Bài viết cho biết, nội dung được giả định là cuộc đại chiến trên không giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở đảo Senkaku/Điếu Ngư, khởi đầu là sự kiện ngư dân Trung Quốc bị sóng đánh dạt đến đảo Điếu Ngư/Senkaku, Cục Hải dương Trung Quốc đã lấy danh nghĩa “cứu nạn ngư dân” và cử máy bay vận tải quân sự Y-12 xâm phạm không phận Nhật Bản ở đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Trước tình hình này, Lực lượng tự vệ hàng không Nhật Bản đã nhanh chóng điều khẩn cấp hai máy bay chiến đấu F-15J cất cánh từ căn cứ quân sự Naha. Như đã chờ đợi hành động của phía Nhật Bản từ lâu, Trung Quốc nhanh chóng lệnh cho máy bay chiến đấu J-10 cất cánh cấp tốc từ căn cứ quân sự Thủy Môn ở tỉnh Phúc Kiến nghênh chiến.
Giả định J-10 khai hỏa hạ gục F-15
Nhìn từ bề ngoài, máy bay Trung Quốc ngụy trang cất cánh khẩn cấp như bình thường, nhưng trên thực tế số máy bay chiến đấu J-10 cất cánh sau đó lên tới trên 30 chiếc Ý định của Trung Quốc là dựa vào lực lượng này để đoạt quyền kiểm soát không phận. Máy bay cảnh báo sớm E-767 của không quân Nhật Bản nhanh chóng phát hiện ra hiện tượng bất thường này. Với vai trò là lực lượng dự bị đối phó với tình huống khẩn cấp, binh đoàn hàng không số 8 đóng ở căn cứ quân sự Tsuiki (Fukuoka) cũng lập tức cho 2 chiếc máy bay chiến đấu F-15J cất cánh.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng Trung Quốc không có ý định gây chiến thực thụ mà chỉ nhằm mục đích “hù dọa”, chính vì thế chỉ thị cho Lực lượng phòng vệ theo dõi quan sát. Thông thường, trong chiến dịch máy bay cất cánh khẩn cấp, máy bay chiến đấu của bên đương sự không được sử dụng vũ khí trước khi đối phương có những hành động đối địch, hay nói cách khác là “không được khai hỏa trước khi bị tấn công”.
Giữa máy bay cảnh báo sớm và máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng tự vệ Nhật Bản có mối liên hệ về số liệu, có thể thông báo cho nhau hướng hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc. Trong khi máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc lại chưa được trang bị mắt xích số liệu, phi công lái máy bay chiến đấu chỉ có thể dựa vào lời thông báo của nhân viên điều hành trên máy bay mới nắm được tình hình, điều này đã thể hiện rõ khoảng cách trong khả năng kiểm soát tình thế của hai bên.
Sau khi khoảng cách giữa máy bay chiến đấu của hai bên rút ngắn xuống còn khoảng 70 km, hệ thống cảnh báo radar của máy bay F-15J đã bị radar điều khiển hỏa lực (FCR) của J-10 vô hiệu hóa. Tuy nhiên, do bị Lực lượng tự vệ Nhật Bản kiểm soát, F-15J không thể tấn công trước. Ngay lập tức, J-10 đã phóng ra tên lửa không đối không bắn rụng hai chiếc F-15J.
Sau đó, hai chiếc máy bay chiến đấu F-15J và E-767 đến từ căn cứ quân sự Tsuiki (Fukuoka) đã khẩn cấp thông báo với chính phủ Nhật Bản. Căn cứ quân sự Okinawa và Tsuiki của Lực lượng không quân Nhật nhanh chóng bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, nếu chính phủ chưa ra lệnh xuất quân chính thức, lực lượng này không được phép tăng viện. Lúc này đây, chính phủ Nhật Bản cần phán đoán rốt cục sự kiện này là “vụ xâm lược đích thực” hay chỉ là “sự cố” khai hỏa ngoài ý muốn, rất khó lập tức chỉ thị ra lệnh xuất quân. Quyền phán đoán khai chiến nằm trong tay thủ tướng, không thể chủ quan, manh động khi đưa ra quyết định.
E-767 bị hạ gục
Cùng với đó, lực lượng không quân Trung Quốc tập trung lực lượng tấn công mục tiêu tiếp theo – máy bay cảnh báo sớm E-767 hoạt động ở không phận thuộc vùng biển phía Tây đảo Okinawa, mục đích của hành động này là làm tê liệt mạng lưới kiểm soát phòng ngự trên không của Nhật Bản. Để làm được điều này, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 với cự ly thăm dò chỉ có 400 km đã không sợ mạo hiểm tiến đến để nắm bắt tình hình và chỉ huy hành động.
Mặc dù máy bay F-15J của căn cứ Tsuiki muốn phản công, nhưng lực bất tòng tâm, trong khi tên lửa phòng không của căn cứ quân sự Naha cũng khó tấn công lực lượng máy bay chiến đấu Trung Quốc áp đảo về mặt số lượng. Cuối cùng, một chiếc J-10 đã dùng tên lửa để bắn hạ E-767. Nhật Bản tổng cộng có 4 chiếc máy bay cảnh báo sớm E-767, 4 chiếc này tổ hợp thành lực lượng thực hiện các khâu tuần tra, bảo vệ, huấn luyện… chặt chẽ, tổn thất 1 chiếc đồng nghĩa với việc khâu tuần hoàn này bị sụp đổ.
Hơn nữa, những chiếc E-767 còn lại cũng đều được bố trí ở căn cứ không quân Hamamatsu ở thành phố Hamamatsu thuộc tỉnh Shizuoka, miền trung Nhật Bản. Như vậy, vài tiếng đồng hồ sau khi máy bay Y-2 xuất hiện, hệ thống phòng ngự trên không của Nhật Bản sẽ bị tổn thất nghiêm trọng. Phía Nhật Bản chỉ có thể sử dụng hệ thống radar mặt đất của đảo Okinawa và đảo Miyakojima chỉ huy chiến đấu, tuy nhiên như thế sẽ khó kiểm soát tình thế ở vùng không phận thấp phía xa. Trong 12 tiếng đồng hồ tiếp theo, không quân Trung Quốc có thể nắm bắt quyền kiểm soát không phận này.
Trong bối cảnh thiếu máy bay cảnh báo sớm, hệ thống radar mặt đất bị hạn chế, máy bay chiến đấu F-15J của không quân Nhật Bản đành phải dựa vào sự nỗ lực của phi công để sử dụng hệ thống radar, tên lửa của máy bay để chơi một trận không chiến “lạc hậu từ thập kỷ trước”.
Rất khó có thể đưa ra phán đoán số liệu cụ thể về kết quả của trận không chiến diễn ra 12 giờ đồng hồ đầu tiên, tóm lại, số máy bay và quân nhân mà Nhật Bản thiệt hại sẽ khá lớn. Nếu để mất quyền kiểm soát trên không, kết quả của cuộc chiến tranh trên biển và dưới mặt đất sẽ không còn gì để nói. Nếu chính phủ Nhật Bản không thể thể hiện ý nguyện chiến đấu rõ ràng, quân đội Mỹ cũng sẽ không đến viện trợ cho Tokyo, kết quả cuối cùng Nhật Bản thua trận!
Nhật Bản đủ khả năng đại thắng
Tuy nhiên, nếu chính phủ Nhật Bản chú ý thu thập thông tin tình báo, phát hiện ra Trung Quốc có sự chuẩn bị về mặt quân sự và nhận thức được đầy đủ ý đồ tác chiến của Trung Quốc trước khi xung đột xảy ra, chắc chắn kết quả sẽ hoàn toàn khác.
Ví dụ: Cự ly thăm dò của máy bay cảnh báo sớm E-767 lên tới 800 km, hoàn toàn có thể nắm bắt tình hình hàng loạt máy bay chiến đấu J-10 cất cánh từ căn cứ quân sự Thủy Môn ở tỉnh Phúc Kiến. Sau khi thông tin này được báo cáo khẩn cấp đến nội các Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản lập tức thông báo lệnh sẵn sàng trực chiến. Cùng với đó, căn cứ quân sự Naha ở Okinawa, căn cứ không quân Nyutabaru ở Miyagi, căn cứ Tsuiki ở Fukuoka cũng bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tiếp theo đó, mặc dù hai chiếc máy bay chiến đấu F-15J cất cánh khẩn cấp từ căn cứ quân sự Okinawa vẫn bị bắn rụng vì không thể khai hỏa trước, nhưng sau khi nhận được thông tin, nội các có thể nhanh chóng nhận định đây là “vụ xâm lược thực sự”, Bộ quốc phòng sẽ ra chỉ thị xuất quân. Sau đó, 24 chiếc máy bay chiến đấu F-15J của căn cứ Naha và Tsuiki sẽ đồng thời cất cánh “tiếp đón” dàn máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Máy bay E-767 và trạm radar ở căn cứ Miyakojima sẽ đảm nhiệm vai trò chỉ huy kiểm soát.
Mặc dù F-15J số lượng không nhiều, tuy nhiên nếu dựa vào máy bay cảnh báo sớm và mắt xích số liệu, máy bay chiến đấu Nhật Bản có thể nắm được tối đa hướng bay của máy bay chiến đấu Trung Quốc và vị trí của địch, của mình. Dưới sự chỉ huy của máy bay cảnh sớm E-767, hai chiếc F-15J có thể lợi dụng chiến thuật bay ở độ cao cực thấp nhằm thoát khỏi sự chú ý của máy bay Trung Quốc, tiếp cận vị trí cách máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 khoảng 100 km.
F-15J có thể phóng tên lửa Mitsubishi AAM-4 trong tình huống radar không bật, đồng thời máy bay cánh báo sớm sẽ đóng vai trò dẫn đường đầu tiên. Cuối cùng 4 tên lửa Mitsubishi AAM-4 hạ gục máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc. Sau khi mất đi máy bay cảnh báo sớm, cục diện cuộc không chiến lập tức thay đổi, Nhật Bản hoàn toàn nắm thế chủ động, hàng loạt máy bay J-10 bị bắn rụng. Chỉ vài tiếng sau, Lực lượng không quân Nhật Bản đã xác lập được quyền kiểm soát ở không phận xung quanh đảo Điếu Ngư/Senkaku, cuộc chiến trên không chuyển sang trạng thái tuần tra chiến đấu.