Iran sắp ra mắt hệ thống phòng thủ tên lửa mới

TN |

Ngày 19/7, kênh truyền hình PressTV dẫn lời Thiếu tướng Farzad Esmaili, chỉ huy Căn cứ phòng không Khatam al-Anbiya của Iran cho biết, nước này đang lên kế hoạch công bố một hệ thống phòng thủ tên lửa mới được sản xuất trong nước, đồng thời trang bị radar tầm trung và tầm xa cũng như sử dụng công nghệ tiên tiến cho phép giành được ưu thế khi tác chiến điện tử.

Thiếu tướng Esmaili phát biểu rằng hệ thống tên lửa này có khả năng đối phó hữu hiệu với các mối đe dọa từ chiến tranh điện tử và sẽ được kết nối với mạng lưới phòng không của Iran vào ngày 1/9 tới.

Chỉ huy cấp cao của quân đội Iran cho biết thêm rằng hệ thống phòng thủ tên lửa và radar mới sẽ giúp giám sát các khu vực quan trọng của đất nước nằm ở phía Nam và phía Đông Nam.

Theo ông, hệ thống radar sắp được công bố sẽ có tầm hoạt động trong phạm vi khoảng 1.000 km và sẽ được lắp đặt tại những khu vực chiến lược trọng yếu của Iran.

Hệ thống phòng không Bavar-373 do Iran sản xuất.

Trong những năm gần đây, Iran đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và tiến tới tự sản xuất các thiết bị và hệ thống quân sự tân tiến nhằm tự trang bị cho quân đội.

Hồi tháng 4, Iran tuyên bố đang phát triển hệ thống phòng không sản xuất trong nước Bavar-373 và dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm nay theo lịch của Iran (kết thúc vào ngày 19/3/2016).

Ngoài ra, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tương tự như S-300 của Nga cũng đã được thử nghiệm thành công hồi tháng 8/2014.

Các công ty Nga lên kế hoạch trở lại thị trường Iran

Sau thỏa thuận hạt nhân quan trọng giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), một số lượng lớn các công ty Nga đang khẩn trương xúc tiến kế hoạch quay trở lại thị trường Iran nhằm nắm bắt các cơ hội đầu tư mới.

Chủ tịch Công ty dầu khí Lukoil, ông Vagit Alekperov phát biểu trên tờ "Business Insider" khẳng định rằng công ty này đang lên phương án chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc quay trở lại thị trường Iran, ngay sau khi các biện pháp trừng phạt của Phương Tây được dỡ bỏ.

Tehran và Moskva từ lâu đã có quan hệ tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Các tập đoàn của hai nước, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, có thể tìm kiếm được cơ hội đầu tư để tăng cường sức mạnh kinh tế của mỗi nước.

Hiện Iran và Nga đang sở hữu khoảng 20% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt của thế giới.

Andrei Baklitsky, Giám đốc của Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Nga cho biết Iran sẽ chứng kiến một sự phát triển như vũ bão trong các lĩnh vực từng phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, trong đó có dầu khí.

Đây là thời cơ có một không hai cho các công ty và tập đoàn nước ngoài đang mong muốn tham gia đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực này tại quốc gia Hồi giáo.

Ngoài dầu khí, lĩnh vực vận tải cũng đang nhận được sự quan tâm của Nga.

Hôm 15/7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga Maxim Sokolov thông báo rằng Moskva đang đàm phán với Tehran về dự án cung cấp các máy bay chở khách Sukhoi Superjet nhằm hiện đại hóa đội bay của quốc gia Hồi giáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại