Mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân luôn rình rập thế giới. Chúng có thể là kết quả của các cuộc xung đột giữa các quốc gia trong khu vực hoặc do lỗi kỹ thuật của máy móc hay sự bất cẩn của con người. Kết luận này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh công bố trong một bản báo cáo gần đây sau khi phân tích 13 vụ việc liên quan đến vũ khí hạt nhân được thống kê từ năm 1962.
Xung đột giữa các nước
Vụ đầu tiên được nhắc tới trong nghiên cứu là sự kiện vào tháng 10/1962. Khi đó, trong quá trình thực hiện chiến dịch Anadyr, Liên Xô đã đưa 4 tàu ngầm diesel-điện là B-4, B-36, B-59 và B-130 để thực hiện một sứ mệnh bí mật tại Đại Tây Dương. Mỗi tàu ngầm này có lắp đặt các ngư lôi nguyên tử có sức nổ 20 kiloton.
Ngày 22/10/1962, Tổng thống Mỹ John Kennedy thông báo về việc bắt đầu phong tỏa trên biển đối với Cuba. Trong thời gian đó, các tàu ngầm Liên Xô đã đi vào biển Sargasso. Hạm đội Mỹ đã nhận được chỉ thị tìm kiếm phát hiện các tàu ngầm Liên Xô và buộc chúng phải nổi lên bằng bất cứ giá nào, còn trong trường hợp cần thiết có thể tiêu diệt.
Ngày 27/10, tàu ngầm B59 đã buộc phải nổi lên mặt nước để nạp pin. Khi đó, các máy bay Mỹ đã bắt đầu bay quanh nó để phóng hỏa lực. Sau đó, thuyền trưởng của tàu B59 là Valentin Savitsky, khi không thể liên lạc với bộ chỉ huy của mình do ăng ten radio bị hư hỏng, đã chỉ thị phóng ngư lôi nguyên tử và chuẩn bị một cuộc tấn công. Nhưng sau đó, chỉ thị này đã bị hủy bỏ.
Cùng ngày hôm đó, trường hợp tương tự đã xảy ra với tàu ngầm B130. Chỉ huy của tàu là thuyền trưởng bậc 2 Nikolai Shumkov đã ra chỉ thị chuẩn bị cho các ngư lôi sẵn sàng chiến đấu.
Một vụ việc khác là vào ngày 27/10/1962, phi công của máy bay trinh sát U-2 của Mỹ Chuck Moltsbi, người có nhiệm vụ lấy mẫu không khí ở Bắc Băng Dương để theo dõi các vụ thử hạt nhân của Liên Xô, đã chuyển hướng bay tới vùng Chukotka (Liên Xô).
Máy bay U-2 sau đó đã rời khỏi không phận của Liên Xô, nhưng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev đã gửi thư cho John Kennedy, trong đó cáo buộc Mỹ gây hấn. Trong thư ông viết rằng, nếu quân đội Liên Xô nhận định nhầm đó là máy bay ném bom hạt nhân thì bước đáp trả của Liên Xô sẽ rất nguy hại.
Do máy móc, con người
Tháng 6/1980, một lỗi hoạt động của chip đã làm cho máy tính của Mỹ đưa ra thông tin về việc 2.000 quả tên lửa của Liên Xô đang hướng về phía Mỹ. Tương tự, tháng 10/1983, vệ tinh của Liên Xô thu được thông tin về 5 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ đã được phóng về phía Liên Xô. Cuối cùng thì hóa ra là vệ tinh này của Liên Xô đã tiếp nhận nhầm ánh sáng mặt trời phản chiếu từ lãnh thổ Mỹ là cuộc tấn công tên lửa.
Các tác giả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguy cơ hiểm họa hạt nhân còn gia tăng do sự bất cẩn của con người. Ví dụ, vào tháng 8/2007, trong vòng 36 giờ, binh lính Mỹ đã không thể tìm thấy 6 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Hóa ra do sơ suất, người ta đã lắp đặt lên máy bay ném bom B-52, máy bay này sau đó đã bay từ căn cứ không quân ở Minot (bang North Dakota) đến Louisiana.
Vào tháng 5 năm trước đó, cũng tại căn cứ không quân này, do đánh giá không đúng về một vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, 17 sĩ quan của Mỹ đã bị đình chỉ công tác vì năng lực yếu kém.
Năm 2012, hai sĩ quan chỉ huy các đơn vị tên lửa đạn đạo liên lục địa đã bị sa thải khỏi lực lượng Không quân Mỹ do hành vi không đứng đắn. Một trong số đó là Michael Carey, đã bị kết án vì việc lạm dụng rượu bia và có quan hệ với những phụ nữ không quen biết trong chuyến công cán tới Moscow. Người kia là sĩ quan Tim Giardinu, bị đình chỉ nhiệm vụ do việc trao đổi chip game poker giả lấy tiền.
Vào tháng 4/2013, tại căn cứ không quân ở Bắc Dakota, một trong những sĩ quan đã bị phát hiện đang nằm ngủ trước cửa hầm chứa bom đang mở, hành vi này đã không chấp hành những quy tắc an toàn. Trước đó, một trường hợp tương tự cũng xảy ra trong năm tại một căn cứ quân sự ở bang Montana.