Nếu mang tên lửa R-60, Su-24M có đủ khả năng đánh trả F-16?

Tuấn Trung |

Mặc dù được thiết kế để đảm nhiệm vai trò máy bay ném bom tiền tuyến nhưng Su-24M vẫn có năng lực không chiến trong tầm nhìn ở mức độ hạn chế.

Những ngày qua, sự kiện thời sự thu hút được nhiều sự quan tâm nhất chắc chắn không gì hơn vụ đụng độ giữa Su-24M của Nga và F-16 của Thổ Nhĩ kỳ, trong đó phần thắng áp đảo đã thuộc về F-16.

Việc chiếc tiêm kích đánh chặn chuyên nghiệp như F-16 dễ dàng bắn hạ một máy bay ném bom tiền tuyến không trang bị vũ khí đối không như Su-24M được coi là điều đương nhiên. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là kết cục sẽ khác đi nếu Su-24M có mang theo vũ khí để tự vệ?


Su-24M mang tên lửa không đối không R-60 dưới cánh

Su-24M mang tên lửa không đối không R-60 dưới cánh

Bên cạnh việc được phân loại là máy bay ném bom tiền tuyến, Su-24 còn có cách gọi khác là tiêm kích - bom. Tức là ngoài nhiệm vụ chính tấn công mặt đất, nó vẫn có thể tham gia những trận không chiến quần vòng cự ly ngắn (dogfight) với phi cơ đối phương.

Vũ khí trang bị cho những trận dogfight của Su-24M gồm 1 pháo GSh-23-2 cỡ 23 mm (cơ số 500 viên đạn) và đáng chú ý nhất là tên lửa R-60 (phiên bản nâng cấp Su-24M2 mang được tên lửa R-73).

Tên lửa không đối không R-60 là loại đạn không chiến trong tầm nhìn điển hình, lắp đầu tự dẫn hồng ngoại có chức năng phân biệt mồi bẫy nhiệt, tầm bắn tối đa đạt 8 km, tốc độ Mach 2,7, mang theo đầu nổ tiếp xúc nặng 3 kg.

Tuy nhiên trong thực tế, cần tính đến quãng đường thao diễn và khoảng cách để đầu dò tên lửa R-60 bắt được mục tiêu trước khi bắn, cho nên dải phóng cho phép của loại đạn tầm ngắn này chỉ cách máy bay địch từ 250 đến 500 m.

Ngoài ra, do là một chiến đấu cơ nặng nề (trọng lượng rỗng của Su-24M là 22.300 kg so với 8.936 kg của F-16) cùng kết cấu cánh cụp cánh xòe khiến nó rất khó thực hiện các động tác thao diễn linh hoạt trong không gian hẹp, điều sống còn đối với không chiến quần vòng cự ly gần.

Trong khi đó, F-16 lại là một chiếc tiêm kích nổi tiếng về độ nhanh nhẹn và còn được sự hỗ trợ của radar có tầm phát hiện mục tiêu trên không từ cự ly rất xa, điều mà radar Orion chuyên về đánh đất của Su-24M không làm được.


Đồ họa mô tả việc chiếc Su-24M bị F-16 bắn hạ

Đồ họa mô tả việc chiếc Su-24M bị F-16 bắn hạ

Với những nhược điểm đã trình bày ở trên, có thể đi đến nhận định kể cả mang theo tên lửa không đối không R-60 (hay thậm chí là R-73 đi nữa) thì Su-24M cũng hầu như không có cơ hội sống sót khi phải đối đầu với F-16.

Nếu muốn giành chiến thắng, có lẽ Su-24M phải nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ nữ thần may mắn, đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra trong trận không chiến vừa qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại