Vừa qua, việc các tàu chiến thuộc Hạm đội Caspian của Nga phóng tên lửa hành trình đối đất 3M-14T vượt 1.500 km tiêu diệt các mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo nằm sâu trong lãnh thổ Syria đã gây một tiếng vang lớn.
Đặc biệt hơn, những chiến hạm tham gia đợt tấn công này gồm Gepard và Buyan-M đều được xem là ứng viên sáng giá, có thể sớm xuất hiện trong biên chế Hải quân Việt Nam.
Từ đó đã dẫn tới viễn cảnh trong tương lai, các tàu chiến mặt nước của Việt Nam sẽ có khả năng tung đòn tấn công hủy diệt căn cứ hậu cần nằm sâu trong đất liền của kẻ địch.
Tàu Gepard của Hải quân Nga phóng tên lửa hành trình Klub.
Nhưng nếu Hải quân Việt Nam được trang bị phiên bản đối đất của tên lửa hành trình Klub thì đó cũng chỉ là biến thể xuất khẩu, tầm bắn đã bị cắt giảm xuống còn 300 km.
Ngoài ra còn vướng mắc khác đó là đơn giá rất đắt của tên lửa 3M-14TE (có thể lên tới 6,5 triệu USD/quả), và chúng sẽ làm giảm cơ số đạn chống hạm vốn đã chẳng nhiều của Gepard hay Buyan-M (mỗi tàu chỉ có 8 ống phóng của tên lửa Klub).
Do vậy, chúng ta nên tính đến một phương án phù hợp hơn với điều kiện thực tế của Hải quân Việt Nam, đó là trang bị phiên bản đối đất của tên lửa Uran-E cho tàu Molniya 1241.8.
Tên lửa chống hạm Uran, các biến thể từ trái qua phải: Kh-35E (phóng từ máy bay), 3M24E (phóng từ tàu mặt nước), Kh-35UE (phóng từ máy bay) và 3M24UE (phóng từ tàu mặt nước).
Kh-35/3M24 Uran-E đang là tên lửa chống hạm xương sống của Hải quân Việt Nam, lắp đặt trên tất cả những tàu mặt nước tiên tiến nhất như Gepard 3.9, BPS-500 và đặc biệt là Molniya 1241.8.
Bên cạnh vai trò chính là chống hạm, tên lửa Uran còn có một biến thể đối đất ít được biến đến hơn có tên định danh 3M24M Uranium (phóng từ tàu mặt nước) hay Kh-37 Uranium (phóng từ máy bay).
Khác biệt lớn nhất giữa Uranium và Uran là phiên bản đối đất được trang bị một đầu dò sử dụng công nghệ so khớp ảnh (thay thế vị trí của radar chủ động trên phiên bản chống hạm) kết hợp với chức năng tham chiếu đường bay qua hệ thống định vị GLONASS.
Phiên bản xuất khẩu của 3M24M là 3M24E1 đã phục vụ trong Hải quân Ấn Độ, so với tên lửa 3M24E thì phần thân của 3M24E1 được kéo dài để chứa nhiều nhiên liệu hơn, vì vậy tầm bắn được nâng lên tới 250 km (so với 130 km của 3M24E).
Hiện nay phiên bản hiện đại hóa của tên lửa Uran là 3M24UE/Kh-35UE đã chính thức đi vào phục vụ, nhờ động cơ mới và được tối ưu hóa quỹ đạo bay mà tầm bắn tăng vọt lên 260 km trong khi kích thước không đổi. Điều này mở ra cơ hội nâng cấp rất lớn cho Uranium.
Tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất. Ảnh: VOV.
Việt Nam hiện đã sản xuất thành công tên lửa chống hạm KCT 15 (phiên bản tên lửa Uran được Nga chuyển giao công nghệ) có tầm bắn ước tính ngang ngửa với Uran-UE.
Khi đã nắm vững công nghệ chế tạo KCT 15 và có nhu cầu đối với biến thể đánh đất, chúng ta hoàn toàn có thể đàm phán để tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ phía Nga, do việc chuyển đổi chức năng giữa hai loại tên lửa này là không quá phức tạp.
Với đơn giá vào khoảng 2 triệu USD/quả, rẻ hơn rất nhiều 3M-14TE trong khi tầm bắn không thua kém là bao, tên lửa 3M24E1 còn có thể giúp cho Molniya 1241.8 thực hiện tốt cả chức năng đối đất lẫn đối hạm (cơ số dự kiến 12 quả 3M24E/UE và 4 quả 3M24E1).
Rõ ràng với những ưu điểm và sự phù hợp của Uranium, Việt Nam nên tính đến việc lựa chọn loại tên lửa này làm vũ khí tấn công mặt đất xương sống của hải quân, bên cạnh vai trò chủ lực của 3M-14TE Klub-N.