Tân Hoa xã ngày 17/7 đưa tin, báo chí Thái Lan hôm 15/7 dẫn Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan xác nhận, Thái Lan tạm gác kế hoạch mua 3 tàu ngầm Trung Quốc, hoãn trình lên nội các xét duyệt.
Ông Prawit Wongsuwan nói nguyên nhân tạm gác kế hoạch mua sắm là để hải quân tiếp tục đánh giá về nhu cầu đối với tàu ngầm. "Chúng tôi hiện nay sẽ chờ đợi, sẽ không trình lên nội các phê chuẩn".
Ông nói thêm: "Hiện nay, hải quân phải làm rõ, những tàu ngầm này phải chăng đáng để mua, chúng sẽ tăng thêm bao nhiêu sức mạnh cho Hải quân Thái Lan".
Nhận định về chuyện Thái Lan tạm dừng mua tàu ngầm của Trung Quốc, chuyên gia Dmitry Mosyakov thuộc Viện nghiên cứu Đông Phương học, Viện Khoa học Nga cho rằng, Washington đã gây sức ép to lớn đối với Bangkok.
Ông nói:
"Trong khuôn khổ chính sách tận dụng liên minh 'bao vây Trung Quốc', Mỹ theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc ở Đông Nam Á, trong khi đó, những nước này hoặc ít hoặc nhiều đều có liên quan tới Trung Quốc.
Đương nhiên, Mỹ đã gây sức ép to lớn đối với Thái Lan, hơn nữa khả năng gây ảnh hưởng đến tầng lớp tinh hoa Thái Lan là rất lớn.
Trong tình hình này, chính không hủy bỏ mua tàu ngầm, mà là trì hoãn quyết định là phù hợp nhất với lợi ích của Mỹ trong trờ chơi này.
Trò chơi này không chỉ có sự tham gia của Thái Lan, Mỹ còn lôi kéo Malaysia, Myanmar và Philippines.
Có thể hiện nay, Mỹ tìm cách làm cho Thái Lan trở nên tích cực hơn, cũng lôi kéo Thái Lan vào mặt trận các nước tuyến đầu chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á".
Quan hệ Thái Lan - Mỹ
Việc Thái lan trì hoãn mua tàu ngầm của Trung Quốc lần này là dấy lên những câu hỏi về mức độ cam kết của Thái Lan trong việc mua những chiếc tàu đầu tiên loại này.
Thái Lan từng tính đến việc mua sắm tàu ngầm từ những năm 1990 của cả Đức và Hàn Quốc, tuy nhiên chưa có thỏa thuận nào đạt được. Hồi tháng 11/2014, tư lệnh hải quân Thái Lan cho biết ông đã xem xét lại việc này.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan ngày càng xấu đi sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014. Mối quan hệ đồng minh này còn trở tệ hơn sau khi Thái Lan quyết định mua chiếc tàu ngầm của Trung Quốc.
Quyết định này của chính quyền quân sự có thể đẩy Thái Lan ra xa Mỹ, đồng minh từ 180 năm nay của Thái Lan, nhưng lại kéo Bangkok gần hơn với Bắc Kinh.
Việc Thái Lan dần xa lánh Mỹ đã được ông Martin Sebastian, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng hải và Ngoại giao thuộc Viện Hàng hải Malaysia, nói rằng có vài lo ngại trong khu vực rằng biện pháp của Mỹ đang đẩy Thái Lan về phía Trung Quốc.
“Mỹ đang lạnh lùng với chính quyền quân sự Thái Lan, điều có thể nhìn thấy qua cuộc tập trận Hổ mang vàng”, ông Sebastian nhận định.
Trong khi đó, Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, thuộc trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng quyết định mua tàu ngầm của Thái Lan làm quan hệ giữa 2 đồng minh xấu đi và ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục của Mỹ ở khu vực châu Á.
Giáo sư Thitinan cho biết: “Nó đang tạo một chính sách nguy hiểm từ Bangkok, đòi hỏi Mỹ phải cân nhắc giá trị và cả lợi ích của Mỹ (ở khu vực Châu Á) một cách cẩn trọng”.