Hiện đại hóa Bộ đội Tên lửa, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc

Trung tướng Lê Huy Vịnh (Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân) |

Ngày 7-1-1965, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung đoàn 236 - Trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội ta.

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển lực lượng Phòng không - Không quân (PK-KQ).

Ngày 7-1-1965, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung đoàn 236 - Trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội ta.

Sau khi thành lập, được sự giúp đỡ huấn luyện của các chuyên gia nước bạn, trong một thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Tên lửa đã làm chủ được vũ khí, khí tài hiện đại, đủ điều kiện xuất quân đánh địch.

Ngày 24-7-1965, tại các trận địa Chùa Ghề, Vô Khuy (Sơn Tây), hai Tiểu đoàn 63 và 64 của Trung đoàn 236 đã đánh tập trung tiêu diệt cả tốp máy bay F4 đang trên đường bay vào đánh phá khu công nghiệp Việt Trì.

Từ đó, ngày 24-7-1965 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không (TLPK) Việt Nam anh hùng.

Huấn luyện khí tài tên lửa tại Trung đoàn 284, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - không quân. Ảnh: Phạm Diện.

Chiến thắng trận đầu của Bộ đội TLPK là một sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta và Quân chủng PK-KQ.

Chiến thắng đó thể hiện đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, kế thừa nghệ thuật quân sự Việt Nam và nghệ thuật tác chiến phòng không phát triển lên tầm cao mới.

Tháng 6-1966, dự đoán được khả năng đế quốc Mỹ có thể sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá miền Bắc; thực hiện chủ trương của cấp trên về đánh địch từ xa, Bộ tư lệnh Quân chủng đã điều Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52.

Vượt qua muôn vàn gian khó và sự mất mát, hy sinh, Trung đoàn 238 đã đưa thành công khí tài tên lửa vào Vĩnh Linh, chủ động “tìm địch mà diệt”.

Ngày 17-9-1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng máy bay B-52, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 đã bắn rơi 1 máy bay B-52.

Chiến công của Tiểu đoàn 84 đã mở ra một khả năng mới và những kinh nghiệm quý cho việc đánh máy bay B-52, làm cơ sở viết nên cuốn Cẩm nang đỏ “Cách đánh B-52”, củng cố lòng tin và quyết tâm cho quân và dân ta đánh thắng B-52 của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai (4-1972/12-1972), Bộ đội Tên lửa đã cùng với Bộ đội Không quân, Cao xạ, Radar bước vào chiến đấu với tất cả niềm tin và tinh thần quyết thắng.

Chúng ta đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, góp phần đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc.

Trong chiến dịch này, Bộ đội TLPK là lực lượng nòng cốt bắn rơi 29 trong tổng số 34 chiếc máy bay B-52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

Chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972 đã làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng nước ta.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội TLPK đã hành quân thần tốc, cùng các binh đoàn tiến vào giải phóng miền Nam.

Bộ đội TLPK đã luôn bám sát và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, sẵn sàng chi viện đắc lực cho đại quân ta trên các hướng, mũi tiến công thần tốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi 788 máy bay trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng PK-KQ bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ.

Trong những năm qua, nằm trong đội hình tác chiến của lực lượng PK-KQ, Bộ đội TLPK thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện giỏi.

Bên cạnh đó là phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong việc niêm cất bảo quản, quản lý khai thác sử dụng, nghiên cứu cải tiến có hiệu quả các loại vũ khí trang bị.

Trình độ, khả năng chiến đấu của Bộ đội TLPK ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Hầu hết các trung đoàn tên lửa trong quân chủng đều đạt tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi”, hàng năm tham gia diễn tập bắn đạn thật đều diệt mục tiêu, tham gia hội thi, hội thao đều đạt khá, giỏi.

Hiện nay, để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, Bộ đội TLPK nói riêng và toàn quân chủng nói chung phải tập trung xây dựng Quân chủng PK-KQ theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Phải lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân chủng, bảo đảm toàn quân chủng là một khối thống nhất về ý chí và hành động, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mặt khác phải quan tâm nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong đó vấn đề cần quan tâm hàng đầu là tập trung nghiên cứu sâu về đối tượng tác chiến, nhất là sự phát triển về phương thức, thủ đoạn tác chiến, vũ khí, phương tiện tiến công đường không của đối phương...

Trên cơ sở đó, chọn cách đánh phù hợp với Bộ đội TLPK và từng loại tên lửa, chú trọng tổ chức cơ động đánh chặn địch từ xa; đồng thời tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó với tác chiến điện tử của địch.

Các đơn vị phải tập trung huấn luyện, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị hiện có, nhất là vũ khí trang bị mới, cải tiến; cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Tất cả các đơn vị tên lửa phải chú trọng huấn luyện đánh đêm, đánh trong điều kiện đối phương tác chiến điện tử mạnh, cường độ cao, trong điều kiện phải cơ động, di chuyển trong địa hình phức tạp...

Để thực hiện được vấn đề này, phải tăng cường tổ chức huấn luyện diễn tập bắn đạn thật cho Bộ đội TLPK sát với thực tế chiến đấu, khắc phục bằng được những hạn chế về trình độ, khả năng tác chiến; đồng thời, rèn luyện sức bền, sự chịu đựng trong điều kiện khắc nghiệt.

Cần phải chăm lo xây dựng tiềm lực khoa học - kỹ thuật của quân chủng. Tiếp tục mua sắm, cải tiến, sửa chữa, đổi mới trang thiết bị, sản xuất phụ tùng linh kiện thay thế... phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.

Thực hiện giữ tốt, dùng bền, khai thác sử dụng hết tính năng tác dụng của mọi loại vũ khí, khí tài có trong biên chế.

Bảo đảm cho Bộ đội TLPK Việt Nam anh hùng không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại