Theo các chuyên gia từ Cơ quan hàng không Nga (FKA), Cơ quan hàng không Hoa Kỳ (NASA) và Hiệp hội hàng không dân dụng (ICAO) thì nguyên nhân có thể phát sinh từ chế độ HEADING của hệ thống lái tự động trên chiếc Boeing-747. Nó đã lệch 20 độ trên thực tế, cùng với đó là hệ thống INS gặp trục trặc nên chiếc máy bay đã không đổi hướng trên lý thuyết gây nên vụ việc đáng tiếc trên.
Bị Su-15 bắn hạ
Vào năm 1983, chiến tranh lạnh đang ở trong thời kì nóng nhất khi cả bên Hoa Kỳ và USSR đều sẵn sàng cho một cuộc chiến hạt nhân từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và những lý do sau đây:
Thứ nhất, Hoa Kỳ liên tục lên kế hoạch và thúc đẩy các dự án lá chắn tên lửa MGM-31 “Pershing” trên lãnh thổ các đồng minh ở Châu Âu nhằm ngăn chặn các tên lửa xuyên lục địa của USSR.
Thứ hai, Hạm đội 83 của Hoa Kỳ hay còn được biết đến với cái tên Hạm đội Thái bình dương là một hạm đội có quy mô lớn nhất của phía Hoa Kỳ liên tục có các kế hoạch tập trận đơn lẻ và các cuộc tập trận chung với các đồng minh từ tháng 2-1983 trên khắp các khu vực biển liền kề với đảo Sakhalin khiến USSR cho rằng những động thái trên của Hoa Kỳ có ý định nhắm vào mình.
Thứ ba, những tướng đứng đầu các cơ quan quân đội của USSR liên tục có những động thái muốn một cuộc tấn công phủ đầu Nhà Trắng vì họ nhận thấy điều này là cần thiết khi Hải quân Hoa Kỳ luôn có những hành động khiêu khích USSR. Đại tướng Yuri Andropov – Tổng thư ký quân đội Xô Viết và Bộ trưởng bộ Quốc phòng - Đại tướng Dmitry Ustinov liên tục đề xuất các kế hoạch oanh tạc và tấn công bằng ICBM nhằm vào Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, từ những báo cáo được cho là đáng tin cậy từ Cơ quan tình báo trung ương USSR KGB thì có vẻ như Tổng thống Ronald Reagan đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Moskva khi liên tục có những buổi họp nội các bất thường bên dưới phòng họp bí mật ở Nhà Trắng. Họ càng có những cơ sở để khẳng định như vậy khi bên dưới Nhà Trắng được cho là nơi chứa hệ thống kích hoạt các ICBM trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Quá lo ngại trước người Mỹ, Leonid Brezhnev và các ủy viên Bộ Chính Trị đã đề ra kế hoạc RYAN – tên mật của một chiến dịch tấn công từ KGB nhằm khai thác tinh tức tình báo từ Hoa Kỳ.
Cũng trong thời gian này, các phi cơ tiêm kích từ 2 chiếc hàng không mẫu hạm là USS Midway (CV41) và USS Enterprise (CVN-65, là chiếc thuộc lớp hàng không mẫu hạm năng lượng hạt nhân lớp Nimitz) liên tục cất cánh vào quần đảo quanh khu vực giáp Sakhalin. Ngay lập tức để đáp trả, phía không quân Xô Viết đã điều 2 phi đội thường trực liên tục tại Sakhalin sẵn sàng cất cánh tiêu diệt bất cứ chiếc tiêm kích nào xâm nhập vào không phận USSR. Thành phần chủ yếu của 2 phi đội này chủ yếu là tiêm kích đánh chặn Su-15 và Mig-23 nhằm hạ gục nhanh gọn các tiêm kích từ phía Hoa Kỳ.
Không quân Xô Viết luôn có các buổi diễn tập mà tình huống giả định là tiêm kích địch đang chuẩn bị xâm nhập không phận. Nhưng vào ngày 1 tháng 9 năm 1983, cũng là tiếng còi báo động từ sân bay Sokol, đảo Sakhalin. 1 chiếc máy bay không xác định đang chuẩn bị xâm nhập vào không phận bán đảo Kamchatka, lúc này chiếc KAL-007 đang ở cách bán đảo 30km về phía Đông Nam.
Lý do họ nghi ngờ chiếc KAL-007 là có cơ sở. Trước đó, Xô Viết đã lên kế hoạch thử nghiệm tên lửa và họ đã phát hiện ra 1 vài chiếc RC-135 (phiên bản quân sự trong các nhiệm vụ do thám tầm xa) liên tục bay xung quanh khu vực thử tên lửa và họ nghi ngờ chiếc KAL-007 cũng là một trong số đó.
Lúc 15:31 giờ quốc tế (UTC), theo nguồn tin từ lực lượng phòng không Xô Viết, chiếc KAL-007 đã đi vào khu vực cấm của bán đảo Kamchatka. Trước đó, 1 chiếc Mig-23 “Flogger” và 3 chiếc tiêm kích đánh chặn Su-15 “Flagon” đã xuất kích để ngăn chặn chiếc KAL-007. 35 phút sau khi phát hiện ra chiếc KAL-007, đã có 2 chiếc Su-15 sẵn sàng đón đầu nó, 3 chiếc khác cũng sẵn sàng trong trường hợp có phản kháng từ mục tiêu hoặc để mục tiêu tháo chạy. Ngay lúc này, chiếc KAL-007 đang liên lạc với Đài kiểm soát không lưu (ATC) Tokyo với nội dung như sau:
- Tokyo đây là KAL-007
- KAL-007, đây là Tokyo
- KAL-007 xin được chuyển lên độ cao 350 - 35.000 feet
- Nghe rõ, đợi lệnh của chúng tôi!
- Nghe rõ!
Sau đó chiếc KAL-007 nhận được lệnh cho phép từ ATC Tokyo. Họ giảm tốc độ và cho chiếc Boeing-747 lên độ cao 35.000 ft. Ngay lập tức, chỉ huy trưởng từ Trạm kiểm soát mặt đất Kornukov ra lệnh bắn hạ ngay chiếc Boeing nếu như họ không chịu quay lại sau lời cảnh báo thứ 2. Vào lúc 18:26 UTC, do áp lực từ phía chỉ huy Antoly Kornukov, chiếc Su-15 mang mã hiệu 38 di chuyển về phía sau chiếc Boeing và bắn 2 quả tên lửa không đối không K-8 “Kalinigrad” vào chiếc Boeing. KAL-007 trúng 2 quả tên lửa mất dần độ cao và phát nổ ngay trên không trung.
Hồi ức từ Đại úy Gennadi Osipovich
Vào năm 1992, khi được tờ Izvestia phỏng vấn về vụ bắn hạ chiếc KAL-007, đại úy Osipovich, người điểu khiển chiếc tiêm kích Su-15 “Flagon”mang mã hiệu 38 đã ngăn chặn chiếc Boeing-747 bằng 2 quả tên lửa không đối không hồi tưởng lại khoảnh khắc ấy. Trái ngược với những thông cáo từ phía USSR, ông Osipovich cho biết: “Chiếc Boeing-747 mang mã hiệu KAL-747 đã xâm nhập vào không phận USSR. Chiếc Boeing không hề có đèn hiệu hay bất cứ thứ gì để ra hiệu cho chiếc Su-15 từ phía chúng tôi”.
Ông kể lại rằng, vào thời điểm ấy ông liên lạc với Trạm kiểm soát mặt đất (CG) ở Sokol, ông đã trông thấy có các đèn hiệu nhấp nháy từ phía đuôi chiếc máy bay. Osipovich nói:
-Tôi đã trông thấy 2 hàng cửa sổ trên chiếc máy bay đó và tôi dám khẳng định đó là một chiếc Boeing cỡ lớn và nó chắc chắn là máy bay dân dụng. Nhưng trong lúc đó nó dường như chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Tôi nhận được lệnh lên đường và phải bắn hạ bằng được chiếc máy bay này. Khi đó với tôi 1 chiếc máy bay dân dụng thì cũng như 1 chiếc máy bay tiêm kích quân sự mà thôi.
-Tại sao ông lại làm vậy Osipovich? Nếu như ông không khai hỏa 2 quả tên lửa đó, có lẽ ông đã cứu sống được hơn 200 người.
-Tôi đã không thông báo về cho CG đó là một chiếc máy bay dân dụng, vì họ đã không hỏi tôi.
Giải thích về chi tiết chiếc KAL-007 đột ngột giảm tốc độ và tăng độ cao khiến áp lực từ cấp trên bắn tên lửa, ông giải thích:
- Họ đột ngột giảm tốc độ quá nhanh. Khi ấy tốc độ của họ chỉ khoảng 300km/h còn tôi đang bay với tốc độ 400km/h). Theo phản xạ tôi giảm tốc độ và quay lại bám sát chiếc Boeing. Tôi đã nghĩ là nếu phải bắn hạ họ, tôi phải làm bằng mọi cách bằng không tôi sẽ bị khiển trách nặng nề sau vụ việc này. Mọi chuyện xảy ra đúng như vậy. Chỉ huy Kornukov bảo tôi “Hạ nó ngay lập tức! Tôi yêu cầu cậu hạ nó ngay lập tức”. Hạ một chiếc máy bay dân dụng ư? Nói và làm là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau! Hạ chiếc Boeing bằng gì? Tôi chỉ có 263 viên đạn cỡ thường và 6 quả tên lửa không đối không K-8. Tôi đã nghĩ phải hạ nó bằng tên lửa, khoảng cách có lẽ chỉ 2000m,ngay sau đó tôi đã chọn khóa mục tiêu và phóng 2 quả tên lửa đó đi. Và chiếc Boeing nổ tung ngay trước mắt tôi!”.
Ngay sau vụ việc, đã có khá nhiều chỉ trích từ thế giới khi USSR tấn công 1 chiếc máy bay không vũ trang. Tuy nhiên USSR khẳng định đây là lỗi từ phía chiếc KAL-007. Đã có hàng chục kế hoạch tìm kiếm nhằm tìm lại những mảnh vỡ, đồ đạc và tư trang của các nạn nhân trên chiếc KAL-007. Thế nhưng mọi nỗ lực là vô vọng, họ chỉ tìm thấy được 1 số ít tư trang của một số hành khách trên chuyến bay. Đó là một trong những vụ việc khiến quan hệ cả hệ phía Hoa Kỳ và USSR ngày càng căng thẳng và có thể dẫn đến một cuộc chiến hạt nhân toàn diện giữa 2 siêu cường.