phóng tên lửa đất đối không Stinger, trị giá tổng cộng 40 triệu euro.

Về phần Latvia, tháng 8 vừa qua đã mua 123 xe chiến đấu của Anh, với tổng trị giá 48 triệu euro. Tháng 11, họ cũng ký một hiệp định với Na Uy mua 800 hệ thống chống tăng Carl Gustav và 100 xe tải.

Riêng Litva đã đặt mua của nước láng giềng Ba Lan hệ thống phòng không GROM trị giá 34 triệu euro và dự tính bỏ ra thêm 20 triệu để mua tên lửa Javelin của Mỹ.

Như vậy là chỉ trong vòng 6 tháng, 3 quốc gia vùng Baltic, với dân số tổng cộng chỉ có hơn 6 triệu người, đã chi ra 300 triệu euro cho các thiết bị quân sự. Chi tiêu quân sự trong cả năm 2014 của 3 nước này lên tới 1,2 tỷ euro.

Một chiếc Su-34 của không quân Nga (trái) bị một máy bay Na Uy bám theo trong bức ảnh được công bố hôm 31/10.

Một chiếc Su-34 của không quân Nga (trái) bị một máy bay Na Uy bám theo trong bức ảnh được công bố hôm 31/10.

Về phần mình, Ba Lan cũng bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự của Nga: "Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã thấy hoạt động chưa từng có của người Nga ở biển Baltic, cả hạm đội Baltic và máy bay Nga", ông Tomasz Siemoniak, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, hôm qua nói trên đài TVN24.

Ông Siemoniak cho biết hầu hết hoạt động diễn ra tại vùng biển và không phận quốc tế, và Thuỵ Điển là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không cần đặt quân đội Ba Lan trong tình trạng báo động cao.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho hay Nga "không chuẩn bị để tấn công", nhưng đang kiểm tra khả năng phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này, theo ông Siemoniak, "không giúp ích cho việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ tốt".

Trong một diễn biến có liên quan, qua các cuộc tuần tra tại khu vực, NATO nhận thấy Nga đang gia tăng hoạt động quân sự, đặc biệt là hoạt động của các máy bay, kể từ khi cuộc đối đầu giữa Moscow và phương Tây về Ukraine bắt đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại