Lính sơn cước – Những chú sơn dương dũng mãnh

Quyết Thắng |

Đóng vai trò quan trọng trong các trận chiến trên đỉnh TG là lực lượng bộ binh sơn cước. Họ được ví như những con sơn dương dũng mãnh luôn hiện diện trên những dãy núi hùng vĩ.

Những cuộc chiến trên đỉnh thế giới

Thế giới chúng ta tồn tại những vùng núi non hiểm trở, hùng vĩ được mệnh danh là nóc nhà của thế giới. Những dãy núi này có vai trò hết sức chiến lược. Chúng được coi như những bức tường thành thiên nhiên, cũng là nơi khởi nguồn của những dòng sông.

"Mountain warfare" là thuật ngữ để chỉ những cuộc chiến trên đỉnh thế giới. Nơi người lính không chỉ đối diện với bom đạn kẻ thù mà còn phải vượt qua thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở.

Lịch sử của loại hình chiến tranh núi non và lực lượng sơn cước xuất phát từ thời Trung Cổ, khi người Thụy Sĩ với những đơn vị nhỏ, chuyên biệt được huấn luyện kỹ năng tác chiến đặc biệt trên vùng núi Alps và đã gây nhiều tổn thất cho các lực lượng châu Âu.

Đến thời kỳ Thế chiến I và II, những cuộc chiến tranh trên đỉnh thế giới diễn ra khắp nơi. Từ dãy Alps ở trung tâm châu Âu hay dãy Caucasus nối liền Á - Âu, những rặng núi ven biển Bắc Băng Dương cho đến những dãy núi của các quốc đảo thuộc châu Đại Dương.

Lực lượng sơn cước của các bên được phát triển một cách nhanh chóng. Đã có những trận đại chiến với quy mô hàng triệu người tham gia, ví dụ như ở mặt trận Bắc Ý ở dãy Alps trong Chiến tranh thế giới thứ hai.


Lính sơn cước trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất

Lính sơn cước trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất

Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt đã khiến chiến tranh vùng núi cũng phải có những phương thức tác chiến khác biệt so với chiến tranh ở nơi khác.

Tuyết lở, giá rét, hiểm trở, bệnh tật… được xem là nguyên nhân gây tổn thất nhiều hơn cả chiến đấu, đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Hiện nay, chiến tranh vẫn đang tiếp diễn ở Afghanistan, nơi Mỹ và đồng minh hàng ngày phải chiến đấu chống lại quân nổi dậy trên những vùng đồi núi hoang vu ở vùng biên giới giáp ranh giữa Afghanistan và Pakistan.


Lính sơn cước Mỹ ở vùng biên giới giáp ranh giữa Afghanistan và Pakistan

Lính sơn cước Mỹ ở vùng biên giới giáp ranh giữa Afghanistan và Pakistan

Và đặc biệt là nguy cơ về những cuộc đại chiến trên dãy Himalaya hùng vĩ luôn thường trực xảy ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc hay trên vùng Kashmir giữa Ấn Độ và Paskistan.

Kinh nghiệm từ quá khứ và nhu cầu thực tại lý giải vì sao hiện nay lực lượng sơn cước vẫn được duy trì với số lượng lớn trong quân đội nhiều nước như Mỹ, Nga, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc….

Lính sơn cước – những con sơn dương dũng mãnh thời hiện đại

Đóng vai trò quan trọng trong những trận chiến trên đỉnh thế giới là lực lượng bộ binh sơn cước. Chuyên hoạt động trên những vùng núi non hiểm trở, lính sơn cước đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt hơn và trang bị khác so với bộ binh thông thường.

Ngày nay, quân đội nhiều nước coi bộ binh sơn cước cùng với lính dù, biệt kích, người nhái… là những lực lượng đặc biệt được tuyển chọn và huấn luyện hết sức khắt khe.

Điểm đặc biệt nhất của lính sơn cước chuyên hoạt động ở vùng núi non hiểm trở là phải có sức khỏe bền bỉ và khả năng di chuyển linh hoạt. Có thể nói một cách không sai khi họ là những người “leo núi còn nhanh hơn đi bộ”.


Lính sơn cước có kỹ năng leo núi điêu luyện

Lính sơn cước có kỹ năng leo núi điêu luyện

Cơ động, ẩn nấp trên những triền dốc thẳng đứng, đá nhọn tua tủa và vực sâu ở bên cạnh, chỉ bước hụt chân hay vấp ngã những người lính sơn cước có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Hình ảnh của loài sơn dương chuyên sống ở núi đá cao đáng được dùng để so sánh với những người lính sơn cước.

Ngoài leo núi, việc đu dây qua các vực hẻm, chèo thuyền vượt thác là những kỹ năng mà người lính sơn cước nào cũng phải huấn luyện.

Lính sơn cước của Thổ Nhĩ Kỹ huấn luyện vượt địa hình hiểm trở
Lính sơn cước của Thổ Nhĩ Kỹ huấn luyện vượt địa hình hiểm trở

Đối với các khu vực núi cao có tuyết phủ quanh năm, lính sơn cước cũng phải sẵn sàng trở thành những tay trượt tuyết điêu luyện. Chịu được giá rét và gió rít trên cao là điều không hề dễ dàng ở trên những nóc nhà của thế giới.

Nhưng không phải địa hình mà mật độ không khí mới là thử thách lớn nhất với người lính sơn cước. Với mật độ không khí loãng, oxy ít hơn khiến cơ thể con người bình thường nhanh cảm thấy khó thở, đau đầu và nhanh mệt mỏi.

Vậy hãy tưởng tượng những người lính sơn cước phải vận động với cường độ cao sẽ cần phải có sức khỏe tốt đến đâu.


Bộ binh sơn cước Mỹ huấn luyện trượt tuyết

Bộ binh sơn cước Mỹ huấn luyện trượt tuyết

Trang bị đặc biệt của bộ binh sơn cước

Chiến đấu trên vùng núi non hiểm trở nên nhiều khi việc cơ động tiếp cận đối phương trở nên bất khả thi. Bởi lý do này nên lực lượng sơn cước của nhiều nước được trang bị các loại súng có độ chính xác cao và tầm bắn hiệu quả xa.


Súng bắn tỉa thường được sử dụng trong các đơn vị bộ binh sơn cước

Súng bắn tỉa thường được sử dụng trong các đơn vị bộ binh sơn cước

Trang bị cá nhân của lính sơn cước trong nhiều trường hợp được tinh giản tới mức tối đa. Dao rừng, dụng cụ leo núi, súng và quân trang cá nhân… là đủ.

Để cơ động trên địa hình núi non hiểm trở, ngựa hoặc lừa thường được dùng để thồ hàng hóa, trang bị và lương thực.


Lừa, ngựa được sử dụng để vận chuyển trong các đơn vị sơn cước

Lừa, ngựa được sử dụng để vận chuyển trong các đơn vị sơn cước

Ngày nay, trực thăng và các máy bay vận tải đóng vai trò rất lớn trong việc cơ động lực lượng, hỗ trợ chiến đấu cho lực lượng sơn cước. Không chỉ con người mà cả các loại vũ khí hạng nặng như pháo, súng cối cũng được cơ động lên những đỉnh núi cao.

Những đường băng, bãi đáp dã chiến len lỏi giữa những rặng núi, nơi đài chỉ huy bay bị hạn chế tầm nhìn đòi hỏi phi công phải có kỹ năng đặc biệt để điều khiển máy bay hay trực thăng an toàn.

Đặc biệt, điều kiện khí hậu phức tạp với tầm nhìn bị hạn chế bởi sương mù luôn gây khó khăn cho các hoạt động đường không. Do vậy, ngay cả khi được hỗ trợ của không quân thì các lực lượng bộ binh vẫn phải sẵn sàng để hoạt động độc lập.

Các loại động cơ được thiết kế đặc biệt để hoạt động hiệu quả ở nơi có mật độ không khí loãng hơn rất nhiều so với mặt nước biển.

Các chương trình huấn luyện về pháo binh hay xạ kích cũng cần giáo trình riêng biệt cho vùng núi cao, do đường đạn bị ảnh hưởng bởi mật độ không khí sẽ có những sai khác. Những rặng núi, hẻm đá vừa là nơi ẩn náu nhưng đôi khi cũng là kẻ ngáng đường đáng ghét.


Ngày nay không quân đóng vai trò hỗ trợ rất lớn cho các hoạt động của bộ binh sơn cước

Ngày nay không quân đóng vai trò hỗ trợ rất lớn cho các hoạt động của bộ binh sơn cước

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại