Bước đầu thành công
Thông tin này được ông Vadim Barannikov, Phó Giám đốc điều hành của nhà máy chế tạo trực thăng Rostvertol cho biết hôm 16/3.
"Hôm nay, động cơ TVZ-117 sẽ không còn được sử dụng tại nhà máy của chúng tôi. Trên máy bay trực thăng Mi-28N sẽ thiết lập các động cơ VK-2500 do công ty Nga - nhà máy mang tên Klimov sản xuất. Chúng tôi không có vấn đề gì với việc này", ông Barannikov nói.
Trước đây, động cơ TVZ-117 được cung cấp cho Nga qua công ty Motor Sich của Ukraine, tuy nhiên hợp tác sau đó đã bị gián đoạn vì những sự kiện xảy ra ở Crimea và Donbass.
Trong tương quan với tình hình trên, chương trình thay thế nhập khẩu đã bắt đầu tích cực đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Giám đốc tập đoàn công nghệ quốc gia Rostec, ông Sergey Chemezov đầy lạc quan khi cho biết, Nga có thể sản xuất 200 động cơ máy bay trực thăng VK-2500 trong năm 2016.
"Chúng tôi đã tạo ra động cơ riêng của chúng tôi, VK-2500, chúng tôi đã sản xuất được khoảng 30 chiếc trong năm 2015, nhưng chúng tôi cần sản xuất 300 chiếc một năm cho những năm tới.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 200 chiếc trong năm 2016", ông Chemezov cho biết.
Động cơ VK-2500 do Nga sản xuất.
Không chỉ bước đầu thành công với động cơ dành cho trực thăng, Nga còn sắp hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước với động cơ PD-14 - loại động cơ đầu tiên Nga tự phát triển từ năm 1980.
Động cơ mới này sẽ giúp Nga phát triển ngành công nghiệp máy bay sản xuất trong nước hơn nữa, bao gồm cả máy bay Ilyushin Il-96.
Việc Nga chế tạo động cơ PD-14 mới là một sự kiện quan trọng trong ngành sản xuất phi cơ nội địa và đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu của ngành chế tạo nước này được đích thân Tổng thống Vladimir Putin giao phó.
Sự ổn định của động cơ PD-14 "cho phép chúng ta phát triển một hệ thống (gia đình) máy bay trung và đường dài mới" Tổng thống Nga Putin cho biết hôm 26/2.
Trước đây, động cơ là một điểm yếu trong các ngành công nghiệp hàng không Nga. "Chúng tôi đã phải sử dụng một trong hai động cơ Pratt & Whitney hay Rolls-Royce.
Đó là động cơ tốt, nhưng bây giờ động cơ của chúng tôi là tốt hơn. Và máy bay của chúng tôi cũng sẽ được tốt hơn", ông Putin tuyên bố.
Nga gặp khó
Với năng lực của mình, các doanh nghiệp Nga hoàn toàn có thể thay thế thiết bị nhập khẩu từ Ukraine nhưng việc này cần phải có thời gian để Nga tái cơ cấu ngành chế tạo thiết bị quân sự.
Điều này cần phải có nguồn vốn lớn, cùng với việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu.
Do đó, hiện nay Nga còn đang phụ thuộc vào Ukraine một số lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, trong đó phần lớn là mảng sản xuất động cơ, bao gồm động cơ máy bay trực thăng, động cơ tàu chiến cỡ lớn, động cơ tên lửa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Ukraine cũng đang đảm nhận mảng bảo dưỡng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-20 Voyevoda (SS-18 Satan) cho Nga.
Việc hai bên chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự trên thực tế đã gây cho Nga khá nhiều khó khăn trong quá trình nội địa hóa các sản phẩm quốc phòng của mình.
Điển hình là việc kế hoạch chế tạo các tàu hộ vệ thuộc Project 11356 bị chậm trễ do phía Ukraine dừng cung cấp động cơ khiến hải quân Nga phải vội vã triển khai dự án đóng các tàu chiến cỡ nhỏ (lượng giãn nước trên 500 tấn), thuộc Project 22800 để thay thế.
Ngoài ra, phần lớn các tên lửa chiến lược Nga hiện đang sử dụng có động cơ đẩy được sản xuất tại Ukraine, hơn một nửa linh kiện trên các tên lửa liên lục địa của Nga cũng có nguồn gốc từ Ukraine, những tên lửa này chứa hơn 80% số đầu đạn hạt nhân của Nga.
Những bộ phận thiết yếu bao gồm hệ thống điều khiển và dẫn đường, đặc biệt là cho mẫu tên lửa liên lục địa của Nga, RS-20B (Nato gọi là SS-18 Satan). Hệ thống dẫn đường của nó được sản xuất tại nhà máy Khatron ở thành phố Kharkov, Ukraine.
Ngoài ra, những chuyên gia người Ukraine hiện vẫn đảm nhận việc kiểm tra và xác nhận tình trạng sẵn sàng chiến đấu của chúng. Nếu chấm dứt hợp tác, các chuyên gia Nga sẽ tự làm được nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Vừa qua, Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ dùng 20 nghìn tỷ Rúp (hơn 576 tỷ USD) để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, 3 nghìn tỷ Rúp (tương đương 83 tỷ USD) dùng để hiện đại hóa các công ty quốc phòng và đẩy nhanh tốc độ thay thế linh kiện sản xuất ở Ukraine.
Dù gặp khó trong quá trình nội địa hóa ngành công nghiệp quốc phòng nhưng khẳng định là Nga sẽ làm được và sau đó họ sẽ dễ dàng triển khai các đồng bộ và tự chủ các kế hoạch sản xuất vũ khí của mình.