Mỹ tổ chức bảo dưỡng máy bay tham chiến ở VN như thế nào?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Mỹ đã thành lập các cơ sở bảo trì, bảo dưỡng cho các máy bay hoạt động tại chiến trường VN nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu sửa chữa số máy bay bị hỏng hóc.

Do thực hiện học thuyết quân sự lấy không quân làm hạt nhân nên không lực đã có mặt trong mọi hoạt động quân sự của Mỹ. Không quân là lực lượng tiên phong vừa đảm nhận tấn công, chi viện hỏa lực vừa đảm nhận cung cấp hậu cần cho tất cả các đơn vị chiến đấu ở bất kỳ nơi đâu.

Tất nhiên chiến trường Việt Nam không thể là một ngoại lệ, từ khi Mỹ bắt đầu tiến hành mở rộng các hoạt động can thiệp quân sự tại Việt Nam vào năm 1965 thì ngành công nghiệp hàng không Mỹ đã trải qua một đợt tăng tốc chưa từng có tiền lệ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 trong việc sản xuất, triển khai và sử dụng máy bay.

Trong năm 1960, lượng tồn kho các loại phi cơ của quân đội Mỹ ước tính khoảng 5.528 chiếc, tuy nhiên con số này đã tăng lên đến 12.000 chiếc trong năm 1970 với chủ yếu là trực thăng được sản xuất nhằm triển khai hoạt động tại chiến trường Việt Nam.

Giá trị các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ hoạt động cho lực lượng khổng lồ này đã tăng từ 261,4 triệu USD vào năm 1960 lên đến 2,2 tỷ USD vào năm 1969. Các kế hoạch mua sắm máy bay và trang thiết bị đi kèm như vũ khí, linh kiện trong giai đoạn 1961-1970 cũng tăng trưởng nhanh chóng theo sự mở rộng quy mô của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Trực thăng UH-1 là thành phần chính trong chiến thuật trực thăng vận của Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Trực thăng UH-1 là thành phần chính trong chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ, nhà sản xuất Bell Helicopter đã phải chạy theo một cách chóng mặt, điều này thể hiện qua số trực thăng được sản xuất hàng năm. Năm 1960, nhà máy này sản xuất 1.259 chiếc UH-1, đến năm 1965 số lượng giảm xuống còn 787 chiếc/năm tuy nhiên đến năm 1967 lại tăng lên 1.558 chiếc/năm.

Đến năm 1968, số lượng sản xuất giảm xuống còn 856 chiếc/năm, nhưng sang năm 1969 lại tăng lên 1.093 chiếc/năm và năm 1970 lại giảm xuống còn 917 chiếc/năm. Sự tăng giảm số lượng sản xuất theo từng năm chủ yếu do tình hình tại thực địa. Điển hình hai năm 1967 và 1969, số lượng sản xuất cao hơn so với những năm còn lại là để bù đắp cho các trực thăng bị bắn hạ trên chiến trường.

Từ khởi điểm ban đầu chỉ có 2 phi đội trực thăng được triển khai vào năm 1961, tổng số máy bay của quân đội Mỹ tại Việt Nam đã tăng lên đến 510 chiếc vào tháng 01/1965. Số lượng máy bay có mặt tại chiến trường Việt Nam tăng lên đến đỉnh điểm với 4.228 chiếc vào tháng 09/1969.

Khi số lượng máy bay hoạt động gia tăng, nhu cầu về công tác bảo dưỡng cũng trở nên cấp thiết. Đầu năm 1965, Bộ tư lệnh hỗ trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã xây dựng một trung tâm bảo dưỡng máy bay đặt tại Vũng Tàu do tiểu đoàn kỹ thuật 756 phụ trách.

Đơn vị này sẽ cung cấp trực tiếp các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng cho tất cả các loại máy bay đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài trụ sở chính tại Vũng Tàu, tiểu đoàn này còn có 2 đơn vị khác hoạt động tại Nha Trang và Sài Gòn. Tuy nhiên, các cơ sở đó bắt đầu trở nên quá tải trước sự gia tăng đột biến các loại máy bay hoạt động trên chiến trường.

Có đến 3.305 chiếc trực thăng UH-1 đã bị bắn hạ trong cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Có đến 3.305 chiếc trực thăng UH-1 đã bị bắn hạ trong cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ tại Việt Nam.

Giữa năm 1965, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, tướng William Westmoreland đã yêu cầu thành lập một ủy ban nghiên cứu các kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng cho các máy bay hoạt động tại chiến trường Việt Nam nhằm đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật trong điều kiện số lượng máy bay ngày càng tăng mạnh.

Một cơ sở mới đã được thành lập nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh hỗ trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam. Công tác bảo trì sẽ do 3 công ty Lockheed, Lear Siegler, Dynalectron cùng với nhóm hỗ trợ chung 34 thuộc Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương đảm nhận.

Một kho lớn cung cấp phụ tùng thay thế cho các loại máy bay đã được xây dựng tại Sài Gòn. Từ giữa năm 1965, cơ sở bảo trì chính cho các máy bay Mỹ hoạt động tại Việt Nam được đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị bảo trì chung 330 với khoảng 70 nhân viên bản xứ phụ trách.

Mặc dù đã mở rộng quy mô các cơ sở đảm bảo kỹ thuật nhưng từng đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của quân đội Mỹ. Số lượng máy bay bị hỏng hóc trong chiến đấu liên tục gia tăng một cách chóng mặt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) vốn dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ của không quân.

Trong việc bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho các máy bay, đặc biệt là trực thăng thì vấn đề động cơ là nan giải nhất. Ban đầu các loại động cơ như T-53 của trực thăng UH-1 và T-55 của CH-47 bắt buộc phải đưa về Mỹ để tiến hành sửa chữa và bảo trì.

Chiến thuật dựa chủ yếu vào hỏa lực và hậu cần đường không của Mỹ đã thất bại tại chiến trường Việt Nam.
Chiến thuật dựa chủ yếu vào hỏa lực và hậu cần đường không của Mỹ đã thất bại tại chiến trường Việt Nam.

Tuy nhiên, sau sự kiện Mậu Thân năm 1968, nhu cầu sửa chữa động cơ cho các loại trực thăng đã gia tăng đột biến. Số lượng trực thăng gặp hỏng hóc về động cơ trong chiến đấu do hỏa lực phòng không của quân giải phóng miền Nam Việt Nam liên tục gia tăng. Trong khi đó, số lượng động cơ được sản xuất và sửa chữa tại Mỹ được chuyển về Việt Nam với tần suất 3 lần/tuần là không đáp ứng đủ nhu cầu.

Trước tình hình trên, Bộ tư lệnh hỗ trợ quân sự Mỹ đã tiến hành phân loại và cho phép sửa chữa tại chỗ đối với những loại động cơ có thể sửa chữa trong vòng 15 ngày, số còn lại không đáp ứng được yêu cầu mới phải đưa về Mỹ nhằm rút ngắn thời gian và chi phí.

Những năm chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã duy trì một lực lượng không quân lớn hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, đặc biệt là trực thăng. Các loại trực UH-1 và CH-47 đã gắn liền với chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ.

Trong số 12.000 trực thăng các loại của Mỹ được triển khai hoạt động tại chiến trường Việt Nam, đã có khoảng 5.086 chiếc bị phá hủy do bị bắn hạ hoặc bị rơi vì trục trặc kỹ thuật. Trong đó, tính riêng trực thăng UH-1, đã có 3.305 chiếc bị bắn hạ trong tổng số 7.013 chiếc được triển khai.

Trực thăng UH-1 tại chiến trường Việt Nam

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại