Giải mật cuộc tấn công Nhà Xanh của biệt kích Triều Tiên năm 1968

Lieut. Sergeyvich - Северного флота России |

(Soha.vn) - Vào tháng 1-1968, đã có một cuộc tấn công vào Nhà Xanh với mục đích ám sát Tổng thống đương nhiệm của chính phủ Hàn Quốc là Park Chung-hee, khiến cho nhiều người nghi ngờ vào những lời hứa về hòa bình cũng như thống nhất của chính phủ Chủ tịch Kim Il Sung (Kim Nhật Thành).

Nhà Xanh (Cheongwadae) được xem như là bộ não của phía Hàn Quốc. Đây là một tổ hợp bao gồm các khu vực nội các, khu vực làm việc của các thành viên chủ chốt của chính phủ Hàn Quốc, bao gồm cả Tổng thống Hàn Quốc. Nhà Xanh được xem như là một phiên bản của Nhà Trắng ở Washington, Mỹ.

Một góc của Nhà Xanh
Một góc của Nhà Xanh

Vào một ngày đầu tháng 12-1968, tại văn phòng chính phủ nội các Chủ tịch Kim Il Sung ở Pyongyang, Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên và các thành viên nội các chính phủ nước này quyết định lên kế hoạch tấn công vào Nhà Xanh với 2 mục tiêu:

- Ám sát Tổng thống đương nhiệm của chính phủ Hàn Quốc là Park Chung-hee.

- Gây hoang mang cho chính phủ Hàn Quốc về cái chết của Tổng thống Park Chung-hee và cũng là một đòn tấn công của phía Bắc Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc.

31 biệt kích tinh nhuệ của đơn vị đặc biệt 124 thuộc Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên (KPA) đã được tuyển chọn để tham gia vào kế hoạch tấn công Nhà Xanh. Họ được huấn luyện trong 2 năm, có hơn 15 ngày để thuộc bản đồ các khu vực ở Seoul và Nhà Xanh, được đào tạo các kỹ năng đổ bộ xâm nhập, tấn công các mục tiêu bằng thuốc nổ, tấn công bằng dao găm và được trang bị các vũ khí hiện đại nhất thời đó là tiểu liên PPS-33 và súng ngắn TT-30 (ở Việt Nam còn gọi là K-54, do sử dụng loại đạn mang nhãn K, cỡ đạn 5.4mm từ phía Trung Quốc sản xuất).

Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong nhóm được trang bị cả thuốc nổ TNT để có thể tấn công tự sát vào các mục tiêu được chỉ định. Ngoài ra, họ còn được dạy những kỹ năng ẩn nấp mà chưa có bất kì lực lượng nào trên thế giới được huấn luyện. Họ đào vào bên trong các ngôi mộ nằm bên cạnh các xác chết để có thể có 1 giấc ngủ ngon và tránh được sự lùng sục từ các lực lượng an ninh.

Khẩu PPS-43 và khẩu súng ngắn TT-30 tại bảo tàng Hàn Quốc.
Khẩu PPS-43 và khẩu súng ngắn TT-30 tại bảo tàng Hàn Quốc.

Kim Shin-jo là một trong 2 người sống sót sau vụ tấn công, ông là một quân nhân Bắc Triều Tiên bị lực lượng liên quân Mỹ-Hàn bắt ở núi Inwang (trung tâm Seoul) . Sau khi được trả tự do, ông kiên quyết không trở về Bắc Triều Tiên và phủ nhận quốc tịch Bắc Triều Tiên vì lo sợ sẽ bị thủ tiêu. Kim Shin-jo được cư trú tại Hàn Quốc và sau đó trở thành công dân Hàn Quốc.

Kim Shin-jo từng trả lời phóng vấn của các đài báo lớn ở Hàn Quốc cũng như trên thế giới như KBS, SBS, NBC, BBC, CNN. Kim trả lời rằng: “Họ đã huấn luyện chúng tôi rất khắc nghiệt, thường thì chúng tôi được đặt vào các hoàn cảnh giả định rất bất lợi. Các thành viên thường kiệt sức sau những bài tập như chạy bộ có vũ trang 8 dặm trong 1 giờ, với 60kg trang bị trên người”.

Khi được 1 phóng viên từ KBS hỏi về chi tiết ẩn mình bên dưới các ngôi mộ, Kim trả lời: “Nó khiến chúng tôi lạnh cả xương sống. Không ai có thể nghĩ rằng chúng tôi ẩn mình bên dưới những ngôi mộ và nằm bên cạnh các xác chết như vậy”.

Điều đáng nói là sau khi Kim Shin-jo quyết định ở lại Hàn Quốc thì năm 1970 cha mẹ của Kim Shin-jo đã bị chính phủ Bắc Triều Tiên ra lệnh hành quyết. Gia đình Kim Shin-jo bị kết tội là phản bội Tổ quốc.

Các vật dụng của nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên
Các vật dụng của nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên

Cuộc xâm nhập vào Hàn Quốc

23h ngày 16-1-1968, 31 biệt kích Bắc Triều Tiên di chuyển đến căn cứ ở Yonsan, nằm gần khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ).

23h36’ ngày 17-1-1968, sau khi cắt hàng rào được bảo vệ bởi các lực lượng thuộc Sư đoàn bộ binh số II của phía Mỹ, họ đã xâm nhập vào khu vực DMZ phía Hàn Quốc thành công.

2h sáng ngày hôm sau, họ đã lập trại tại Morea-dong và Seokpo-ri để nghỉ ngơi.

5h sáng ngày 19-1-1968, nhóm biệt kích vượt sông Imjin và thiết lập 1 căn cứ tại núi Simbong nhằm kiểm tra vũ khí, trang bị đồng thời liên lạc về Bắc Triều Tiên.

Kim Shin-jo vào một ngày năm 2000 tại Hàn Quốc.
Kim Shin-jo vào một ngày năm 2000 tại Hàn Quốc.

13h ngày 19-1-1968, trong một lần vào rừng kiếm củi, 4 anh em trong một gia đình Hàn Quốc vô tình đi vào khu vực trại của nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên. Đã có nhiều tranh cãi về câu hỏi: “Liệu nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên có thủ tiêu 4 anh em này để tránh bị phát hiện hay không?”.

Tuy nhiên, theo các lời khai của Kim Shin-jo và các cuộc điều tra đã có câu trả lời với những bằng chứng xác đáng nhất thì nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên đã thả 4 anh em này với điều kiện họ không được thông báo cho phía cảnh sát Hàn Quốc.

Thế nhưng, ngay khi trở về nhà, người anh cả đã đến trình diện cơ quan cảnh sát Changhyeon về vụ việc trên. Sau khi biết mình đã bị bại lộ, đội trưởng của nhóm biệt kích quyết định phá hủy toàn bộ căn cứ tại núi Simbong, cùng đó là hơn 30kg trang bị bao gồm điện đàm, các thiết bị liên lạc để nhóm di chuyển nhanh hơn dự kiến.

Sau khi nhận được tin về nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên, 3 tiểu đoàn từ Sư đoàn bộ binh số 25 của Hàn Quốc đã được điều đến khu vực này để lùng sục truy bắt quân Bắc Triều Tiên, tuy nhiên họ đã rời khỏi khu vực này hơn 1 tiếng trước. Nhóm biệt kích tiếp cận Seoul vào lúc 21h và tập hợp tại đến Seungga-sa để chuẩn bị cho 1 cuộc tấn công có chủ đích vào Nhà Xanh.

Trong khi đó. Chính phủ Hàn Quốc (ROK) đã điều các lực lượng như bộ binh, đặc nhiệm lùng sục khắp các khu vực dọc theo Hongje-dong (chỉ cách Seoul khoảng 50km), Jeongreung, và cả núi Bukbak. An ninh được thắt chặt trên mọi thành phố của Seoul, đồng thời các chốt kiểm soát an ninh được đặt dày đặc xung quanh khu vực Nhà Xanh.

Vụ tấn công rung chuyển Nhà Xanh

2h sáng ngày 21-1-1968, nhóm biệt kích đã tiếp cận trạm kiểm soát an ninh Segeomjeong-Jahamun, chỉ cách Nhà Xanh chưa đầy 100m. Cảnh sát trưởng Choi Gyushik trong lúc đi tuần tra khu vực cùng thanh tra Jung Jong-su đã phát hiện có một nhóm người khả nghi trong khu vực. Cảnh sát trưởng Choi đã chặn nhóm người này lại để kiểm tra. Sau khi kiểm tra thẻ căn cước và tra hỏi một số điều, cảnh sát trưởng Choi đã nghi ngờ khá nhiều vì:

- Thứ nhất giọng Hàn Quốc khác giọng Bắc Triều Tiên. Vả lại, số lượng người di cư từ Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc không nhiều.

- Thứ hai, ông phát hiện ra nhóm người này có mang súng ngắn.

- Thứ ba, đây là khu vực thắt chặt an ninh

- Và cuối cùng, dân thường làm gì tại khu vực này vào lúc 2h sáng như vậy.

Cảnh sát trưởng Choi đã rút súng và bắn vào 1 tên đã rút chốt và định ném lựu đạn về phía thanh tra Jung. Chỉ ít phút sau vụ nổ súng, cảnh sát trưởng Choi và thanh tra Jung đã bị giết. Nhóm biệt kích theo lệnh của đội trưởng chia thành nhiều nhóm nhỏ để chạy trốn về núi Inwang, Bibong, và Uijeongbu (1 thành phố nằm liền kề Seoul và có đến hơn 10 sư đoàn bộ binh của Hoa Kỳ đóng tại đây). Đã có 1 tên bị bắt khi đang trốn chạy khỏi Seoul nhưng đã tự sát ngay khi bị tóm. Trong lúc chạy trốn, nhóm này đã nã súng vào 6 người trên 1 chiếc xe buýt nhằm cướp chiếc xe.

Ngày 22-1-1968, Lực lượng bộ binh số 6 của ROK đã tiến hành truy quét các khu vực có khả năng cao nhằm bắt sống hoặc hạ gục nhóm biệt kích Bắc Triều Tiên ngay lập tức. Trung đoàn 92 đã bắt được Kim Shin-jo khi ông đang ẩn nấp trong một ngôi nhà của dân thường nằm gần núi Inwang. Tiểu đoàn 30 và Lực lượng phòng thủ của Seoul đã giết 4 biệt kích khác ở Buam-dong và núi Bubak.

Đài tưởng niệm cảnh sát trưởng Choi Gyushik trên đường đến Nhà Xanh
Đài tưởng niệm cảnh sát trưởng Choi Gyushik trên đường đến Nhà Xanh

Thương vong

Phía Hàn Quốc: 26 người chết, 66 người bị thương trong đó có đến hơn 12 dân thường bị giết. 4 lính Mỹ cũng đã thiệt mạng khi cố ngăn chặn nhóm biệt kích xâm nhậm DMZ.

Phía Bắc Triều Tiên: 29 người bị giết chết khi đang trốn chạy, trong đó có 1 người tự sát, 1 người thoát về được Bắc Triều Tiên và 1 người bị bắt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại