Báo Nga: Việt Nam quan tâm Mi-28N
Đó là thông tin được trang Gazeta.ru (Nga) tiết lộ khi dẫn nguồn từ Cơ quan hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga (MTC).
Theo đó, bên cạnh khách hàng đầu tiên là Iraq, một số quốc gia tại khu vực Châu Mỹ La Tinh, Bắc Phi và cận Sa mạc Sahara châu Phi và Đông Nam Á (ĐNA) đang bày tỏ sự quan tâm lớn tới dòng trực thăng Mi-28N "Thợ săn đêm" của Nga.
Thật bất ngờ là tại khu vực ĐNA, ngoài Malaysia, Thái Lan thì Việt Nam lại là khách hàng tiềm năng nhất, được nhắc đến mạnh mẽ ngay trong tiêu đề của bài viết trên Gazeta.ru rằng "Thợ săn đêm Mi-28N của Nga được quan tâm đặc biệt bởi Brazil, Việt Nam và châu Phi".
Quả thực, nếu Việt Nam bày tỏ mong muốn mua trực thăng tiến công Mi-28N thì sẽ là một bất ngờ rất lớn nếu không nói là kinh ngạc.
Bởi lẽ cho dù khoảng trống săn diệt tăng và chi viện hỏa lực từ trên không vẫn còn đó kể từ khi Mi-24 nghỉ hưu, nhưng nhiều năm qua dường như chưa có động thái cụ thể nào nhằm lấp đầy khoảng trống này. Có lẽ giai đoạn vừa qua Việt Nam có nhiều ưu tiên cấp bách hơn.
Mi-28 xuất kích.
Bất ngờ nhưng dường như cũng khả thi?
Nói là bất ngờ lớn, nhưng xét trên khía cạnh nào đó việc mua sắm dòng trực thăng vũ trang tiên tiến như Mi-28N là cần thiết, nhất là sau khi Lục quân Việt Nam được xác định sẽ đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa.
Thứ nhất, Lục quân Việt Nam sắp tới sẽ được trang bị nhiều vũ khí, trang bị hiện đại, trong đó có xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành, pháo phản lực thế hệ mới, yêu cầu có lực lượng chi viện gần và trực tiếp từ trên không sẽ trở nên cấp thiết.
Có Mi-28N che đầu và săn diệt các loại xe tăng, thiết giáp, dập tắt các hỏa điểm, trận địa hỏa lực của đối phương, sẽ giúp hiệu quả tác chiến của lục quân tăng gấp bội.
Thứ hai, mặc dù Mi-28N chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến cho dù chúng đã được Iraq đưa vào sử dụng từ năm 2014 và được cho là đã tham chiến ở Syria trong vài tháng vừa qua, nhưng các chuyên gia quốc tế đều đánh giá rất cao dòng trực thăng này.
Cụ thể, trong Báo cáo So sánh vũ khí trang bị do Mỹ và các nước khác sản xuất (năm 2015), Công ty Nghiên cứu quốc phòng Rand kết luận: Mi-28N xứng đáng là dòng trực thăng tấn công mạnh nhất thế giới, vượt trên cả loại trực thăng tấn công hàng đầu của Mỹ hiện nay.
Không có thông tin chi tiết về phiên bản nào sẽ lọt vào mắt xanh của Việt Nam, nhưng đó có thể là phiên bản Mi-28NM mới nhất - phiên bản nâng cấp sâu của Mi-28N của Nga.
Thứ trưởng BQP Nga, Yuri Borisov khẳng định với RIA Novosti rằng: “Mi-28NM đáp ứng mọi yêu cầu của Quân đội Nga, cũng như thị trường quốc tế".
Mi-28N và Mi-28NM có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm, chuyên săn diệt xe tăng, thiết giáp, binh lực đối phương cả lộ thiên hay trong công sự, công trình phòng thủ kiên cố.
Ngoài ra, nó còn làm được nhiều nhiệm vụ khác như rải mìn, săn diệt các xuồng cao tốc và phương tiện thủy cỡ nhỏ. Bên cạnh dó, nó còn diệt được cả các mục tiêu bay ở độ cao thấp ở nhiều dải tốc độ khác nhau.
Buồng lái Mi-28N bọc thép có khả năng chống được súng đại liên 12,7 mm hoặc mảnh đạn pháo 20 mm cho phép bảo vệ kíp bay tốt hơn trước các loại hỏa lực phòng không tầm thấp của đối phương.
Mi-28 "Thợ săn đêm" trong một ban bay huấn luyện.
Trực thăng tiến công Mi-28NM sẽ được trang bị hệ thống trinh sát, dẫn đường, điều khiển hỏa lực hoàn toàn mới để nâng cao độ chính xác và có kết cấu mở để tích hợp với nhiều thiết bị ngoại vi tiên tiến cùng vũ khí xuất xứ từ cả Nga và lẫn Phương Tây.
Bên cạnh đó, Mi-28 có thiết kế module nên chúng có thể dễ dàng được sửa chữa, bảo dưỡng trong điều kiện dã ngoại, kể cả ngay ngoài tiến tuyến.
Thứ ba, theo Gazeta.ru, Cơ quan hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga đã chuyển giao các tài liệu kỹ thuật và có những buổi trình diễn, giới thiệu Mi-28N với hơn 10 quốc gia, các công việc tiếp theo vẫn đang được tiếp tục đẩy nhanh".
Không nói cụ thể tới Việt Nam, nhưng rất có thể cả hai phía đã có những động thái nhất định thể hiện bên bán và bên mua đang xích lại gần nhau, cho dù mới chỉ là những trao đổi thông tin ban đầu. Để tiến tới ký kết hợp đồng chính thức sẽ còn mất nhiều thời gian.
Việc Việt Nam quan tâm đến Mi-28N hoặc thậm chí là phiên bản mới nhất Mi-28NM là có thật, nhưng trong vài ba năm tới vẫn chưa chắc đã có đơn hàng chính thức từ Việt Nam.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những cố gắng lớn khi đầu tư mua sắm nhiều vũ khí trang bị tiên tiến thế hệ mới cho Quân đội, nhưng với nguồn ngân sách còn hạn chế thì Mi-28 sẽ không sớm có mặt ở Việt Nam.
Đặc biệt, quá trình hiện đại hóa lục quân mới chỉ bắt đầu, có rất nhiều ưu tiên, việc Mi-28 là cần thiết nhưng tại thời điểm này chưa quá cấp bách.
Chưa biết Mi-28N của Việt Nam (nếu có) sẽ được biên chế cho các Trung đoàn trực thăng hiện hữu của Quân chủng PK-KQ hay là biên chế thẳng cho một lực lượng mới sẽ thành lập, đó là Không quân Lục quân.