Nga đưa vũ khí hạt nhân đến Crimea, Mỹ tâm tư?

Tuyết Minh |

Mỹ quan ngại việc Nga triển khai các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược cũng như các hệ thống vũ khí hạt nhân tại bán đảo Crimea.

Trang Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 11/12 cho biết:

“Chúng tôi rất quan tâm báo cáo của các chuyên gia về việc Nga triển khai các máy bay ném bom hạt nhân chiến cũng như các hệ thống vũ khí hạt nhân tại bán đảo Crimea”.

Trước đó, trả lời câu hỏi về khả năng Nga đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Crimea, Thứ trưởng Gottemoeller xác nhận rằng, chính phủ Mỹ “có mối quan tâm thực sự về sự chuyển động của vũ khí hạt nhân từ Nga vào Crimea”.

Thông tin về việc Nga có thể đưa vũ khí hạt nhân vào Crimea bắt đầu rộ lên hồi tháng 11, sau khi Tư lệnh tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu đề cập trong một báo cáo của NATO.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga ngay sau đó đã bác bỏ những cáo buộc trên.

Cũng trong phiên điều trần, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Washington “vô cùng quan ngại” trước những thông tin từ Nga cho biết khả năng Moscow sẽ triển khai máy bay quân sự trên bán đảo Crimea.

“Chúng tôi không rõ liệu Nga có bố trí vũ khí hạng nặng ở Crimea hay không. Nhưng chúng tôi vô cùng quan ngại trước tuyên bố của các chuyên gia Nga về khả năng triển khai ở đó các máy bay quân sự”, bà Rose Gottemoeller nhấn mạnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ukraine muốn hạt nhân để tự vệ

Về phía Ukraine, giới lãnh đạo Kiev hiện giờ cho rằng Ukraine cần phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị khai quốc công thần nước này cảnh báo: Nghèo thì đừng đua đòi vũ khí hạt nhân.

Tổng thống đầu tiên của Ukraine, Leonid Kravchuk cho biết chi phí để phát triển vũ khí hạt nhân tại Ukraine lúc này có thể lên đến gần 100 tỉ USD.

Con số đó là quá lớn đối với nền kinh tế của Ukraine trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay và ông cho biết Ukraine không nên đua đòi vũ khí hạt nhân.

"Theo số liệu, tôi biết nếu phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 1994, thì nó tốn khoảng 55 tỉ USD. Bây giờ, con số đó có lẽ lên gấp đôi", ông Leonid Kravchuk cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh "Channel 5".

Leonid Kravchuk tin rằng quay trở lại với tình trạng hạt nhân của Kiev là không phù hợp.

"Thật lòng, có thể nói rằng chúng ta đang "trần truồng" (ám chỉ không có tiền bạc trên người) và nghèo mạt, thế mà đòi mở lại chương trình vũ khí hạt nhân?

Chúng ta định dọa ai? Nga à? Và Nga sẽ cảm thấy lo sợ chúng ta? Vì vậy, làm ơn hãy tiếp cận vấn đề một cách thực tế hơn".

Ngoài ra, việc nối lại các tình trạng hạt nhân sẽ khiến Ukraine vi phạm luật quốc tế do họ đã ký hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ dẫn đến việc Ukraine chịu các biện pháp trừng phạt nhất định giống như Iran hay Triều Tiên đang gánh chịu.

Chiến lược của Nga

Trong khi đó, về phía Nga, Nga khẳng định sẽ không tấn công phủ đầu nước khác bằng vũ khí hạt nhân là một nội dung quan trọng trong dự thảo học thuyết quân sự mới của Nga, một nguồn tin quân sự giấu tên trong Bộ quốc phòng Nga cho biết.

"Dự thảo của học thuyết quân sự mới không có chỗ cho một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân đối với kẻ thù tiềm tàng của Nga.

Điều 198 quy định chính xác khi nào Nga được sử dụng các loại vũ khí hạt nhân", một chuyên gia quân sự tham gia chuẩn bị dự thảo học thuyết quân sự mới của Nga nói với Interfax ngày 10.12.

Theo điều 198, "Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga bị đe dọa".

Cũng trong ngày 10/12, RIA Novosti khẳng định thông tin sử dụng nguồn tin cấp cao trong hội đồng an ninh Nga.

Nguồn tin cho biết quân đội Nga đã nhiều lần đề nghị quyền được tấn công phủ đầu bằng hạt nhân vào các quốc gia xâm lược tiềm tàng hoặc khối quân sự, nhưng dự thảo học thuyết chiến tranh mới của Nga không có nhiều lựa chọn như vậy.

Học thuyết quân sự của Nga hiện nay được thông qua năm 2010, cũng không có điều khoản nào về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Học thuyết quân sự của Nga trao quyền quyết định cuộc tấn công hạt nhân cho tổng thống Nga.

Theo đó, "Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công hạt nhân trước hoặc bị tấn công bởi vũ khí hủy diệt hàng loạt trên lãnh thổ Nga và lãnh thổ các nước đồng minh.

Một cuộc tấn công hạt nhân cũng sẽ được kích hoạt trong trường hợp cuộc chiến thông thường đe dọa đến sự tồn tại của Nga".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại