Căn cứ tại Deveselu, miền nam Romania, sẽ là nơi đầu tiên đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bờ, một phiên bản trên đất liền của hệ thống theo dõi radar tinh vi được trang bị cho các tàu chiến Mỹ kể từ năm 2004.
Được lên kế hoạch sẽ đi hoạt động vào cuối năm tới, căn cứ vốn nằm trong một khu quân sự lớn hơn của Romania, sẽ đón tiếp vài trăm binh sĩ, các nhân viên dân sự và hợp đồng. Việc xây dựng căn cứ tiêu tốn 134 triệu USD.
Căn cứ thứ 2 tại Ba Lan dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018. Căn cứ là một phần trong dự án hệ thống phòng tên lửa NATO và chính quyền Mỹ đã theo đuổi nhằm phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung từ Nga và các quốc gia thù địch khác.
Căn cứ tại Deveselu tại miền nam Romania
Trước khi khánh thành căn cứ tại Deveselu, miền nam Romania, hồi tháng 5/2014 Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống Aegis trên cạn. Đại diện Lầu Năm Góc cho biết, trong vụ thử, hệ thống phòng thủ Aegis đã phát hiện, theo dõi và sử dụng tên lửa SM-3 Block IB của tập đoàn Raytheon tiêu diệt một tên lửa mục tiêu giả định.
Vụ thử này được tiến hành tại Bãi phóng thử tên lửa Thái Bình Dương (PMRF) ở Hawaii tối 20/5, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với hệ thống vũ khí Aegis trên bờ, được thiết kế để bảo vệ các lực lượng Mỹ và NATO tại châu Âu khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Được biết, đây là vụ phóng thử đầu tiên phiên bản trên đất liền của hệ thống phòng thử tên lửa Aegis, loại tên lửa sẽ được đưa vào vận hành tại Romania trong năm tới.
Phát ngôn viên Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ Rick Lehner cho biết, việc vận chuyển hệ thống vũ khí Aegis trên đất liền tới Romania sẽ bắt đầu vào mùa hè năm nay. Hệ thống trên đất liền sử dụng cùng loại tên lửa SM-3 đã được triển khai trên các tàu chiến lớp Aegis. Hiện tại mỗi hệ thống này có thể mang cùng một lúc 24 tên lửa SM-3 và đang được nâng cấp để mang được nhiều tên lửa hơn.
Một vụ thử nghiệm hệ thống Aegis trên cạn của Mỹ
SM-3 Block IIB dùng để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, sử dụng hệ thống kiểm soát hỏa lực Aegis kiểu 5.1 và hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41.
Quá trình đánh chặn của SM-3 Block IIB chia làm 4 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu, hệ thống động lực đẩy tên lửa bay vào tầng khí quyển, giai đoạn 3 nó điểm hỏa hai lần, đẩy tên lửa đánh chặn bay vượt lên trên tầng khí quyển trái đất.
Trước khi mỗi động cơ của tên lửa điểm hỏa, nó thu nhận và đọc dữ liệu định vị của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chuẩn đường bay đến mục tiêu. Giai đoạn 4 là nhiệm vụ của đầu đạn đánh chặn động năng ngoài tầng khí quyển hạng nhẹ (LEAP), có trọng lượng chỉ 9kg. Đầu tiên, nó sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại để gây nhiễu mục tiêu, sau đó mới bắn hạ.
Tên lửa SM-3 Block IIB có trọng lượng 1,5 tấn, dài 6,55m, đường kính thân 0,34m, sải cánh 1,57m. SM-3 có tốc độ đánh chặn 9.600km/h (gấp gần 8 lần vận tốc âm thanh), tầm bắn trên 500km, độ cao bay 160km. Hiện nay, ngoài Mỹ chỉ có Nhật Bản được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 trên chiến hạm Aegis.
Xét về lý thuyết, hệ thống Aegis cùng tên lửa SM-3 Block IIB hoàn toàn có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo RS-12M Topol – loại Nga đã liên tiếp phóng thử gần đây. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ (kể cả hệ thống Aegis) chưa từng được thử nghiệm đánh chặn ICBM khiến người ta nghi ngờ về sức mạnh của hệ thống này.
Tờ Extremetech vừa có bài viết nhận định về tình trạng hiện nay của chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ. Theo đó, gần 20 năm qua, Mỹ đã đổ nhiều tiền của vào việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng đánh chặn các loại tên lửa ICBM và các loại tên lửa hành trình trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Bất chấp nỗ lực này, hệ thống của Mỹ chưa bao giờ hoạt động được như kỳ vọng. Vấn đề nằm ở chỗ, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chưa từng được thử nghiệm đánh chặn ICBM, trong khi đây là mối đe dọa chủ chốt mà nó cần phải phòng thủ.
Thay vào đó, khả năng của hệ thống chỉ được mô tả qua bản báo cáo từ phía Cơ quan Điều hành, Kiểm tra và Đánh giá (DOT&E) của Lầu Năm Góc rằng "có khả năng hạn chế trước một mối đe dọa đơn thuần". Những ngôn từ đó đã được dùng để mô tả tình trạng của hệ thống kể từ năm 2003.
Nói đơn giản thì đây là một chương trình lãng phí thời gian nhất: kéo dài, đắt đỏ, tiêu tốn nhiều nguồn lực nhằm theo đuổi một mục tiêu mà có thể không thể đạt được.
Chính vì vậy, việc người Mỹ thử nghiệm và triển khai hệ thống phòng thủ Aegis trên đất Romani trong năm tới nhằm đối phó với Nga không khiến Moscow bận tâm, dù trước đó Nga đã chỉ trích dự án trên, khẳng định rằng hệ thống nhằm chống lại kho vũ khí tên lửa đạn đạo của nước này.