Bất ngờ: VN đưa pháo tự hành đổ bộ đường không vào huấn luyện

Bình Nguyên |

Bên cạnh các loại pháo tự hành 2S1 Gvozdika (122mm) và 2S3 Akatsiya, gần đây bộ đội pháo binh còn đưa pháo tự hành đổ bộ đường không vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Việt Nam có pháo tự hành đổ bộ đường không từ bao giờ?

Tại Quân khu 2, vào tháng 10/2015, Lữ đoàn pháo binh 168 trực thuộc Quân khu đã tiến hành bắn thử nghiệm đạn nước đối với pháo tự hành SU-85.

Đây chính là pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 (АСУ-85 Aviadesantnaya Samokhodnaya Ustanovka) được sử dụng phổ biến trong các đơn vị lính dù Liên Xô trong những thập niên 1960-1970.

Lữ đoàn 168 đã hoàn thành nhiệm vụ bắn, đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị. Đến nay, đơn vị đã hoàn toàn làm chủ vũ khí trang bị mới, sẵn sàng chiến đấu độc lập hoặc hiệp đồng chi viện hỏa lực cho các đơn vị bạn.

Phó tư lệnh - tmt quân khu 2
Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn
Thông qua cuộc bắn đạn nước Pháo tự hành SU-85, trình độ chỉ huy và hiệp đồng của phân đội được nâng lên một bước, thể hiện sự trưởng thành của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 168 sau gần 4 tháng huấn luyện.

Khi Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Biên giới phía Bắc nổ ra tháng 2/1979, Liên Xô và các nước bạn bè Đông Âu đã viện trợ cho Việt Nam một lượng lớn vũ khí trang bị, từ máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng, thiết giáp, cho tới pháo phản lực và pháo tự hành,...


Pháo tự hành ASU-85 bắn đạn nước kiểm tra kỹ thuật.

Pháo tự hành ASU-85 bắn đạn nước kiểm tra kỹ thuật.

Một điều thú vị là trong hàng nghìn khẩu pháo đã được viện trợ cho Việt Nam lại có cả pháo tự hành ASU-85 mà Việt Nam hay gọi tắt là SU-85.

Đây là loại hỏa lực chủ yếu của Lực lượng Đổ bộ đường không (Binh chủng Nhảy dù) Liên Xô, có khả năng thả từ máy bay vận tải cỡ lớn.

Như vậy là sau nhiều năm niêm cất dài hạn, đến nay một số đơn vị pháo binh, trong đó có các đơn vị hỏa lực cấp quân khu đã đưa pháo tự hành ASU-85 trở lại biên chế, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Cơ động nhanh, hỏa lực tương đối mạnh

Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 sử dụng khung gầm PT-76, loại xe tăng bơi nổi tiếng đã từng tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập những chiến công oanh liệt trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới.


Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 đã có trong biên chế của Việt Nam từ khá lâu. Ảnh tư liệu: Trường Sơn.

Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 đã có trong biên chế của Việt Nam từ khá lâu. Ảnh tư liệu: Trường Sơn.

ASU-85 được thiết kế lại khá nhiều so với PT-76, nó không còn tháp pháo mà hỏa lực chính được gắn trực tiếp vào thân xe tăng, qua đó chiều cao tổng thể và trọng lượng xe giảm so với nguyên bản, đặc biệt thích hợp với các phương tiện vận chuyển là máy bay.

Pháo tự hành ASU-85 được dùng chi viện hỏa lực cho bộ binh tiến công hoặc phòng ngự, nó có khả năng diệt xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ.

Một trong những ưu điểm đáng nể của loại pháo này chính là tương đối nhỏ gọn nhưng có khả năng cơ động nhanh trên nhiều địa hình, kể cả những nơi lầy lội, hoặc có độ dốc lớn, đảm bảo theo sát chi viện hỏa lực cho các cánh quân, kể cả trong hành tiến tốc độ cao.

Pháo chính D70 cỡ nòng 85mm, tầm bắn tối đa 10km, có nguồn gốc từ pháo chống tăng D-48 có thể bắn các loại đạn chống tăng, đạn nổ mạnh văng mảnh với cơ số 45 viên.

Ngoài ra, xe còn được trang bị thêm súng máy đồng trục SGMT hoặc PKT 7,62 mm với cơ số đạn 2.000 viên.

Kính ngắm TShK-2-79 điều khiển cùng lúc cả pháo chính và súng máy đồng trục. Với đạn nổ mạnh chống tăng 3BK-7, ASU-85 có thể dễ dàng tiêu diệt các loại xe tăng, thiết giáp nhẹ với sức xuyên 192mm giáp thép ở góc chạm 60 độ từ cự ly xấp xỉ 1.000m.

Khi tác xạ trong điều kiện đêm tối, ánh sáng yếu, kíp pháo thủ được hỗ trợ bằng loại kính nhìn đêm TPN1-79-11 kết hợp cùng thiết bị trinh sát hồng ngoại L-2. Xe được trang bị hệ thống liên lạc vô tuyến R-113 và hệ thống liên lạc nội bộ kíp xe R-120.

Theo những bức ảnh được công bố, phiên bản pháo tự hành ASU-85 của Lữ đoàn 168 được trang bị súng đại liên DShK-M 12,7mm với cơ số đạn 600 viên, có thể chính là phiên bản hiện đại nhất của dòng pháo này, được NATO định danh là ASU-85 M1974.


Đại liên DShK-M 12,7 được lắp trên xe ASU-85.

Đại liên DShK-M 12,7 được lắp trên xe ASU-85.

Tuy nhiên, phiên bản này (đôi khi còn gọi là ASU-85M) chỉ có cơ số đạn pháo là 39 viên, giảm một chút so với phiên bản trước đó.

Ở Liên Xô, pháo ASU-85 năng chừng 15,5 tấn, vừa vặn với khoang chở hàng của nhiều loại máy bay vận tải và phù hợp với khả năng treo móc của các loại trực thăng cỡ lớn như Mi-6 hay Mi-10.

Không quân Việt Nam trước đây cũng đã từng vận hành một số máy bay trực trăng Mi-6, góp phần rất tích cực trong việc di chuyển tiêm kích MiG-21 tới khu vực sơ tán hay sân bay dã chiến để phục kích đánh địch.

Ngày nay, Mi-6 đã bị loại biên, trong khi đó không quân vận tải Việt Nam chủ yếu sử dụng các loại máy bay nhỏ, có trong tải và khoang hàng hạn chế nên hiện không có loại phương tiện đường không nào có thể tiến hành vận chuyển ASU-85 cơ động hoặc thả dù.

Tiếng là pháo tự hành đổ bộ đường không, nhưng trên thực tế, với Việt Nam, ASU-85 thực chất là một loại pháo tự hành thông thường như những kiểu loại khác như 2S1 hay 2S3, nó không còn dù, không tên lửa hãm và không "đi mây, về gió" nữa.

Việc ASU-85 được tái đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao sức mạnh hỏa lực ở cấp Quân khu, đặc biệt thích hợp với những khu vực có địa hình phức tạp, bị chia cắt, nhiều đồi núi, độ dốc lớn, không đòi hỏi tầm bắn quá xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại