Mỹ có mạo hiểm khi mời TQ tham gia cuộc tập trận lớn nhất TG?

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã chấp nhận lời mời tham gia lần đầu tiên vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ chủ trì.

Quyết định của Bắc Kinh trong việc đồng ý tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới vào năm tới được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh Nhật Bản đang leo thang vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Cùng với đó, Mỹ cũng cảm thấy lo ngại và bất an trước việc Trung Quốc củng cố mạnh mẽ sức mạnh quân sự và khả năng mạng của nước này.

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương còn được gọi là RIMPAC vốn là cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới. Năm ngoái, cuộc tập trận này diễn ra ở ngoài khơi Hawaii với sự tham dự của 22 quốc gia và hơn 40 tàu thuyền và tàu ngầm.

Không phải tất cả những nước tham gia cuộc tập trận RIMPAC đều là đồng minh có hiệp ước với Mỹ. Cuộc tập trận RIMPAC 2012 có sự tham dự của Nga và Ấn Độ.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ tham gia vào cuộc tập trận nói trên mặc dù nước này đã từng cử giám sát viên đến cuộc tập trận RIMPAC 1998, Lầu Năm Góc Mỹ cho biết.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Ashton Carter thừa nhận trong bài phát biểu ngắn gọn ở thủ đô Jakarta của Indonesia hồi giữa tuần rằng, Trung Quốc đã đồng ý tham dự RIMPAC 2014. Theo lời ông Carter, ông cảm thấy “vui mừng khi họ chấp nhận” lời mời được đưa ra hồi năm ngoái bởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Leon Panetta.

Ông Panetta đã đề nghị Trung Quốc phái một con tàu đến tham gia các cuộc diễn tập. Bắc Kinh sau đó cho biết, họ đã “cân nhắc một cách tích cực” lời đề nghị của phía Mỹ.

"Chúng tôi đang tìm cách củng cố và phát triển mối quan hệ quân sự với Trung Quốc để phù hợp với mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước”, Thứ trưởng Carter phát biểu.

Tuy nhiên, luật pháp Mỹ cấm Lầu Năm Góc thực hiện bất kỳ cuộc tiếp xúc quân sự nào với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa nếu nó có thể “tạo ra một mối nguy cơ đối với an ninh quốc gia gây ra từ việc tiết lộ thông tin không thích hợp” thông qua các hoạt động bao gồm những chiến dịch chiến đấu chung.

Quy định này không áp dụng với các chiến dịch hay các bài diễn tập liên quan đến hoạt động giải cứu và cứu trợ thảm họa. Năm ngoái, Trung Quốc từng tham gia một cuộc tập trận chống cướp biển với Mỹ.

 

Lý do an ninh

Trung tá Catherine Wilkinson – một nữ phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận RIMPAC vào năm tới sẽ tuân theo luật pháp của Mỹ đồng thời tuân theo cả những biện pháp đề phòng do Hải quân Mỹ đưa ra trong cuộc tập trận nhằm tránh lộ những thông tin nhạy cảm.

"Hải quân Mỹ có những quy định về việc bảo vệ an ninh trong hoạt động nhằm giữ gìn không cho công nghệ, kỹ thuật, chiến thuật và kể cả thủ tục của Mỹ khỏi tránh bị tiết lộ”, bà Wilkinson cho hay.

Ông Dean Cheng – một nhà phân tích thuộc Heritage Foundation và là một cố vấn theo phe bảo thủ của Washington, đã tỏ ra hoài nghi về việc liệu các gián điệp tình báo của Trung Quốc có thu lợi được gì từ việc tham gia vào RIMPAC. Cuộc tập trận này bao gồm cả những màn diễn tập bắn đạn thật của những đồng minh chủ chốt của Mỹ.

"Nếu họ có một tàu khu trục, hoặc thậm chí là một tàu bệnh viện, trong giữa cuộc tập trận đó, con tàu bệnh viện đó chắc chắn sẽ có những sĩ quan tình báo”, ông Cheng nói. Ông này nhấn mạnh, nếu các bài diễn tập được thiết kế theo cách không có lợi ích gì cho Trung Quốc thì chúng cũng chẳng có lợi gì cho các đồng minh Mỹ.

Phát ngôn viên Wilkinson từ chối không đưa ra dự đoán về việc liệu Trung Quốc có thể tham gia vào các bài diễn tập nào, nói rằng chương trình nghị sự của cuộc tập trận RIMPAC 2014 chưa được lập ra.

Tuy nhiên, bà này nói, "hợp tác quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bao gồm một loạt các hoạt động ở trong những lĩnh vực chung như an ninh hàng hải, quân y, cứu trợ thảm họa và nhân đạo”.

Chỉ huy Charles Brown – một phát ngôn viên của Hạm đội Thứ Ba thuộc Hải quân Mỹ, cho biết, một cuộc họp lên kế hoạch ban đầu cho cuộc tập trận RIMPAC 2014 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

"Chúng tôi tự hào về khả năng của mình trong việc thiết kế ra một cuộc tập trận mà tất cả mọi người đều cảm thấy đáp ứng được mục tiêu cũng như phù hợp với họ", ông Brown nói.

Tuy nhiên, với việc vai trò của Trung Quốc bị giới hạn trong cuộc tập trận lớn nhất thế giới, Mỹ rõ ràng có sự cảnh giác với Trung Quốc. Điều này chẳng có gì là lạ khi Mỹ và Trung Quốc thường xem nhau là “địch thủ” dù hai nước vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau. Hơn nữa, Trung Quốc vốn được xem là nổi tiếng về khả năng bắt chước, sao chép công nghệ, kỹ thuật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại