Được biết đến dưới cái tên "Chiến tranh cá tuyết", sự kiện này kéo dài từ năm 1958 cho đến 1976, khi ngư dân Anh thực hiện việc đánh bắt cá tuyết bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Iceland ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương.
Những hình ảnh của ‘Chiến tranh cá tuyết’
‘Cuộc chiến’ gồm những vụ va chạm dữ dội của tàu 2 nước
Để bảo vệ những tàu đánh cá của mình, Anh gửi các tàu chiến đi kèm. Tổng cộng có 37 tàu chiến luân phiên thực hiện nhiệm vụ này. Vào thời điểm đó, hải quân Anh có hạm đội tàu chiến nổi mạnh thứ nhì thế giới, chỉ sau hải quân Mỹ. Phía Iceland chỉ có 7 tàu tuần tra. Sự đối đầu này tất yếu dẫn đến va chạm giữa hai bên. Ngày 4/9/1958, tàu tuần tra ICGV Ægir của Iceland và tàu HMS Russell của hải quân Anh lao thẳng vào nhau.
Ngày 6/10/1958, tàu V/s María Júlía của Iceland nã 3 phát đạn vào tàu đánh cá Kingston Emerald của Anh, buộc tàu này phải bỏ chạy. Ngày 12/11/1958, tàu V/s Þór của Iceland bắn 3 phát đạn về phía tàu đánh cá Hackness. Chiếc HMS Russell lại xuất hiện cùng với 1 số tàu chiến khác và đe dọa sẽ đánh chìm tàu V/s Þór nếu tàu tiếp tục khai hỏa.
Sau đó 2 nước đạt được một thỏa thuận theo đó những bất đồng liên quan đến việc đánh bắt cá giữa 2 nước sẽ được giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế lại La Haye. Cuộc chiến cá tuyết do đó dịu xuống. Tuy nhiên đến năm 1972, chính phủ cánh tả mới của Iceland cho rằng mình không chịu sự ràng buộc của thỏa thuận trên, được ký bởi chính phủ trung hữu trước đó, và căng thẳng lại leo thang.
Lần này các tàu tuần tra Iceland bắt đầu sử dụng các thiết bị cắt cáp, để cắt đứt các lưới được kéo phía sau tàu đánh cá của Anh. Hải quân Anh phản ứng bằng cách gửi tàu chiến đi kèm để bảo vệ. Kết quả là những vụ va đụng giữa tàu của 2 bên lại tiếp tục diễn ra. Một trong những vụ va chạm như vậy xảy ra vào ngày 29/8/1973 giữa tàu tuần duyên Iceland ICGV Ægir và 1 khu trục hạm của Anh. Nước tràn vào bên trong tàu Ægir và khiến một thợ máy thiệt mạng vì điện giật. Đây là thiệt hại nhân mạng duy nhất trong toàn bộ cuộc xung đột.
Vị trí địa lý của Iceland khiến nước này đóng một vai trò rất quan trọng đối với NATO. Các tàu ngầm hạt nhân Liên Xô nếu muốn đi ra Đại Tây Dương từ căn cứ Murmansk trên biển Barents phải băng qua vùng biển của Iceland. Vì vậy khi Iceland đe dọa sẽ rời NATO thì Anh phải nhượng bộ. Tất cả tàu chiến Anh được triệu hồi từ ngày 3/10/1973. Anh cũng tự giới hạn số lượng cá mà họ đánh bắt, và giới hạn các khu vực mà tàu đánh cá Anh có thể hoạt động.
Tuy nhiên thỏa thuận này chỉ có hiệu lực đến tháng 11/1975, và sau khi nó hết hạn thì tranh chấp trên biển giữa 2 nước lại bùng phát, với những vụ va chạm gây thiệt hại nặng về phương tiện cho cả 2 bên. Iceland thậm chí từng tìm cách mua tàu chiến từ Liên Xô sau khi Mỹ từ chối bán tàu cho nước này. Cuối cùng thì Iceland, với tầm quan trọng chiến lược của mình đối với NATO, là nước đạt được mục tiêu. Chính phủ Anh đồng ý từ tháng 6/1976 sẽ không cho phép ngư dân của mình hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Iceland nữa.