Mỹ lộ tham vọng phát triển siêu chiến đấu cơ thế hệ mới

Đỗ Tuấn |

Không quân Mỹ có thể chi ra 60 tỷ USD để đầu tư cho dự án phát triển một thế hệ máy bay tàng hình cỡ lớn thay thế cho cả B-1 Lancer lẫn B-52 Strafortress và hỗ trợ cho B-2 Spirit.

Theo chuyên gia David Deptula, cựu Trung tướng Không quân Mỹ, Viện trưởng Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell, chiến đấu cơ thế hệ mới của Mỹ sẽ là dự án do hãng Northrop Grumman hoặc liên danh Boeing - Lockheed Martin phát triển.

Đáng nói hơn, chiến đấu cơ này không chỉ đơn thuần là một máy bay ném bom.

Ông Deptula cho rằng, mục tiêu của dự án không phải là một máy bay ném bom (B-X), tiêm kích (F-X), trinh sát (R-X) hay chế áp điện tử (E-X), mà sẽ là sự hội tụ của tất cả. Nó có thể gọi với cái tên “máy bay tấn công viễn thám tầm xa” (long range sensor shooter).

Siêu máy bay này được kỳ vọng sẽ ra đời vào những năm 2020 và có khả năng tấn công sâu vào không phận đối phương tại thời điểm, địa điểm tự xác định.

Ông Deptula nhận xét: “LRS-B sở hữu hệ thống cảm biến và liên lạc có thể đóng vai trò trung tâm trên chiến trường. Các hệ thống vũ khí sẽ được phối hợp chiến đấu và chia sẻ thông tin theo cách thức chưa từng thấy trước đây”,

LRS-B sẽ là máy bay có người lái với đơn giá dự kiến 600 triệu USD/chiếc theo cách tính hiện tại.

Lockheed Martin có thể sẽ phát triển LRS-B trên nền tảng siêu tiêm kích F-22 Raptor. Tuy nhiên, theo chuyên gia Deptula, loại máy bay mới có thể mang tải trọng gấp 10 lần và tầm bay xa gấp 4 - 8 lần so với F-22.

Trong khi đó, chuyên gia Peter Huessy thuộc Hiệp hội Không quân thì cho rằng, LRS-B sẽ có tính hiệu quả cao về chi phí.

Nó có thể thực hiện tổng hợp nhiều tính năng, gồm tình báo, trinh sát và do thám và cả tấn công các mục tiêu di động sâu trong lãnh thổ đối phương bằng các tên lửa hành trình hiện đại.

Ông Huessy cho rằng, máy bay ném bom B-2 của Northrop bị chỉ trích là quá tốn kém nên mới chỉ có 20 chiếc được chế tạo. Ngoài ra, B-2 đang “chấp chới” để có thể trở thành một máy bay ném bom hạt nhân chiến lược hay chỉ là máy bay tấn công thông thường.

Tuy vậy, chia sẻ nhận định của tướng Không quân về hưu Deptula, ông cho rằng, LRS-B sẽ “cho hiệu quả” trong bối cảnh nhiều chi phí chương trình đầu tư quốc phòng của Mỹ đang “phình ra”.

Bởi LRS-B đáp ứng nhu cầu máy bay tấn công tầm xa nhằm đối phó với khủng hoảng lớn tiềm tàng trong tương lai, đòi hỏi không quân phải thực hiện đồng thời việc thâm nhập và tấn công trấn áp.

Mỹ hiện đang duy trì 158 máy bay ném bom, trong đó hơn một nửa được trang bị vũ khí hạt nhân. Độ tuổi trung bình của những máy bay ném bom B-52 Mỹ là 53, phi đội B-1 là 28, và B-2 là 20.

Trong dự chi ngân sách 5 năm tới, LRS-B đã được phê duyệt khoản ngân sách 14 tỷ USD trong giai đoạn tới năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại