Nếu vũ khí TQ tràn ngập Iran, đây là những gì Mỹ phải đối mặt

Nhật Minh |

TQ có thể sẽ tăng cường xuất khẩu vũ khí sang Iran, không chỉ vì lợi nhuận mà còn bởi khao khát biến Iran thành bức tường vững chắc để chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.

Vũ khí Trung Quốc có thể tràn ngập Iran

Theo nhà phân tích Joel Wuthnow trên tạp chí National Interest (Mỹ), Trung Quốc được xem là một trong những bên hưởng lợi lớn từ thỏa thuận hạt nhân Iran – ký kết vào tháng 7/2015 với nhóm P5+1.

Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế làm giàu uranium và phải tiến hành một số thay đổi khác đối với chương trình hạt nhân, đổi lại, Tehran sẽ được nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Điều này có thể mang lại cho các công ty năng lượng của Trung Quốc cơ hội tiếp cận lớn hơn với ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Iran.

Ngoài ra, Iran có thể sẽ trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng hơn đối với hàng loạt sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Bắc Kinh còn có thể hỗ trợ Iran xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ dự án phát triển Âu-Á quy mô lớn mang tên “một vành đai, một con đường”, cũng như cung cấp nguồn tài chính thông qua Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc đứng đầu.

Có vẻ có nhiều thỏa thuận sẽ được công bố trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Iran, dự kiến vào cuối tháng 1 này.

Tàu khu trục tên lửa Trường Xuân, thuộc biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran năm 2014
Tàu khu trục tên lửa Trường Xuân, thuộc biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran năm 2014

Bên cạnh đó, có một điều đáng lo ngại hơn nhưng đang bị xem nhẹ, đó là mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Trung Quốc với Iran có thể phát triển trên cả lĩnh vực vũ khí.

Cần nhắc lại một chút về bối cảnh lịch sử. Trong thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn của Iran.

Bắc Kinh đã bán cho Tehran nhiều loại vũ khí tiên tiến, từ xe tăng, máy bay chiến đấu cho tới tàu tuần tra cao tốc và tên lửa chống tàu.

Điều hấp dẫn Trung Quốc không chỉ là lợi nhuận mà dường như còn là “khao khát chiến lược” muốn biến Iran thành một bức tường vững chắc để chống lại sức ảnh hưởng quá lớn của Mỹ ở Trung Đông.

Các giao dịch vũ khí giữa Trung Quốc và Iran giảm dần vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và những năm 2000, do áp lực từ Mỹ và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Iran.

Song, thỏa thuận hạt nhân Iran có thể mang lại cơ hội hồi sinh các hoạt động xuất khẩu vũ khí từ Trung Quốc sang Iran.

Trung Quốc và nhiều quốc gia khác sẽ được phép xuất khẩu các loại vũ khí thông thường cho Iran trong vòng 8 năm tới, với sự cho phép của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Sau 8 năm, nếu Iran tuân thủ thỏa thuận thì những lệnh cấm này thậm chí còn được dỡ bỏ.

Ngoài ra, một số loại vũ khí khác có thể được xuất khẩu sang Iran, chẳng hạn như Nga tuyên bố rằng thỏa thuận cung cấp tên lửa S-300 với Iran hoàn toàn hợp pháp do hệ thống này không nằm trong danh mục bị cấm theo thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trung Quốc cũng có thể đưa ra lý lẽ tương tự khi cung cấp các vũ khí hạng nhẹ, tên lửa tầm ngắn và một số hệ thống khác.


Máy bay chiến đấu J-10

Máy bay chiến đấu J-10

Trong những năm tới, Trung Quốc có thể tìm cách bán nhiều vũ khí tiên tiến sang Iran, như máy bay chiến đấu J-10 (truyền thông Trung Quốc từng đưa tin về thương vụ tiềm năng này).

Một hệ thống khác là tàu tên lửa cao tốc lớp Houbei (Type 022) mà Trung Quốc có thể bán cho Pakistan. Đây sẽ là lựa chọn logic, do Trung Quốc và Iran đang mở rộng quan hệ hợp tác giữa lực lượng hải quân 2 phía.

Trung Quốc cũng có thể chuyển giao các tên lửa hành trình tiên tiến và công nghệ chế tạo cơ bản, cho phép Iran cải thiện chương trình tên lửa hành trình nội địa.

Các hệ thống xuất khẩu khác có thể là UAV, vũ khí chống vệ tinh, các thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa và khí tài tác chiến điện tử.


Tàu tên lửa Type 022

Tàu tên lửa Type 022

Mỹ đứng trước mối đe dọa lớn

Mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc – Iran có thể gây ra những tác động đáng kể đối với Mỹ và tình hình an ninh trong khu vực.

Tàu tên lửa cao tốc, tên lửa chống hạm và nhiều hệ thống khác sẽ cho phép Iran tăng cường năng lực “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD) – khả năng ngăn chặn lực lượng Mỹ trong trường hợp có khủng hoảng.

Trung Quốc có thể hỗ trợ rất lớn cho Iran do nước này cũng đang phát triển các loại vũ khí phục vụ chiến lược A2/AD để ngăn chặn Mỹ trong trường hợp có khủng hoảng tại eo biển Đài Loan.

Iran có thể dùng vũ khí do Trung Quốc cung cấp để tăng cường mối đe dọa đối với các tàu hải quân Mỹ tại eo biển Hormuz, con đường vận chuyển chiến lược đưa các nước xuất khẩu dầu tại vùng Vịnh đến với thị trường thế giới.

Iran còn có thể sử dụng những vũ khí này để tiến hành các cuộc tập trận khiêu khích nhằm vào lực lượng Mỹ trong khu vực.

Vào tháng 2/2015, các lực lượng Iran đã phá hủy một mô hình tàu sân bay Mỹ bằng tàu cao tốc, rocket vác vai và tên lửa hành trình.

Tháng trước, nước này đã bắn rocket ngay gần nhóm tàu sân bay Harry S. Truman của Mỹ khi con tàu đang di chuyển qua eo biển Hormuz.

Trung Quốc có thể hỗ trợ để Iran tiếp tục phát triển và mở rộng các hoạt động “gây mất ổn định” như thế này.

Iran luyện tấn công mô hình tàu sân bay Mỹ

Quân đội Trung Quốc còn có thể giúp Iran tăng cường năng lực tên lửa tầm xa, tạo ra mối đe dọa đối với các mục tiêu Mỹ ở khoảng cách xa hơn, như các cơ sở của Mỹ tại đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đã cam kết sẽ tuân thủ Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), trong đó hạn chế chuyển giao các thành phần và công nghệ dùng cho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuy nhiên, khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào cam kết này của Bắc Kinh.

Một lo ngại khác của Mỹ là, để mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, Iran có thể tái xuất vũ khí Trung Quốc sang các nước khác như Syria hoặc cho tổ chức Hezbollah ở Lebanon, Shi’a ở Iraq.

Thách thức với Trung Quốc

Tất nhiên, tăng cường hợp tác với Iran sẽ đặt ra cho Trung Quốc một thách thức lớn khi nước này cũng muốn có các mối quan hệ tích cực với Mỹ.

Các thương vụ vũ khí lớn sẽ phá vỡ mối quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khu vực vốn không ưa gì Tehran, như Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số công ty Trung Quốc có nguy cơ vướng vào các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với Iran.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Joel Wuthnow.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại