Việt Nam được và mất những gì nếu chọn Tigr thay vì SIGMA 9814?

Hải Dương |

Nếu vì lý do khách quan mà Việt Nam buộc phải hủy bỏ hợp đồng đặt mua tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 để chuyển sang Steregushchy Dự án 20382 thì đó cũng không phải là thảm họa.

Thời gian gần đây một số tạp chí nước ngoài như TASS của Nga hay Defencenews dẫn lời chuyên gia quân sự - giáo sư Carl Thayer... đều cho rằng dự án SIGMA 9814 của Việt Nam đang bị "treo" do tồn tại một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc mô hinh khinh hạm Steregushchy Dự án 20382 (lớp Tigr) xuất hiện tại gian hàng của Bộ Quốc phòng tại Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội 2015 đã dẫn tới nhận định đây có thể chính là phương án thay thế.

Trong trường hợp Việt Nam buộc phải hủy bỏ hợp đồng đặt mua tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 để chuyển sang Tigr thì đó cũng không phải là thảm họa vì một số lý do sau đây.

Tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9813
Tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9813

Trước hết là ở đơn giá, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nếu như giá thành đóng một chiếc SIGMA 9814 vào khoảng 250 triệu USD thì Tigr chỉ là 175 triệu USD. Khác biệt còn rõ ràng hơn ở các loại vũ khí đi kèm.

Tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block 3 mặc dù được đánh giá rất cao ở khả năng vận động và độ chính xác nhưng lại có một mức giá rất "khủng", lên tới 4,5 triệu USD/quả, gấp 3 lần tên lửa Uran-E.

Hiện nay Việt Nam đã sản xuất thành công tên lửa chống hạm nội địa KCT 15 được dự đoán có tầm bắn vượt trội con số 180 km của Exocet. Nếu mua Tigr, tên lửa KCT 15 chắc chắn sẽ được tích hợp lên tàu, đây là một viễn cảnh đáng để mong đợi.


Tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất. Ảnh: VOV

Tên lửa chống hạm KCT 15 do Việt Nam sản xuất. Ảnh: VOV

Tên lửa phòng không cũng là một ưu thế khác của Tigr, VL-MICA trên SIGMA 9814 có tầm bắn 20 km, trần bay 11 km, tốc độ Mach 3, đơn giá tới 1,5 triệu USD/quả.

Mọi thông số của VL-MICA đều thua xa 9M317ME thuộc hệ thống Shtil-1, cụ thể: tầm bắn tới 50 km, trần bay 15 km, tốc độ Mach 4,5 nhưng giá thành chỉ hơn 600.000 USD/quả.

Nhờ đầu đạn nổ phá mảnh nặng 62 kg, loại tên lửa phòng không này còn có thể sử dụng để chống lại tàu mặt nước cỡ nhỏ khi cần thiết, đây là điều bất khả thi với VL-MICA.

Tigr còn được trang bị 2 pháo phòng không bắn nhanh AK-630M, đây là hệ thống vũ khí phòng thủ tầm cực gần (CIWS) đúng nghĩa, có thể đánh chặn tên lửa đối hạm bay bám biển trong khi MARLIN-WS trên SIGMA không có chức năng này.

Như vậy, mặc dù giá thành rẻ hơn rất nhiều nhưng Tigr lại mạnh hơn hẳn SIGMA 9814 ở cả công lẫn thủ.

Tên lửa phòng không 9M317ME thuộc hệ thống Shtil-1 sẽ mang lại cho Tigr tấm lá chắn tin cậy
Tên lửa phòng không 9M317ME thuộc hệ thống Shtil-1 sẽ mang lại cho Tigr tấm lá chắn tin cậy

Tuy nhiên SIGMA 9814 cũng có những ưu điểm sau đây khi so sánh với Steregushchy Dự án 20382.

Trước hết là ở pháo hạm, pháo OTO Melara Super Rapid dù cho cỡ nòng nhỏ hơn A-190 nhưng tầm bắn lại xa gấp đôi nhờ đạn có điều khiển Vulcano. Ngư lôi MU90 Impact của SIGMA 9814 cũng được đánh giá cao hơn nhiều Paket-NK.

Nhưng ưu thế lớn nhất của SIGMA 9814 lại chính là hệ thống điện tử và công nghệ đóng tàu theo module.

Trong khi radar trinh sát SMART-S MK2 có tầm hoạt động 250 km, theo dõi được tới 500 mục tiêu cùng lúc và có độ tin cậy rất cao thì Furke-E trên Tigr chỉ phát hiện được mục tiêu cách xa 110 km với sai số khá lớn.

Nhược điểm cố hữu của ngành đóng tàu Nga hiện vẫn là công nghệ thi công theo tổng đoạn có độ tùy biến thấp và thời gian kéo dài. Nếu buộc phải lựa chọn Tigr, chúng ta sẽ không có cơ hội tiếp cận công nghệ đóng tàu tiên tiến của phương Tây để áp dụng trong tương lai.

Tóm lại, phương án đặt mua tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 hay Steregushchy Dự án 20382 (Tigr) đều có những ưu và nhược điểm riêng, cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại