Đài tiếng nói nước Nga (phiên bản tại Ấn Độ) dẫn nhận định của các chuyên gia Nga cho hay F-35, tiêm kích đắt đỏ nhất của các nhà thiết kế Mỹ khó có thể ẩn mình trước các radar Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi về việc đây có thực sự là một bước đột phá của Trung Quốc?
Theo các chuyên gia Nga, nhiều nguồn tin ở Anh và Mỹ đều thừa nhận rằng hệ thống radar lắp đặt trên các tàu khu trục mới của Trung Quốc có thể phát hiện máy bay tàng hình từ khoảng cách 350km, với độ chính xác tới 90%.
Chuyên gia Vladimir Evseev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Xã hội (trụ sở tại Moscow), cho hay hiện chưa rõ Trung Quốc đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền để phát hiện tiêm kích tàng hình của Mỹ nhưng điều này cho thấy Bắc Kinh đã đạt được một bước tiến.
Tàu khu trục Type 052D của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã gặp phải nhiều vấn đề lớn trong việc phát triển radar. Ví dụ họ không có một hệ thống cảnh báo sớm trước các cuộc tấn công bằng tên lửa. Trung Quốc không có được trạm radar cảnh báo sớm Voronezh nào của Nga, tuy nhiên, khó khăn của họ đã được khắc phục dưới sự hỗ trợ của Nga. Việc Trung Quốc học được cách phát hiện các tiêm kích tàng hình F-35 cho thấy Bắc Kinh đã giải quyết thành công một số vấn đề trong lĩnh vực này. Họ đang cố gắng thiết lập một mạng lưới radar hoàn chỉnh” - Evseev nói.
Trong khi đó, theo Konstantin Sivkov, phó Giám đốc Học viện Địa chính trị Nga, đồng thời là một cựu sĩ quan Hải quân nhận định, khả năng phát hiện F-35 của Trung Quốc cho thấy rằng quốc gia này hiện đang bắt kịp với những thành tựu quân sự trên thế giới, tuy nhiên đây không phải là một bước đột phá.
“Đây là một bước tiến bình thường của Trung Quốc. Quốc gia này đã lắp đặt các radar mạng pha trên những tàu khu trục của mình. Từ trước tới nay, các hệ thống phát hiện máy bay tàng hình đã được lắp đặt trên các tàu khu trục của Nga, bao gồm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Người Mỹ cũng đã sử dụng các hệ thống đó trong vòng hơn 50 năm qua. Theo đó trong trường hợp này, Trung Quốc không tạo ra một bước đột phá về công nghệ. Đơn giản là người Trung Quốc đã học được cách sử dụng dải tần số thấp để phát hiện máy bay tàng hình. Bên cạnh đó, họ cũng có công nghệ tiên tiến bảo đảm việc phát hiện chính xác mục tiêu” - Sivkov cho biết.
Theo Pavel Zolotarev, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu về Canada và Mỹ, việc phát hiện ra một máy bay tàng hình với sự trợ giúp của radar chiếm một nửa các yếu tố của trận chiến.
“Trước hết, mọi máy bay tàng hình đều không thể ẩn mình 100% trước các radar. Điều này rõ ràng phản ánh một số vấn đề. Việc một quốc gia cần có nền tảng kinh nghiệm để phát hiện ra những đặc điểm đó lại là một câu chuyện khác. Thứ hai, các thiết bị cũng cần có độ tin cậy trong việc xác định máy bay tàng hình từ những đặc điểm đó. Tuy vậy, điều này không đáng lo ngại với cán cân sức mạnh. Trung Quốc đã học được cách phát hiện máy bay tàng hình. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ràng về cách thức hệ thống trên của Trung Quốc sẽ hoạt động ra sao nếu như F-35 sử dụng hệ thống gây nhiễu. Khả năng vượt qua các biện pháp gây nhiễu của radar đối phương rất quan trọng trong chiến trường hiện nay” Zolotarev cho biết.
Liên quan đến vấn đề trên, Pavel Zolotarev chỉ ra một vụ việc gần đây khi một tiêm kích Su-24 không được trang bị vũ khí của Nga bay gần tàu khu trục của Mỹ ở biển Đen. Tiêm kích của Nga được trang bị công nghệ gây nhiễu chống radar tối tân nhất, và khi nó mở các thiết bị gây nhiễu radar nhắm vào tàu khu trục của Mỹ, tiêm kích của Nga đã có thể vô hiệu hóa các hệ thống Aegis của tàu chiến Mỹ. Kết quả là, tiêm kích của Nga đã khiến thủy thủ đoàn trên tàu khu trục Mỹ một phen hỗn loạn do họ không thể làm được bất cứ điều gì để ngăn cản tiêm kích trên bay gần tàu khu trục của Mỹ.