Tờ Wall Street Journal (Mỹ) có bài viết nhận định trong tình hình căng thẳng như hiện nay, Ukraine đang cần gấp sự viện trợ quân sự từ Mỹ.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang đi vào một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn, khi chính phủ nước này cuối cùng cũng hạ quyết tâm dùng vũ lực để giành lại những thành phố phía Đông đang bị phe ly khai và đặc nhiệm Nga chiếm giữ. Một câu hỏi được đặt ra vào thời điểm này là liệu Mỹ có cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine?
Khi mà kỳ bầu cử ngày 25/5 đang đến gần thì phía Nga càng đẩy mạnh các hoạt động phá hoại ngầm và gây bất ổn tại Ukraine. Mục đích của Nga có thể là để ngăn cản cuộc bầu cử diễn ra một cách bình thường. Những tay súng ly khai thân Nga trong tuần qua đã bắt đầu di chuyển từ các thành phố nhỏ đến các thủ phủ vùng Donetsk và Luhansk.
Chính phủ lâm thời của Ukraine hiện đang trong tình trạng rối bời. Quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov hôm thứ Tư vừa qua (30/4) tuyên bố họ không còn kiểm soát được miền Đông, một sự thừa nhận thực tế chua chát. Tổng thống Putin thì không bỏ lỡ cơ hội này để kêu gọi Ukraine rút hết lực lượng khỏi miền Đông và bắt đầu đàm phán.
Do đó cuộc tấn công hôm 2/5 cho thấy một sự thay đổi lớn về chính sách. Sự kiềm chế mà chính phủ Ukraine đã thể hiện kể từ sự kiện tại Crimea cho đến nay chỉ làm người dân nước này bất bình mà không thể ngăn cản tham vọng của người Nga. Họ thậm chí có thể phải đối mặt với bạo loạn ở thủ đô nếu vẫn tiếp tục nhượng bộ.
Video quay cảnh một chiếc trực thăng của Ukraine bị bắn hạ tại Slavyansk hôm 2/5
Tuy vậy, ưu thế của Nga và phe ly khai hiện nay ở miền Đông không dễ bị đảo ngược do sự yếu kém của quân đội và chính quyền Ukraine. Khi quân đội Ukraine tấn công Slavyansk (một thành phố chiến lược nằm giữa Donetsk và Kharkov) vào ngày 2/5, 2 trực thăng của họ đã bị bắn rơi tại chỗ, 1 chiếc phải hạ cánh khẩn cấp. Điều này cho thấy quân ly khai được vũ trang và huấn luyện rất tốt.
Phát ngôn viên của chính phủ Nga tuyên bố chiến dịch quân sự này đã phá hủy những hy vọng cuối cùng cho hòa bình theo như thỏa thuận đạt được tháng trước ở Geneva, mặc dù chính những tay súng thân Nga vẫn đang giữ 7 quan sát viên quốc tế làm con tin.
Song cũng phải thấy rằng người dân miền Đông Ukraine không hẳn đã có mong muốn tách khỏi nước này và sáp nhập vào Nga. Họ có thể không chấp nhận chính quyền hiện nay ở Kiev nhưng cũng không đồng tình với sự can thiệp của Nga. Trong số những đồng minh chính trị của cựu Tổng thống Yanukovich, không ai công khai đứng về phía Nga. Những cuộc tuần hành phản đối ly khai ở vùng Đông Nam diễn ra với quy mô lớn, cho dù Nga đã tìm cách làm giảm ảnh hưởng của chúng. Khoảng 30 người đã thiệt mạng trong những vụ đụng độ ở Odessa ngày 2/5.
Toà nhà của Liên đoàn Thương mại ở Odessa chìm trong khói lửa
Ukraine trong lúc này vẫn đang miệt mài tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây. Nhưng Mỹ cho đến nay vẫn từ chối. Tổng thống Obama trong một bài phát biểu đã giải thích lập trường của mình bằng một câu hỏi tu từ: "Chẳng nhẽ có ai đó nghĩ rằng bằng cách gửi thêm vũ khí cho Ukraine, chúng ta có thể chống lại quân đội Nga?"
Mặt khác, Tổng thống Putin hoàn toàn có thể đè bẹp quân Ukraine nếu muốn bằng cách trực tiếp gửi quân Nga vào. Nhưng ông hiểu rõ rằng cái giá cho một cuộc tấn công như vậy có thể sẽ rất cao, vì vậy cho đến nay Nga vẫn chỉ dựa vào các hoạt động ngầm. Trong điều kiện đó, chỉ cần được cung cấp một số loại vũ khí, trang bị tối tân như tên lửa chống tăng, kính nhìn đêm cho bộ binh…thì Ukraine cũng có thể gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho phía Nga. Nhưng thay vào đó, Mỹ lại chỉ gửi 300.000 phần lương khô.