Dưới đây là nội dung bài viết của Phó GS Robert Farley:
Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có một thời gian dài núp bóng ngành công nghiệp Nga.
Trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, ngành công nghiệp Xô Viết đã cung cấp những nền tảng cơ bản cho tổ hợp công nghiệp – quân sự Trung Quốc thông qua giấy phép công nghệ, chuyển giao các bộ dụng cụ lắp ráp và hỗ trợ cố vấn.
Về sau, khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì, lắp ráp các loại thiết bị quân sự tiên tiến sao chép của Liên Xô, dù chúng thường có chất lượng thấp hơn.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách xuất khẩu công nghiệp Nga đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc khởi sắc sau giai đoạn suy yếu trong phần lớn thời kỳ cầm quyền của Đặng Tiểu Bình.
Ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn có thể học hỏi rất nhiều từ Nga nhưng trong nhiều lĩnh vực, nước này đã bắt kịp với những sản phẩm riêng.
Những bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ báo hiệu rằng công nghệ quân sự của nước này sẽ vượt qua Nga trong thập kỷ tới.
Trước đây, ngành xuất khẩu quân sự Trung Quốc đứng ở một vị trí tách biệt và thấp hơn so với Nga.
Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, dự đoán Nga và Trung Quốc sẽ cạnh tranh mạnh mẽ để giành thị phần trong 5 lĩnh vực dưới đây:
Máy bay chiến đấu
Nếu kế hoạch của Tập đoàn Thẩm Dương tiến triển như dự kiến, J-31 sẽ trở thành tiêm kích tàng hình thế hệ năm thứ 2 của Trung Quốc gia nhập vào thị trường xuất khẩu vũ khí quốc tế.
Các thông tin ban đầu về J-31 cho biết, nó sẽ giống tiêm kích F-35 (Mỹ) hơn là PAK-FA (Nga), mặc dù J-31 trang bị 2 động cơ và có thể không có được bộ thiết bị điện tử như của F-35.
Ở thị trường tiêm kích giá rẻ, dự án JF-17 “Thunder” do Trung Quốc – Pakistan hợp tác phát triển theo nguyên mẫu MiG-21 đã đạt được một vài thành công nhất định trong năm qua.
J-31 và JF-17 có thể mang lại cho Trung Quốc một “cú hích” trong lĩnh vực xuất khẩu, không chỉ hướng tới các đối tượng khách hàng khác nhau, mà còn tới những quốc gia đang có nhu cầu đa dạng hóa lực lượng máy bay chiến đấu của họ.
J-31 (trên) và JF-17 (dưới) hứa hẹn sẽ mang lại cho Trung Quốc một bước tiến lớn trên thị trường xuất khẩu vũ khí
Trong khi đó, Nga tiếp tục gặt hái thành công to lớn với “gia đình” chiến đấu cơ Flanker, các biến thể của dòng máy bay này đã được xuất khẩu tới một loạt khách hàng ở Đông Nam Á.
Song, các mặt hàng xuất khẩu khác lại chững lại, đặc biệt là vấn đề kiểm soát chất lượng đã gây khó khăn cho các thương vụ MiG-29.
Trong tương lai gần, Nga cũng không gặt hái được nhiều từ chương trình PAK-FA, khi dự án này tiếp tục vấp phải trở ngại.
Những bất đồng trong dự án hợp tác chế tạo máy bay với Ấn Độ có thể tác động tiêu cực tới bất cứ khách hàng nào quan tâm đến mẫu máy bay này.
Tàu ngầm
Trong vài tháng trở lại đây, Trung Quốc đã nhanh chân bước vào lĩnh vực xuất khẩu tàu ngầm diesel-điện.
Nhờ đạt được thỏa thuận chế tạo và chuyển giao tàu ngầm với Thái Lan và Pakistan, Trung Quốc đã lần đầu tiên bước chân vào thị trường vũ khí dưới lòng biển.
Sự thành công của Trung Quốc chắc chắn có ảnh hưởng lớn nhất tới Nga khi họ cũng là nhà cung cấp loại tàu ngầm tương tự.
Trên thực tế, các hãng đóng tàu Nga từ lâu đã lo ngại rằng:
Việc chuyển giao tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo cho Trung Quốc vào những năm 1990 và 2000 sẽ mang lại cho họ những bất lợi về lâu dài, bởi lẽ Trung Quốc có thể dùng công nghệ có được để sản xuất những mẫu tàu hiệu quả hơn.
Và có vẻ như sự lo ngại này đã xảy ra.
Song, lĩnh vực đóng tàu ngầm chắc chắn vẫn giữ vai trò quan trọng hơn so với các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp đóng tàu Nga.
Hơn nữa, Trung Quốc lại có rất ít kinh nghiệm trong việc chuyển giao các tàu hải quân cỡ lớn và tiên tiến.
Vì vậy, nhìn chung, Nga vẫn có một số lợi thế nhưng chúng sẽ sớm tiêu tan theo thời gian.
Xe tăng
Đội ngũ thiết kế gia đình xe bọc thép Armata của Nga đã thể hiện rõ quan điểm rằng họ không muốn xuất khẩu mẫu xe tăng này sang Trung Quốc.
Người Nga có lý do hợp lý để loại bỏ một trong những nhà nhập khẩu vũ khí quan trọng nhất thế giới ra khỏi danh sách khách hàng của xe tăng Armata.
Thái độ chưng hửng của Trung Quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ của Nga từng gây ra nhiều vấn đề với thương vụ Su-27. Nhưng trong tương lai, điều đó chưa hẳn đã là vấn đề đáng ngại nhất.
Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu dòng xe tăng nội địa (VT-4 hay MBT-3000), mẫu xe này chắc chắn sẽ cạnh tranh với các sản phẩm của Nga.
Trung Quốc tuyên bố xe tăng VT-4 vượt trội T-14 Armata của Nga ở nhiều khía cạnh.
Các nhà phân tích Trung Quốc tranh cãi rằng mẫu xe của họ sẽ có khả năng vượt trội so với Armata.
Nếu đúng như vậy, Nga có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn bán được số lượng xe tăng Armata mong muốn.
Song một điều may mắn cho Nga là Ấn Độ đã bắt đầu đánh tiếng về ý định hủy bỏ chương trình xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun.
Dự án này đã kéo dài trong nhiều thập kỷ, tiêu tốn những nguồn lực khổng lồ nhưng vẫn chưa thể cho ra đời một mẫu xe chiến đấu hiệu quả.
Ấn Độ chắc chắn sẽ không mua xe tăng của Trung Quốc nên nếu Nga đưa ra những điều kiện hấp dẫn hơn so với các đối thủ châu Âu, họ sẽ có thể tìm được thị trường cho mẫu xe tăng mới.
Hệ thống phòng không
Trung Quốc gần đây thu hút nhiều sự chú ý với thương vụ mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.
Mặc dù thỏa thuận đã bao gồm các điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Nga nhưng vẫn còn những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng kỹ thuật đảo ngược và tái xuất khẩu một số hệ thống phụ.
Tuy nhiên, Nga lại đơn thuần cho rằng công nghệ phòng không của Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với công nghệ Nga, tới mức độ mà những nỗ lực ngăn cản giao dịch này trở nên vô nghĩa.
Cả Nga và Trung Quốc đều đẩy mạnh các nỗ lực xuất khẩu công nghệ phòng không.
Trong đó, Nga đã vạch ra kế hoạch cụ thể để chuyển giao các hệ thống tên lửa đất đối không cho Iran và Brazil.
Có thể tới cuối cùng, Trung Quốc không hoàn tất được thỏa thuận hợp tác sản xuất hệ thống không HQ-9 với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sức cạnh tranh của Trung Quốc trong gói thầu lần này đã cho thấy công nghệ Trung Quốc tiến xa tới mức độ nào.
Nga sẽ vẫn thu được nhiều thành công với các quốc gia có liên quan tới Trung Quốc như Việt Nam và Malaysia, nếu có thể ngăn cản các hãng xuất khẩu phương Tây “lấn sân”.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc sẽ cạnh tranh để giành nhiều đối tượng khách hàng chung khác và chào bán các sản phẩm có tính năng tương tự nhau.
Tên lửa
Thị trường tên lửa đạn đạo đã có nhiều thay đổi. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã chuyển giao các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chủ yếu là biến thể của tên lửa SCUD, tới một loạt các khách hàng trên thế giới.
Trong những thập kỷ gần đây, các nỗ lực kiểm soát vũ khí và môi trường chính trị thay đổi đã khiến những giao dịch như vậy giảm đáng kể.
Song, nhìn chung, lĩnh vực xuất khẩu tên lửa hành trình vẫn là một lĩnh vực cạnh tranh công bằng.
Cả Nga và Trung Quốc đều đã xuất khẩu tên lửa hành trình trong nhiều thập kỷ, tới các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
Các hệ thống của Trung Quốc (phát triển dựa trên các nguyên mẫu của Liên Xô) thường kém hơn các sản phẩm của Nga.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đang dồn lực phát triển các loại tên lửa hành trình tiên tiến, theo chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Bắc Kinh.
Một lần nữa, những lợi thế của Nga chủ yếu nằm ở vị trí địa lý chiến lược. Nhiều khách hàng tiềm năng của Nga tập trung ở khu vực Đông Nam Á, nơi đang lo ngại sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bắc Kinh chắc hẳn cũng không muốn bán vũ khí cho những quốc gia mà về sau có thể dùng chính những tên lửa hành trình này nhắm vào các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Thay vào đó, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ cạnh tranh để giành hợp đồng tại khu vực châu Phi và Mỹ Latinh.
Kết luận
Trong thời gian dài, Nga có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp quân sự. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả 2 quốc gia đều dùng các giao dịch vũ khí như một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng chính trị.
Song, giờ đây, lợi nhuận mới thực sự là điều quan trọng.
Nga đang rất cần ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí phát triển mạnh để vực dậy ngành công nghiệp đã trở nên suy yếu và nền kinh tế đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp năng lượng.
Về lâu dài, Trung Quốc có thể sẽ chiếm thế thượng phong. Vũ khí Nga sẽ rất khó cạnh tranh với ngành công nghiệp quốc phòng đang ngày càng phát triển của Trung Quốc trong những thập kỷ tới.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Phó giáo sư Robert Farley tại Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ), với nhiều nghiên cứu về các học thuyết quân sự, các vấn đề an ninh quốc gia và hàng hải.