Theo tuần san Người đưa tin công nghiệp quân sự Nga (Russian Military-Industry Courier) và Aviation Week Mỹ, Trung Quốc đã tiếp thu được từ Nga công nghệ phát triển máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL - vertical take-off and landing), và có thể sẽ phát triển một biến thể VTOL của máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Tàng hình cơ J-20 của Trung Quốc.
Công nghệ này trước đây được dùng trong máy bay chiến đấu Yak-141 VTOL của Nga.
Một nguyên mẫu động cơ R-79-300 được sử dụng trong chiếc Yak-141 đã được bán cho Trung Quốc vào năm 1996. Năm 1998, Nga xuất khẩu bổ sung cho Trung Quốc vòi phun và công nghệ có liên quan của động cơ R-79-300.
Đây là một động cơ vector lực đẩy phản lực với lực đẩy tối đa 8.994 kg và lên tới 15.500 kg nếu được lắp thêm động cơ phụ.
Yak-141 của Nga.
Yak-141 có thể cất cánh với khoảng cách chỉ 5m. Ngoài ra, Yak-141 còn có thể cất cánh trên đường băng ngắn từ 60–120m với trọng lượng lên tới 19.500kg.
Máy bay đã thiết lập nhiều kỷ lục thế giới đối với thể loại máy bay tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng trong đó có kỷ lục bay lên độ cao 12.000m chỉ trong 116,2 giây với tải trọng hiệu dụng 2.000kg và 130,5 giây với tải trọng hiệu dụng 2.000kg và đạt tốc độ lên cao 250m/s từ độ cao 3.000-8.000m.
Yak-141 VTOL đã thiết lập nhiều kỷ lục thế giới.
Tuần san Người đưa tin công nghiệp quân sự Nga và Aviation Week Mỹ cũng cho biết rằng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc có triển vọng sẽ được trang bị loại động cơ WS-15, loại động cơ nội địa được xem là bước đột phá trong công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Điều này sẽ giúp cho việc sản xuất hàng loạt máy bay J-20 thoát khỏi sự lệ thuộc vào động cơ do Nga chế tạo và cho phép Không quân Trung Quốc nhanh chóng mở rộng lực lượng máy bay chiến đấu tàng hình của mình.