Lộ diện "thủ phạm" bắn hạ Su-25 của Không quân Ukraine

Hãng tin TASS ngày 3/2 cho biết, lực lượng ly khai miền Đông Ukraine đã bắn hạ một chiếc Su-25 của Không quân nước này bằng hệ thống phòng không di động.

TASS dẫn lời ông Igor Carpenter, lãnh đạo của 'Cộng hòa Nhân dân' Lugansk tự xưng cho biết: “Đó có thể là Su-25. Máy bay bị rơi gần Teplohirsk. Phi công đã nhảy dù ra ngoài khi máy bay bị bắn hạ. Hiện các lực lượng của chúng tôi đang tiến hành tìm kiếm”.
Theo nguồn tin này, chiếc máy bay đã bị bắn hạ vào khoảng 18h ngày 1/2 (theo giờ địa phương) tại không phận thành phố Horlivka. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Kiev chưa có các phản ứng với các tuyên bố của lực lượng ly khai miền Đông.
Dù nguồn tin không cho biết quân ly khai đã dùng loại tên lửa phòng không nào thực hiện vụ bắn hạ trên, tuy nhiên theo thông tin được tạp chí Jane’s (Anh) dẫn nguồn từ truyền thông địa phương cho biết, rất có thể thủ phạm của vụ bắn hạ này là hệ thống phòng không tự hành Strela-10.
Theo Jane’s, trước khi chiếc Su-25 bị bắn hạ, người dân địa phương đã phát hiện hệ thống phòng không Strela-10 của lực lượng ly khai xuất hiện trong khu vực đó.

Hệ thống phòng không 9K35 Strela-10 do Phòng Thiết kế Cơ khí Chính xác Tochmash KB nghiên cứu phát triển từ đầu những năm 1970 để thay thế cho hệ thống 9K31 Strela-1. Tới năm 1976, 9K35 Strela-10 chính thức được chấp nhận đưa vào trang bị.

9K35 Strela-10 sử dụng đạn tên lửa 9M37 (4 quả trên bệ sẵn sàng bắn và 8 đạn trong thiết bị nạp). Đạn tên lửa 9M37 dài 2,2m, nặng 40kg với đầu đạn nặng 3,5 kg. Tên lửa lắp động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ gần Mach 2, tầm bắn 500-5.000m, độ cao 10 - 3.500m.
Hệ thống 9K35 Strela-10 sử dụng hai phương pháp dẫn đường: Thứ nhất là dẫn đường tương phản ảnh, nghĩa là đầu tự dẫn quang – truyền hình trên tên lửa nhận diện mục tiêu và dẫn đường thụ động cho tên lửa. Thứ hai là dùng đầu tự dẫn hồng ngoại bám theo nguồn nhiệt cao do mục tiêu phát ra.
Chính vì vậy, 9K35 Strela-10 có những ưu điểm điển hình cho các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn. Với khả năng cơ động cao khiến Strela-10 có thể tung ra những đòn tấn công bất ngờ cho đối phương.
Do được thiết kế với hệ thống tự dẫn tương phản ảnh và hồng ngoại mang đến cho tổ hợp Strela-10 khả năng tác chiến độc lập rất cao, không cần nhiều khí tài hỗ trợ cồng kềnh như các hệ thống phòng không tầm trung và xa.
Hệ thống phòng không 9K35 Strela-10 đã được thử thách qua cuộc chiến Vùng vịnh 1991 trong vai trò phòng không Irap.
Trước một đối thủ có công nghệ cao là lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu, Strela-10 đã chống trả có hiệu quả trước các thủ đoạn chế áp phòng không của đối phương, bắn trúng 27 máy bay, gây thiệt hại đáng kể cho Không quân Mỹ. Trong ảnh: Cường kích Su-25 của Không quân Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại