Cách đây vài năm, ý tưởng cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tiến hành các khả năng vượt khỏi chức trách “phòng vệ” đã làm dấy lên những tranh cãi, chứ không nói gì đến việc “tấn công phủ đầu”, tờ The Diplomat nhận định ngày 4/6.
Nói cách khác, Nhật Bản sẽ chuyển từ một quốc gia phòng thủ sang một quốc gia có khả năng tấn công phủ đầu, và khi đó chính sách chuyên phòng thủ cũng sẽ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Bài báo cho rằng, dường như Trung Quốc và Triều Tiên là những lý do cơ bản khiến Tokyo phải thay đổi chính sách của mình. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục lối hành xử cứng rắn, theo đuổi tham vọng hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo, trong khi Trung Quốc thì ngày càng hung hăng và mạnh miệng trong tuyên bố chủ quyền. Hiện nay tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo liên quan tới chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã khiến quan hệ song phương rơi vào tình trạng vô cùng tồi tệ.
Tham vọng và lối hành xử của hai “ông láng giềng” đang khiến Tokyo phải thay đổi những tính toán chiến lược của mình. Bên cạnh đó, một nhân tố khác mà Nhật Bản cũng phải tính tới là chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Hiện nay, gánh nặng về chia sẻ chi phí quân sự của Nhật với Mỹ (Washington đảm bảo chiếc ô hạt nhân cho Tokyo) là không hề nhỏ, và điều đó đã nhiều lần làm dấy lên làn sóng phản đối của người dân Nhật Bản.
“Chúng tôi đã trải qua một giai đoạn mà người dân Nhật Bản cảm thấy hết sức lo ngại về an ninh quốc gia”, Yasuhide Nakayama, nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản (LDP), người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng nhà nước nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài NHK ngày 30/5. Ngoài chương trình tên lửa của Triều Tiên, ông Nakayama cũng đề cập tới việc Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Nhật Bản ở các quần đảo tại biển Hoa Đông. “Chúng ta cần cân bằng lại chính sách quốc phòng cơ bản”.
Cách đây không lâu, khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã nói với Reuters rằng, Nhật Bản “có quyền phát triển khả năng đánh đòn phủ đầu chống lại bất kỳ cuộc tấn công sắp xảy ra nào”. Tranh cãi về vấn đề này không còn là chủ đề mới mẻ, và nó thường diễn ra sau mỗi vụ thử hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên. Chưa đầy 3 tháng sau cuộc phỏng vấn này, đã có những báo cáo cho biết Tokyo đang chuẩn bị cho một khuôn khổ chính sách quốc phòng mới, trong đó phần quan trọng là cho phép lực lượng quân đội tấn công phủ đầu kẻ thù nếu bị đe dọa thay vì ưu tiên tự vệ như hiện nay.
Giới chức Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho biết, các cuộc tấn công phủ đầu sẽ chỉ được thực hiện khi một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật Bản đã hiện hữu và xác định rõ từ khu vực nào. Tuy nhiên, chính sách này vẫn gây nhiều nghi vấn về tính hợp pháp (vì để làm điều đó, Nhật Bản sẽ phải thay đổi Hiến pháp) cũng như sự chính xác của các phân tích tình báo trong những kịch bản khác nhau (trường hợp tính toán sai lầm sẽ gây nhiều hậu quả và để lại tổn thất nặng nề).
Hiện vẫn có rất ít thông tin về khả năng mà JSDF sẽ tìm kiếm để thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu . Cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời là nhân vật số hai trong LDP hiện nay Shigeru Ishiba có thiên hướng nghiêng về phát triển công nghệ tên lửa hành trình tầm xa, tờ The Diplomat tiết lộ.