Trong chiến tranh hiện đại, bất kì phương thức tiến hành nào, bất kỳ phương tiện, trang bị sử dụng nào, có thể là tàu ngầm, máy bay tàng hình… cũng phải đạt được một mục đích cuối cùng là làm sao đưa tên lửa, bom thông minh…đến được mục tiêu của đối phương (đương nhiên ngăn chặn, tiêu diệt được nó hay không thì tùy khả năng của đối phương).
Ở Nam Tư năm 1999, 218 tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu ngầm Anh và tàu chiến Mỹ. Cuộc chiến Iraq 2003, 725 Tomahawk được bắn vào các mục tiêu ở Iraq. Còn tại cuộc chiến Libya 2011, chỉ trong ngày đầu 19/3 Mỹ - Anh phóng tới 124 quả, ngày 22/3 phóng tiếp 159 quả.
Tất cả đều bắt đầu bằng tên lửa và tên lửa là thứ duy nhất có sức nổ phá hủy lớn, biết bay, thông minh…mà 2 bên đánh nhau sử dụng để tiêu diệt nhau từ khoảng cách rất xa. Chỉ vậy thôi.
Trước tình hình đó, bất kỳ quốc gia nào cũng muốn có hệ thống lá chắn tên lửa (NMD) hiện đại, hiệu quả, bất kỳ khu vực quan trọng nào, bất kỳ con tàu…nào cũng cần có khả năng đánh chặn tên lửa để bảo vệ, để tránh đòn giáng trả của đối phương.
Tấn công bằng tên lửa và đánh chặn tên lửa là cấu hình chính, chủ yếu của chiến tranh hiện đại.
Một quốc gia như Việt Nam làm sao có được một NMD như của Mỹ, Nhật Bản…, nhưng, Việt Nam cũng không thể bó tay thúc thủ, chỉ biết nhìn tên lửa hành trình, đạn đạo của địch bay vào lãnh thổ. Việt Nam vẫn phải tạo ra cho mình một “NMD kiểu Việt Nam”, sản phẩm của thế trận chiến tranh nhân dân, đó là: Lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm gần.
Lưới lửa này khi được giăng ra ở một khu vực nào đó, hướng nào đó thì được gọi là “tọa độ lửa”.
Lưới lửa tầm thấp, tầm gần này, chủ công là hàng vạn khẩu pháo 37ly được cải tiến, bất chấp mọi thủ đoạn áp chế điện tử, là sự lựa chọn duy nhất cùng với các loại pháo phòng không hiện đại như ZSU-23-4 sẽ là sát thủ của tên lửa có cánh cận âm tầm thấp, của máy bay tàng hình, máy bay bay thấp đánh lén…
Lưới lửa này đã từng có “thương hiệu” trong chiến tranh, ngay cả F111 siêu thanh của Mỹ cũng bị sa lưới thì ngày nay mọi điều đều có thể.
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng đó trên đất liền, còn trên Biển Đông?
Với hơn 3000 hòn đảo gần bờ, nếu xây dựng tuyến phòng thủ kiểu lưới lửa cận bờ, tạo ra tuyến phòng thủ thứ hai ở hướng nào đó, khu vực nào đó để đánh chặn tên lửa, máy bay tầm thấp từ biển trên các tàu sân bay…bảo vệ đất liền thì không khó, nhưng chưa cần thiết.
Điều quan trọng và quan tâm nhất là làm sao xây dựng được một lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm gần trên biển, những “tọa độ lửa” cơ động trên vùng biển để nhằm một mục đích chính là đánh chặn tên lửa của tàu chiến địch, bảo vệ tàu chiến của ta.
Khi trên Biển Đông, địch có lực lượng hải quân vượt trội thì đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mang tầm chiến lược. Bảo vệ ta để tấn công địch, tấn công địch là để bảo vệ ta chứ không phải tấn công liều chết.
Như chúng ta đã biết, hiện tại Hải quân Việt Nam chỉ có 2 tàu Gepard 3.9 là có đủ khả năng tấn công và tự vệ.
Tự vệ bằng 2 “lá chắn” tầm thấp và tầm gần, đó là tổ hợp phòng không Palma gồm tên lửa Sosna-R và 2 pháo tự động 6 nòng AK-630. Hệ thống phòng không tầm gần này được coi như là cực kỳ hiện đại trong khu vực.
Trong khi đó hệ thống phòng không tầm gần và thấp của TT-400TP do Việt Nam đóng gồm súng máy phòng không 14,5 mm, pháo hạm tự động AK-176 và một pháo tự động 6 nòng AK-630 có radar dẫn bắn để tiêu diệt mục tiêu trên biển, trên không. Tàu TT-400TP còn có hệ thống tên lửa phòng không MANPAD SA-N-14 Grouse 2 ống phóng.
Xem ra khả năng phòng không tầm thấp, tầm gần Gepard 3.9 vượt trội TT-400TP không là bao nhưng khả năng cơ động thì không bằng TT-400TP.
Về giá cả 175 triệu USD cho Gepard 3.9 thì Việt Nam phải mua, còn TT-400TP giá 01 triệu USD do Việt Nam tự đóng.
Như vậy từ 2 cơ sở trên thì có thể nói bài toán về xây dựng một lưới lửa phòng không tầm thấp trên biển để bảo vệ, hỗ trợ cho các tàu tên lửa, phóng lôi chỉ thiên về tấn công trong khi khả năng tự vệ không được hoàn hảo như Gepard 3.9 đã có lời giải. Lực lượng tạo ra lưới lửa này không ai khác chính các tàu TT-400TP.
Điểm khác biệt đặc biệt của mạng lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm gần trên biển này là không cố định (độ dày đặc, phạm vi) như trên đất liền.
Khi tàu TT-400TP cơ động, thay đổi đội hình của mình trong đội hình tấn công chính thì “lưới lửa” hay “tọa độ lửa” này lập tức thay đổi theo, không những thay đổi về độ dày đặc, phạm vi tác chiến mà còn thay đổi cả hình dạng (hướng tác chiến).
Một biên đội 3 chiếc TT-400TP với đội hình bậc thang, chữ A hay chữ V thì “tọa độ lửa” sẽ có phạm vi, hình dáng như thế nào, ba biên đội thì ra sao…Sự thay đổi, cơ động của “tọa độ lửa” đều hoàn toàn nằm trong ý muốn chủ quan của chỉ huy đòn tấn công, chỉ huy chiến dịch…
Trong một tương lai gần, Việt Nam không cần thiết phải có một hệ thống phòng không tầm trung, tầm xa phủ khắp Biển Đông, bởi lẽ, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy Không quân Việt Nam sẽ phải nhường quyền làm chủ vùng trời trên vùng biển Việt Nam cho không quân địch.
Tuy nhiên, sức mạnh của chiến hạm địch trên biển là vượt trội bao gồm cả khả năng tấn công và tự vệ trước sự giáng trả của ta là điều không thể phủ nhận. Chính vì vậy, giờ đây, đòn tấn công sở trường của Hải quân Việt Nam có thể xuất hiện TT-400TP trong đội hình.
Và, rõ ràng, TT-400TP là sự bổ sung hoàn hảo cho các tàu phóng lôi và tên lửa Việt Nam khi tác chiến trên biển, một sự hợp đồng tác chiến sáng tạo, một lưới lửa đánh chặn tầm gần, tầm thấp kiểu Việt Nam.