Cặp "át chủ bài" của Nga khiến phương Tây "mất ngủ"

Hòa Sơn |

Việc NATO "hả hê" tuyên bố chặn 28 máy bay Tu-95, Tu-22 trên biển Baltic không mang nhiều ý nghĩa bởi Tu-160 và tàu ngầm Borei mới là "át chủ" của Nga.

Ác mộng trên không

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 10/12, lực lượng chiến đấu cơ của các thành viên NATO đã chặn 28 máy bay quân sự Nga, trong đó có các máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-95Tu-22, trên vùng biển Baltic trong những ngày qua.

Theo nguồn tin này, chỉ riêng trong ngày 7/12, phi đội của NATO đã chặn tới 13 chiến đấu cơ Nga quần thảo gần biên giới Latvia.

Truyền thông Lithuania đưa tin quân đội nước này, trong đó có lực lượng phản ứng nhanh, cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao do các chuyển động quân sự gia tăng ở vùng Kaliningrad thuộc Nga. Việc công bố kết quả này cho thấy NATO khá hài lòng với thành tích của mình.

Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù được coi là vũ khí chiến lược của Nga nhưng việc cặp đôi Tu-95 và Tu-22 liên tiếp khiến NATO đứng ngồi không yên chỉ mang ý nghĩa là ‘kẻ gây rối’, còn oanh tạc cơ siêu âm Tu-160 mới chính là vũ khí khủng khiếp nhất của Nga.

Hai chiếc Tu-160 trong chuyến thăm Venezuela năm 2013.
Hai chiếc Tu-160 trong chuyến thăm Venezuela năm 2013.

Dù Tu-160 không tham gia vào những chuyến trên biển Baltic khiến phương Tây mất ngủ nhưng chỉ cần một chuyến bay thẳng đến Venezuela và Nicaragua hồi năm 2013 của Tu-160 (không cần nạp thêm nhiên liệu) cũng đủ nói lên thông điệp của Nga muốn gửi đến Mỹ và đồng minh.

Cụ thể, hai máy bay Tu-160 đã từ căn cứ Angel ở tỉnh Saratov (Nga) bay tới Venezuela sau 13 giờ bay vượt 10.000 km. Sau đó, hai máy bay này đã bay qua vùng biển quốc tế thuộc vịnh Caribe, vượt 2.500 km sau 3 giờ bay để tới Nicaragua trước sự ngỡ ngàng của Mỹ và đồng minh.

Với tầm bay của Tu-160 khi được kết hợp với những vũ khí chiến lược sẽ tạo thành sức mạnh răn đe lớn nhất hiện nay của Không quân Nga.

Cụ thể, Tu-160 được thiết kế với khả năng mang được vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân tiến công mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.

Máy bay Tu-160 dài 54,1m, cao 13,1m, trọng lượng cất cánh tối đa tới 275 tấn. Điều này biến nó trở thành máy bay ném bom nói riêng và chiến đấu cơ nói chung lớn nhất thế giới từng được chế tạo (B-52 chỉ có trọng lượng cất cánh tối đa 220 tấn, B-2 vào khoảng 170 tấn).

Để "nhấc bổng" con quái vật 275 tấn này lên bầu trời, Tupolev thiết kế cho Tu-160 bốn động cơ tuốc bin phản lực NK-32. Đây là loại động cơ máy bay chiến đấu mạnh nhất.

Với 4 động cơ NK-32, Tu-160 có khả năng đạt tốc độ gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh. Đây tiếp tục là một kỷ lục của Tu-160, máy bay ném bom hạng nặng nhanh nhất thế giới (vượt xa máy bay ném bom siêu âm B-1B của Mỹ).

Tu-160 được trang bị một hệ thống nạp nhiên liệu trên không cho phép tăng tầm hoạt động, dù nó hiếm khi được sử dụng bởi số lượng nhiên liệu nạp lớn lên tới 130 tấn (đạt tầm bay tới 13.200 km), khiến không cần tái nạp nhiên liệu nó cũng có thể hoạt động 15 giờ.

Tu-160 được thiết kế với 2 khoang vũ khí trong thân chứa tổng cộng 40 tấn bom, tên lửa. Tu-160 có khả năng mang được tên lửa hành trình đối đất tầm siêu xa Kh-55 cho phép đạt tầm bắn 2.500-3.000 km.

Loại tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân công suất 200 kiloton. Với tốc độ tương đương tiêm kích, khả năng mang vũ khí lớn hơn cả "pháo đài bay" B-52, Tu-160 là "cơn ác mộng" đối với mọi đối thủ của nước Nga.

Theo số liệu chính thức, Không quân Nga hiện đang được biên chế ít nhất 16 chiếc máy bay ném bom Tu-160, và đến năm 2020 lực lượng này sẽ nhận thêm hơn 10 chiếc máy bay hiện đại hóa nữa, nâng tổng số máy bay ném bom Tu-160 trong biên chế lên 26 chiếc.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga

"Sát thủ" dưới lòng biển

Không chỉ ‘mất ngủ’ với máy bay chiến lược Nga, phương Tây cũng cũng tỏ ra rất cảnh giác với hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Moskva.

Đặc biệt là tàu ngầm thế hệ mới lớp Borei với sức mạnh là 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava, tích hợp 6 đầu đạn hạt nhân phân tách độc lập và đạt tầm phóng xa tới 8.000 km.

Ngoài ra, tàu ngầm lớp Borei còn có 6 ống phóng ngư lôi 533 mm cùng hệ thống tên lửa chống ngầm tiên tiến RPK-2 Viyuga.

Sự lo lắng này không phải là thừa bởi hồi năm 2012, một chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula (được sản xuất từ thời Liên Xô cũ) của Nga đã bí mật hoạt động trong Vịnh Mexico cả tháng trời mà Mỹ không hề hay biết về sự hiện diện của nó.

Theo tờ Washington Free Beacon, Hải quân Mỹ chỉ nhận biết được sự hiện diện của tàu ngầm này trong vùng biển của họ sau khi nó 'hoàn thành nhiệm vụ' và rời khỏi khu vực.

Từ sự kiện này, cả Mỹ và phương Tây đều rất cảnh giác với "tàu ngầm lạ". Hiện nay, Bộ quốc phòng Anh đã kêu gọi sự trợ giúp của các máy bay do thám NATO để truy tìm một tàu ngầm nước ngoài.

Tàu ngầm này được cho là xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Scotland hồi tháng 11/2014 sau khi một kính tiềm vọng tàu ngầm bị phát hiện trong vùng biển nơi tàu ngầm hải quân hoàng gia Anh thường nổi lên khi chúng ra hoặc vào căn cứ tại Faslane.

Bộ quốc phòng Anh đã phải kêu gọi sự trợ giúp của các đồng minh NATO vì hiện Anh không có các máy bay tuần tra biển được thiết kế đặc biệt cho việc truy tìm các tàu ngầm.

Ở lúc cao điểm của cuộc tìm kiếm vào cuối tháng 11 và những ngày đầu của tháng 12, năm máy bay tuần tra của các đồng minh NATO đã bay tới căn cứ Lossiemouth của không quân hoàng gia Anh để tham cuộc tìm kiếm tàu ngầm, tờ Aviation Week đưa tin.

Hai máy bay P-3 Orion của hải quân Mỹ, một chiếc CP-140 Aurora của không quân hoàng gia Canada, một chiếc Dassault Atlantique 2 của hải quân Pháp đã tham gia cuộc tìm kiếm.

Một máy bay trinh sát radar Sentinel của không quân Anh và một tàu chiến của hải quân nước này cũng được cho là đã tham gia chiến dịch. Tuy nhiên chiến dịch đã kết thúc hồi tuần trước trong im lặng và không rõ kết quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại