Mỹ lo Trung Quốc xuất khẩu tiêm kích J-20

Việc mở rộng khả năng quốc phòng của TQ, trong đó, việc cạnh tranh xuất khẩu vũ khí đã đặt ra một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách và sản xuất vũ phương Tây.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xuất khẩu loại máy bay chiến đấu tàng hình mới cùng với một số hệ thống vũ khí tiên tiến khác nhằm triển khai lực lượng đối phó với Mỹ và đồng minh trong tương lai.

Frank Kendall, Phó Cục trưởng Cục trang bị, Công nghệ và Hậu cần Lầu Năm Góc cũng nói trong một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng khoảng cách công nghệ giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc đang bị thu hẹp trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ giảm mạnh và của Bắc Kinh thì tăng lên nhanh chóng.

"Nói chung, chúng tôi cho rằng Bắc Kinh có phiên bản xuất khẩu cho loại vũ khí mà họ đang chế tạo. Chúng tôi không thể lường trước được một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc. Chúng tôi không chỉ quan ngại về sự hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh mà còn cả về khả năng xuất khẩu vũ khí, và có thể chúng tôi phải đối mặt với những đối thủ có loại vũ khí hiện đại đó của Trung Quốc", ông Kendall phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí thứ 5 trên thế giới và các nhà sản xuất vũ khí của Trung Quốc gần đây cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong các thương vụ mua bán vũ khí trang bị quốc tế.

Việc mở rộng khả năng quốc phòng của Trung Quốc, trong đó có việc cạnh tranh xuất khẩu vũ khí đã đặt ra một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà sản xuất vũ khí phương Tây, những người đang nhắm mục tiêu có doanh số bán hàng cao ở khu vực Trung Đông và châu Á để bù đắp vào những thâm hụt ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm của họ.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã tạo ra một cơn địa chấn năm ngoái, khi Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên trong khối NATO - thông báo sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đất đối không FD-2000 của Bắc Kinh, thay vì hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của công ty Raytheon & Lockheed Martin, Mỹ; hệ thống S-300 của công ty Rosoboronexport, Nga hay SAMP/T Aster 30 của Pháp và Italy.

Đây cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp cao đã nêu ra khả năng mới của Trung Quốc rằng máy bay chiến đấu J-20 sẽ được xuất khẩu. Trước đó, Lầu Năm Góc cũng đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng Mỹ đã mất đi ưu thế của mình trong các lĩnh vực như máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa và chiến tranh mạng.

J- 20 bay thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2011 và các quan chức Lầu Năm Góc không mong đợi máy bay này đi vào hoạt động trước năm 2018. Ông Kendall nói rằng Lầu Năm Góc đang tiếp tục đấu tranh để đầu tư cho nghiên cứu và chế tạo để duy trì khoảng cách lớn hơn về ngân sách so với Trung Quốc và Nga cũng như các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Kendall nhấn mạnh rằng hiện ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được công bố chính thức chỉ là một phần tư ở Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã tăng con số này lên 10%/năm và những thách thức về tài chính của Mỹ làm lu mờ triển vọng của Lầu Năm Góc trong trung hạn.

"Tôi không chắc chắn chúng tôi có thể sẽ tiếp tục bị giảm ngân sách quốc phòng trong vòng 5 hay 10 năm nữa", ông Kendall nói và cho biết thêm rằng Trung Quốc gần đây được cho là đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh bay nhanh gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh, “đây là một ví dụ điển hình về một lĩnh vực công sẽ phát triển cho dù chúng ta có đầu tư cho nó hay không”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại