Trong thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ máy bay quân sự bị rơi. Do đâu và vì đâu những "đại bàng" của không quân nhiều quốc gia bị gãy cánh trong hoàn cảnh không có chiến sự?
Trong tất cả các loại trang thiết bị quân sự dùng trong quân đội các nước trên thế giới, tỷ lệ rủi ro trong hoạt động cao nhất thuộc về lực lượng không quân.
Sự trục trặc, hỏng hóc trong khi vận hành đối với các loại trang bị vũ khí là điều khó tránh khỏi. Một chiếc xe tăng có thể bất ngờ chết máy trong lúc đang hành quân hay động cơ một chiếc tàu chiến có thể gặp sự cố khi hoạt động. Các sự cố trên có thể ảnh hưởng đến hoạt động của trang bị khí tài đó nhưng nó vẫn an toàn ở trên mặt đất hay trên mặt biển. Nhưng đối với một máy bay thì bất kỳ sự cố kỹ thuật nào đều có thể trở thành thảm họa.
Chỉ cần có sự cố xảy ra chiếc máy bay có thể rơi xuống đất và tan xác. Tai nạn máy bay không chỉ có thể gây thiệt mạng phi công mà còn ảnh hưởng đối với các mục tiêu trên mặt đất. Một điều hết sức quan trọng khác là một khi bị rơi xuống đất thì khối tài sản trị giá hàng chục triệu USD coi như tan thành mây khói. Vậy những nguyên nhân nào được coi là hàng đầu liên quan đến các tai nạn máy bay quân sự?
Lỗi kỹ thuật
Lỗi kỹ thuật chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn máy bay quân sự. Các lỗi kỹ thuật có thể xảy ra là: Trục trặc động cơ, hệ thống điện, hệ thống cơ khí, thông tin liên lạc… Mặc dù, công tác bảo trì máy bay luôn được thực hiện với tiêu chí nghiêm ngặt nhất nhưng cũng không thể tránh khỏi những sự cố đặc biệt là đối với những quốc gia có đội ngũ bảo trì máy bay thiếu chuyên nghiệp.
Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tai nạn máy bay quân sự thuộc loại cao nhất thế giới. Theo các thống kê từ năm 2004-2010, Không quân Ấn Độ bị mất tới 74 máy bay trong đó có 14 chiếc trực thăng làm 43 phi công và thường dân thiệt mạng, 20 thường dân khác bị thương với nhiều mức độ khác nhau.
Đặc biệt ở Ấn Độ, tỷ lệ tai nạn cao thuộc về tiêm kích MiG-21 chính vì thế tiêm kích này được đặt cho biệt danh “quan tài bay”. Các điều tra cho thấy, sở dĩ MiG-21 tại Ấn Độ có tỷ lệ tai nạn cao là do quốc gia này mua phải linh kiện thay thế trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng.
Tuy vậy, tai nạn hàng không cũng không tha bất cứ quốc gia nào ngay cả những nước có hệ thống đảm bảo an toàn bay cực cao như Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Nhật Bản. Với Không quân Mỹ chỉ tính trong vòng 4 năm từ năm 2000-2004 đã xảy ra khoảng 25 vụ tai nạn liên quan đến tất cả các loại máy bay quân sự có trong biên chế.
Trong đó đặc biệt là vụ tai nạn nghiêm trọng của tiêm kích tàng hình F-22 Raptor do lỗi của hệ thống điều áp trên máy bay. Một lỗi có thể coi là “ngớ ngẩn” đối với loại tiêm kích tối tân nhất thế giới này.
Một lỗi kỹ thuật khác có tỷ lệ rơi máy bay rất cao là lỗi của phần mềm điều khiển bay, lỗi này nếu xảy ra thì gần như chắc chắn máy bay sẽ bị rơi.
Các máy bay quân sự tiên tiến đều được trang bị phần mềm điều khiển bay, phần mềm này sẽ sửa chữa các lỗi liên quan đến thiết kế khí động học của máy bay, kiểm soát các thao tác của phi công trong giới hạn để không vượt quá sức chịu đựng của kết cấu khung máy bay.
Nếu phần mềm điều khiển bay xảy ra lỗi, phi công gần như mất khả năng kiểm soát máy bay. Tuy nhiên, lỗi này thường chỉ xảy ra đối với những tiêm kích mới phát triển, hệ thống mã nguồn phần mềm chưa được hoàn thiện. Các tiêm kích hiện đại như Rafale, JAS-39 Gripen, Su-27, Su-30 đều có ít nhất một tai nạn nghiêm trọng liên quan đến lỗi của phần mềm điều khiển bay.
Điều kiện thời tiết
Điều kiện thời tiết bất lợi cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn hàng không nói chung và hàng không quân sự nói riêng. Thông thường thì các tiêm kích ít khi hoạt động trong các tình huống thời tiết bất lợi như các khu vực đang có bão nhưng điều kiện thời tiết nhiều sương mù cũng là một nguyên nhân góp phần làm gia tăng tai nạn máy bay đặc biệt là trong quá trình cất và hạ cánh.
Một trong những tai nạn nghiêm trọng do điều kiện thời tiết bất lợi là sự cố rơi 3 chiếc tiêm kích Su-27 thuộc phi đội nhào lộn Hiệp sĩ Nga tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa, Việt Nam năm 1995. Trong khi hạ cánh tiếp nhiên liệu trên đường trở về từ Malaysia do điều kiện thời tiết có sương mù dày đặc làm hạn chế tầm nhìn 3 chiếc Su-27 đã đâm vào vách núi Chúa nằm cách sân bay Cam Ranh 25km.
Những nguyên nhân “trời ơi”
Ngoài những nguyên nhân do sự cố kỹ thuật, điều kiện thời tiết bất lợi, lỗi của phi công, máy bay còn có thể bị rơi bởi một nguyên nhân “trời ơi” khác là do va chạm với chim. Thoạt nghe có vẽ vô lý, một con chim bé xíu thì làm sao có thể gây tai nạn cho máy bay lớn hơn nó rất nhiều lần được.
Do máy bay được thiết kế bằng các vật liệu hợp kim nhẹ để giảm trọng lượng kết với tốc độ bay cao nếu va chạm với chim có thể dẫn đến vỡ kính chắn gió, rách thân máy bay với những sự cố này thì phi công có thể hạ cánh được. Tuy nhiên, nếu chim bị hút vào động cơ thì khả năng gây ra tai nạn nghiêm trọng là rất cao.
Theo các tính toán, một con chim có trọng lượng 5kg đang bay với tốc độ 200km/h nếu va chạm với một chiếc máy bay đang bay thì lực tác động của vụ va chạm lên đến 100kg đủ sức phá hủy bất kỳ bộ phận nào trên máy bay.
Chim rất dễ bị hút vào động cơ trong lúc máy bay cất cánh hay hạ cánh. Việc chim bị hút vào động cơ đã gây tai nạn nghiêm trọng cho một chiếc MiG-29 của Nga đang bay biểu diễn tại triển lãm hàng không Paris Airshow năm 1989. Vụ va chạm với chú chim đã khiến 2 động cơ ngưng hoạt động, chiếc MiG-29 đâm thẳng xuống đất và bốc cháy rất may phi công đã thoát ra ngoài an toàn.
Các vụ va chạm với chim đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 1,2 tỷ USD/năm trên toàn thế giới. Để giảm nguy cơ va chạm với chim, các sân bay quân sự trên thế giới thường bắn súng để xua đuổi chim trước khi cho tiêm kích cất cánh.
Tuy đã có rất nhiều biện pháp để nâng cao tiêu chuẩn an toàn bay nhưng tai nạn hàng không nói chung và hàng không quân sự nói riêng gần như là điều không thể tránh khỏi.