Thế hệ tên lửa gây nhiễu đầu tiên là MALD có giá thành thấp, có thể tháo rời, phóng từ trên không và cho phép lập trình đường bay. MALD nặng không quá 136kg, trần bay 12km và tầm hoạt động gần 900km. Được trang bị động cơ phản lực TJ-50, tốc độ của MALD đạt Mach 0,91 (gần 1,000km/h).
MALD “tung hỏa mù” bằng cách mô phỏng tín hiệu của chính máy bay và tín hiệu ra-đa đối phương. Mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”, khi các máy bay của Không quân Mỹ bay đến gần khu vực hoạt động của phòng không đối phương, chúng sẽ phóng MALD rồi làm nhiệm vụ chính đã định của mình, trong khi đó lực lượng phòng không hay máy bay đánh chặn “địch” còn chưa đoán được đâu là máy bay thật, đâu là ảo ảnh điện tử.
Phát triển dựa trên nền tảng cơ bản đó, thế hệ MALD-J đã được bổ sung thêm khả năng gây nhiễu ra-đa, giúp phá vỡ hệ thống phòng không tích hợp của bên kia chiến tuyến. Cấu tạo chính của “bẫy mồi” này là thiết bị phát sóng đa tần số được dẫn động bởi một hệ điều hướng quán tính hỗ trợ GPS.
“Loại vũ khí này sẽ mang lại những khả năng chưa từng có, tăng tính linh hoạt cho Không quân Mỹ, bảo vệ phi công và máy bay của họ”, Phó Chủ tịch Công ty Nghiên cứu tác chiến đường không của Raytheon, ông Harry Schulte cho biết.
Khi lắp ở mấu treo trên máy bay, cánh của MALD-J gấp gọn. Khi phóng ra, nó bật cánh để bay đi theo một đường bay đã được định sẵn. Mỗi tên lửa có thể được lập trình bay theo 100 điểm tham chiếu khác nhau.
Raytheon bắt đầu bán MALD-J cho Không quân Mỹ từ mùa thu năm 2012. Quá trình sản xuất chủ yếu được tiến hành tại một cơ sở của hãng ở Tucson, Arizona (Mỹ).