Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là 'đại cao thủ' UAV?

Mỹ, Israel đang chiếm thế thượng phong về máy bay không người lái (UAV) nhưng Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh...cũng đang rầm rộ tham gia cuộc đua.

Mới đây, máy bay không người lái tàng hình Trung Quốc LJ (Gươm sắc) đã hoàn thành cuộc thử nghiệm tiếp đất, điều này đồng nghĩa với việc “Gươm sắc” sẽ sớm được bay thử chuyến đầu tiên.

Sự kiện này không những gây chấn động trong giới quân sự Trung Quốc, mà còn thu hút sự chú ý của giới quân sự nước ngoài. Cùng thời điểm này, ngày 14-5, máy bay oanh tạc không người lái X-47B của Mỹ đã cất cánh thử nghiệm thành công từ tàu sân bay USS George H.W. Bush đang hoạt động tại vùng biển Đại Tây Dương gần bờ biển Virginia của Mỹ. Và máy bay tàng hình không người lái của Pháp, Anh, Nga… cũng đang được triển khai nghiên cứu, chế tạo rầm rộ. Trong sự phát triển của quân sự thế giới hiện nay, máy bay tàng hình không người lái chiếm vị thế như thế nào? Thực lực của các nước trong lĩnh vực này ra sao?

Từ tàng hình đến không người lái

Chiến cơ “tàng hình” là loại máy bay chiến đấu có thể tránh được sự phát hiện của các thiết bị radar và tia hồng ngoại, khiến quân đội đối phương khó phát hiện. Đây là tiêu chuẩn máy bay chiến đấu thế hệ 4 được công nhận. Như các máy bay chiến đấu thế hệ 4 F-22, F-35 của Mỹ, T-50 của Nga và J-20 của Trung Quốc đều có chức năng tàng hình.

Có nhiều cách để máy bay chiến đấu thực hiện chức năng tàng hình. Đối với sự thăm dò của sóng radar, các nhà sản xuất chú ý đến 2 yếu tố: Kết cấu ngoại hình đặc biệt và sử dụng nguyên liệu phức hợp để sơn ngoài máy bay, hai công nghệ này đều có thể phá vỡ tác dụng của sóng phản hồi do radar sinh ra, làm cho sóng phản hồi đó yếu đi, thậm chí hầu như không có. Còn đối với các thiết bị thăm dò hồng ngoại, cần phải chú ý đến các vị trí có nhiệt độ cao. Phương pháp là bố trí miệng hút và thoát khí của động cơ máy bay ở phần đỉnh của máy bay và tại lỗ thoát khí lại lắp đặt máy thải khí và thiết bị hút nhiệt để thải nguồn nhiệt ở miệng động cơ, không để máy thăm dò hồng ngoại trên mặt đất dò được bức xạ hồng ngoại của máy bay.

Còn máy bay không người lái là loại máy bay không có phi công điều khiển, dựa vào sự điều khiển vô tuyến điện hoặc hệ thống điều hành dưới mặt đất để bay và thực hiện cách nhiệm vụ khác. Ngay từ đầu thế kỷ XX, các nước Anh, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái. Trước đây máy bay không người lái chủ yếu dựa vào sự điều khiển vô tuyến điện, không thể tiến hành các động tác phức tạp. Hơn một trăm năm sau, máy bay không người lái hiện đã đã trở thành loại vũ khí lợi hại đa chức năng có thể trinh sát, thăm dò, chuyên chở, dụ dỗ quân địch, gây nhiễu và tác chiến.

Tàng hình và không người lái là xu thế phát triển của máy bay chiến đấu hiện đại, và khi 2 yếu tố này kết hợp với nhau, chắc chắn sẽ trở thành “đỉnh cao” trong số “đỉnh cao”. Một quan điểm cho rằng, máy bay chiến đấu thế hệ 5 trong tương lai là loại chiến cơ hạng lớn đồng thời có khả năng tàng hình và không người lái. Tuy nhiên, mặc dù lý thuyết về máy bay tàng hình không người lái không phức tạp, nhưng muốn thực hiện được “giấc mơ” này, vẫn còn rất nhiều vấn đề về kỹ thuật cần giải quyết. Cho đến thời điểm hiện nay, kể cả là Mỹ - nước dẫn đầu về công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu thì máy bay chiến đấu tàng hình X-47B cũng mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Vũ khí lợi hại

Công tác nghiên cứu và chế tạo máy bay tàng hình không người lái liên quan đến rất nhiều khâu, tất cả đều đưa ra yêu cầu mũi nhọn đối với công nghệ quân sự. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu chế tạo, trang bị máy bay không người lái tàng hình phản ánh sức mạnh quân sự của một quốc gia.

Trong chiến tranh thực địa, máy bay không người lái tàng hình có giá trị rất lớn. Trong chiến tranh hiện đại, vũ khí tấn công của hai bên (dù là tên lửa hay bom thông minh) đều có sức công phá cực lớn và độ chính xác cực độ, và điều này phụ thuộc vào ai phát hiện ra quân địch khai hỏa trước thì người đó sẽ chiếm được ưu thế. Máy bay tàng hình làm giảm rõ rệt rủi ro bị phát hiện, cho dù là cuộc giao chiến ở khoảng cách lớn không đối không hay là cuộc tác chiến đột kích không đối đất, không đối biển, đều có thể giành được cơ hội ngàn vàng và dội đòn thích đáng về phía quân địch. Do không có người điều khiển máy bay nên có thể giảm thiểu được tỉ lệ thương vong cho người, cắt giảm được khoang lái và hệ thống dưỡng khí, điều chỉnh nhiệt độ, hệ thống cứu nạn cho phi công…, giảm đi được trọng lượng đáng kể cho máy bay, khiến máy bay nhẹ hơn, linh hoạt hơn.

Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là 'đại cao thủ' UAV?
Máy bay không người lái ngày càng quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ.

Tuy nhiên máy bay tàng hình không người lái cũng không hẳn là toàn năng, không có đối thủ. Việc cải tiến tính năng luôn đi kèm với sự trả giá. Để thực hiện mục đích tàng hình, việc thiết kế thân máy bay, cánh máy bay cần có những yêu cầu rất chặt chẽ, khiến tính cơ động, đặc biệt là tốc độ bay vòng sẽ bị hạn chế.

Trước chiến trường muôn hình vạn trạng, khả năng phán đoán và đưa ra quyết sách của máy bay không người lại không thể sánh được với những phi công dày dạn kinh nghiệm. Ví dụ, đối với nhiệm vụ có độ linh hoạt cao như tác chiến trên không, khả năng ứng biến không thể sánh được với máy bay có người lái. Trong chiến tranh quy mô lớn trong tương lai, chỉ khi đưa vào lực lượng quân đội tiên tiến, loại vũ khí độc nhất vô nhị như máy bay tàng hình không người lái mới có thể phát huy được vai trò lợi hại của mình.

“Gươm sắc” Trung Quốc: Đối thủ đáng gờm

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục tung ra các loại vũ khí mới. Loại máy bay tàng hình không người lái “Gươm sắc” của Trung Quốc là sự tiếp nối của máy bay chiến đấu J-20, J-31… Nguồn tin cho biết, “Gươm sắc” bắt đầu được chế tạo từ năm 2009, tháng 12-2012 hoàn thành lắp ráp ở một công ty sản xuất máy bay tại tỉnh Giang Tây, sau đó “Gươm sắc” được tiến hành nhiều hoạt động thử nghiệm.

Sải cánh của “Gươm sắc” rộng khoảng 14m, do được sử dụng công nghệ thiết kế ngoại hình và vật liệu phức hợp sơn thân máy bay đặc biệt, khiến đặc trưng tín hiệu phản xạ radar của “Gươm sắc” rất thấp. Tính tàng hình này giúp nó có thể tấn công chuẩn xác đối với mục tiêu có giá trị dưới mặt đất của đối phương và hạ gục nhanh gọn.

Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là 'đại cao thủ' UAV?
 

Mặc dù thời gian chế tạo “Gươm sắc” chỉ mất 3 năm, nhưng đằng sau nó là sự tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực trải qua mấy chục năm của Trung Quốc. Trong đó, kỹ thuật quan trọng không người lái bao gồm kỹ thuật kiểm soát bay và dẫn đường mới, kỹ thuật vô tuyến điện chuỗi số liệu để thực hiện các chức năng tự chủ dẫn đường, tự động tấn công và tự động trở về căn cứ tiếp đất…

Và với vai trò là hệ thống đồng bộ đi kèm, vệ tinh viễn thám với độ phân giải cao có thể thu được bản đồ số hóa với độ chính xác cao, từ đó đưa ra lộ trình và nhiệm vụ chính xác cho máy bay không người lái; Nhiều loại bom điều khiển loại nhỏ, đặc biệt là bom hàng không đường kính nhỏ CM-506 đã trở thành vũ khí tấn công với độ chính xác cao rất thích hợp với máy bay không người lái.

X-47B của Mỹ: “Đại ca” đi đầu

Với vai trò là cường quốc quân sự thế giới, Mỹ đang dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực máy bay không người lái tàng hình. Đầu thế kỷ XXI, Mỹ khởi động dự án X-47, nghiên cứu phát triển máy bay tàng hình không người lái, trong đó X-47B vừa là chiếc máy bay phản lực không đuôi, cánh dơi, không người lái đầu tiên trên thế giới được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính, đồng thời cũng là chiếc máy bay oanh tạc tàng hình không người lái có thể cất cánh và hạ cánh từ hàng không mẫu hạm. Nhìn bề ngoài, X-47B rất giống với máy bay oanh tạc B-2 nhưng thể tích nhỏ hơn.

Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là 'đại cao thủ' UAV?
 

X-47B có sải cánh rộng khoảng 19m, nặng hơn 6 tấn, có thể hoạt động ở độ cao 12.000m. Khả năng tàng hình và tầm hoạt động cao của X-47B đã khiến quân đội Mỹ có thể dừng mẫu hạm ở hải vực cách mục tiêu khá xa, sau đó triển khai hàng loạt máy bay tàng hình không người lái để tấn công mục tiêu trên đất liền của đối phương, từ đó tránh được mối đe dọa của tên lửa mặt đất cự ly gần.

“Neuron” của châu Âu: Chiếm ngôi á quân

Sau Mỹ, châu Âu là khu vực thứ hai giành được sự đột phá trong lĩnh vực máy bay tàng hình không người lái. Sau khi dự án chế tạo máy bay không người lái “Neuron” do Pháp dẫn đầu, có sự tham gia của Italy, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thụy Sĩ khởi động vào năm 2006, đến tháng 12-2012 bay chuyến đầu tiên thành công tại Pháp.

Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là 'đại cao thủ' UAV?
 

Khác với X-47B, ban đầu “Neuron” được thiết kế nhằm mục đích ném bom trong quá trình tác chiến. Chiều dài 10m, độ rộng sải cánh 12,5m, tốc độ tối đa 0,8 Mach và hoạt động liên tục trên không trong vòng 3 giờ. Neuron có khả năng mang theo 2 quả bom nặng 250kg điều khiển bởi laser.

So với X-47B, các chỉ số của Neuron vẫn còn thua một khoảng cách, nhưng cũng được coi là máy bay chiến đấu tiên tiến hàng đầu thế giới. Nhà thiết kế hy vọng đến năm 2030, loại máy bay chiến đấu thế hệ mới này sẽ được trang bị cho không quân các nước châu Âu. Loại máy bay chiến đấu này không chỉ là sự thể hiện công nghệ quân sự tiên tiến của châu Âu, mà còn là một ví dụ cho thấy sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự giữa các nước châu Âu.

Taranis (Anh): Đối thủ của “Gươm sắc”

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm máy bay không người lái, máy bay tàng hình không người lái Tanaris đầu tiên của Anh cũng đang chuẩn bị thực hiện chuyến bay đầu tiên. Dự án máy bay Tanaris được tiến hành từ năm 2006, dài khoảng 12m, sải cánh rộng khoảng 10m, trọng lượng hơn 4 tấn. Các tham số và đặc trưng dường như là phiên bản thu nhỏ của máy bay X-47B của Mỹ.

Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là 'đại cao thủ' UAV?
 

So với các nước châu Âu, Anh luôn có đường lối phát triển quân sự gần với Mỹ, công tác chế tạo máy bay Tanaris cũng không thể tách rời được sự ủng hộ của Mỹ. Trong bối cảnh hai nước Mỹ, Pháp đã bay thử nghiệm thành công, Tanaris đang trở thành đối thủ cạnh tranh vị trí với “Gươm sắc” của Trung Quốc.

'Cá đuối biển' của Nga: Cao thủ tàng hình bí ẩn

Nga cũng không chịu thua kém trong lĩnh vực máy bay tàng hình không người lái. Trong cuộc triển lãm hàng không Moscow mấy năm về trước, công ty sản xuất máy bay Mig của nước này đã tung ra một loại máy bay oanh tạc không người lái hạng nặng đã từng là cơ mật tối cao quốc gia có ký hiệu “Skat”.

Từ số liệu đã công bố có thể thấy, độ sải cánh của Skat là 11,5m, chiều dài 10,25m, chiều cao 2,7m, tốt độ tối đa khi bay ở tầm thấp là 800 km/h, phạm vi chiến đấu nằm trong bán kính 2.000 km, tầm xa hoạt động là 4.000 km. Các chỉ số gần như tương đương với hệ máy bay X-47 của Mỹ. Nguồn tin cho biết “Skat” có thể đột phá hệ thống pháo hỏa phòng không nghiêm ngặt của kẻ địch, kể cả bị tấn công quyết liệt cũng vẫn có thể tấn công một cách chính xác mục tiêu dưới đất và trên biển.

Mỹ, Nga, Trung: Ai thực sự là 'đại cao thủ' UAV?
 

Tuy nhiên, kể từ đó trở đi, tiến độ chế tạo Skat không được nhắc nhiều đến nữa. Do quân đội Nga một thời gian dài vấp phải những khó khăn về mặt tài chính, trong khi thị trường quân sự thế giới thường tung ra những ngôn luận không có thực, chính vì thế loại vũ khí tiên tiến này hiện đang ở giai đoạn nào vẫn là một điều bí ẩn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại