Những chiến dịch cứu trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử (II)

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trong chiến dịch cứu trợ động đất - sóng thần tại châu Á, hải quân Mỹ đã triển khai tổng cộng 26 tàu, 58 trực thăng, 45 máy bay, 15.000 thuỷ thủ và lính thuỷ đánh bộ.

Hiện nay cộng đồng quốc tế vẫn đang tích cực hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan, trong đó các lực lượng quân sự đóng vai trò chính. Trong lịch sử từng có nhiều chiến dịch quân sự lớn được triển khai để cứu trợ nạn nhân các thảm hoạ lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

3. Động đất – sóng thần tại châu Á

Trận sóng thần gây ra bởi động đất ở Ấn Độ Dương xảy ra ngày 26/12/2004 là một trong những thảm hoạ thiên nhiên gây nhiều thiệt hại nhất trong lịch sử, với hơn 200.000 người của 10 quốc gia thiệt mạng.

Ngay sau thảm hoạ, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thiết lập sở chỉ huy tiền phương tại Utapao, Thái Lan, để phối hợp các hoạt động cứu trợ. 9 máy bay trinh sát hàng hải tầm xa P-3 được triển khai từ Kadena, Nhật, và đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để đánh giá sơ bộ thiệt hại và xác định nhu cầu cứu trợ. Sau đó hải đội tàu sân bay Abraham Lincoln và hải đội viễn chinh Bonhomme Richard được lệnh di chuyển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương để trực tiếp hỗ trợ Indonesia, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng lúc đó, các đội tiền trạm thuỷ quân lục chiến Mỹ bay từ Okinawa, Nhật, đến Thái Lan và Sri Lanka để đánh giá tình hình.

Tàu bệnh viện Mercy đi cạnh tàu sân bay Abraham Lincoln khi vừa đến Banda Aceh, Indonesia
Tàu bệnh viện Mercy đi cạnh tàu sân bay Abraham Lincoln khi vừa đến Banda Aceh, Indonesia

Hải đội Abraham Lincoln ngoài tàu sân bay Abraham Lincoln còn có 1 tuần dương hạm, 2 khu trục hạm, và 1 tàu tiếp vận. 19 trực thăng SH-60 SeaHawk trên tàu Abraham Lincoln bắt đầu thực hiện các chuyến bay cứu trợ Indonesia vào ngày 31/12. Hải đội viễn chinh gồm 3 tàu hỗ trợ đổ bộ, 2 khu trục hạm, và 1 tàu tuần duyên, với tổng cộng 24 trực thăng CH-46 Sea Knight, đến nơi vào ngày 3/1/2005. Các tàu hỗ trợ đổ bộ còn chở theo những tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) có khả năng đưa gần 70 tấn hàng từ biển vào đất liền, vượt qua nhiều địa hình khác nhau.

Tàu đệm khí LCAC và trực thăng CH-46 chuyên chở hàng cứu trợ vào bờ. Trực thăng có lợi thế về tốc độ còn tàu đệm khí có lợi thế về sức tải
Tàu đệm khí LCAC và trực thăng CH-46 chuyên chở hàng cứu trợ vào bờ. Trực thăng có lợi thế về tốc độ còn tàu đệm khí có lợi thế về sức tải
LCAC đang vượt qua những đống đổ nát gây ra bởi sóng thần
LCAC đang vượt qua những đống đổ nát gây ra bởi sóng thần

Lực lượng này sau đó được hỗ trợ thêm bởi 7 tàu vận tải, 2 tàu chở nhiên liệu, và 2 tàu khảo sát đại dương từ Guam, Diego Garcia, và Nhật Bản. Các tàu vận tải chở theo hàng cứu trợ, thiết bị y tế, xe cơ giới, máy phát điện. Các máy lọc nước trên những con tàu này cung cấp 400.000 lít nước ngọt hàng ngày. Số nước ngọt này được bơm từ tàu hơn 3km vào đất liền. Hai tàu khảo sát đại dương có nhiệm vụ ghi nhận những thay đổi ở đáy biển khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Phạm vi hoạt động cứu trợ sau đó được mở rộng bao gồm Thái Lan và Sri Lanka.

Đến ngày 12/01/2005, hải quân Mỹ đã triển khai tổng cộng 26 tàu, 58 trực thăng, 45 máy bay, 15.000 thuỷ thủ và lính thuỷ đánh bộ.

Công binh hải quân Mỹ dọn dẹp đống đổ nát của một ngôi trường tại Gintota, Sri Lanka
Công binh hải quân Mỹ dọn dẹp đống đổ nát của một ngôi trường tại Gintota, Sri Lanka

4. Động đất tại Haiti

Trận động đất tại Haiti ngày 12/01/2010 với tâm chấn ngay gần thủ đô Port-au-Prince đã phá huỷ 70% thành phố này, và gây thiệt hại nặng cho phần còn lại của đất nước. Trận động đất làm hơn 100.000 người chết và gây tê liệt cho toàn bộ hoạt động của chính quyền Haiti. Hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này, vốn đã rất thiếu thốn, bị tàn phá nặng nề. Những nạn nhân sống sót sau thảm họa phải tự tìm cách sinh tồn và mong chờ các nỗ lực cứu trợ của cộng đồng quốc tế.

Lực lượng quốc tế đầu tiên tham gia cứu trợ là một bệnh viện dã chiến của không quân Argentina, do đây là một cơ sở thuộc Phái đoàn gìn giữa hoà bình của Liên Hiệp Quốc tại Haiti và đã ở tại Port-au-Prince từ trước. Ngay sau trận động đất, đây là cơ sở y tế duy nhất còn hoạt động.

Ngày 13/01/2010, có thêm một số đội cứu hộ từ các quốc gia gần đó như Cuba, Peru có mặt. Peru ngoài việc cử nhân lực và gửi 50 tấn thực phẩm trên 2 máy bay vận tải quân sự. Lực lượng tuần duyên Mỹ cũng gửi 2 tàu, Forward và Mohawk, đến trong ngành đầu tiên. 4 ngày sau có thêm 2 tàu tuần duyên khác, Oak và Grasp, đến tăng viện và giúp sửa chữa cảng Port-au-Prince vốn bị hư hại nặng trong trận động đất. Đến ngày 21, một phần cảng này có thể hoạt động trở lại.

Hai tàu tuần duyên Forward và Mohawk đến cảng Port-au-Prince một ngày sau trận động đất
Hai tàu tuần duyên Forward và Mohawk đến cảng Port-au-Prince một ngày sau trận động đất
Nạn nhân vụ động đất đang được chăm sóc tại một trại dã chiến của quân y Brazil
Nạn nhân vụ động đất đang được chăm sóc tại một trại dã chiến của quân y Brazil

7 giờ tối ngày 13/01, hai máy bay Combat Talon II, phiên bản đặc biệt của máy bay vận tải C-130, thuộc Bộ tư lệnh không quân đặc nhiệm Mỹ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Toussaint Louverture. Ngoài hàng cứu trợ, các máy bay này còn chở theo một đội điều khiển không lưu dã chiến để giúp tái lập hoạt động của sân bay để đón máy bay chờ hàng cứu trợ từ mọi nơi trên thế giới. Trong suốt 12 ngày, những người này giúp điều phối việc vận chuyển gần 2.000 tấn hàng cứu trợ quan đường không, trung bình mỗi 5 phút có 1 máy bay cất hoặc hạ cánh.

Đội điều khiển không lưu dã chiến tại Toussaint Louverture
Đội điều khiển không lưu dã chiến tại Toussaint Louverture

Sang ngày 14/01, các hoạt động cứu trợ quốc tế bắt đầu tăng tốc. Ít nhất 20 nước gửi lực lượng tham gia các nỗ lực tại chỗ. Trong đó hải quân Mỹ gửi 17 tàu chiến, 48 trực thăng và tổng cộng 17.000 người, bao gồm 1 tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson và tàu bệnh viện Comfort với 1000 giường bệnh. Tàu Carl Vinson có khả năng chuyển 1.5 triệu lít nước biển thành nước ngọt mỗi ngày, 25% trong số đó được cung cấp vào đất liền.

Máy bay vận tải hạng nặng C-17 thả hàng cứu trợ xuống Haiti
Máy bay vận tải hạng nặng C-17 thả hàng cứu trợ xuống Haiti

Pháp gửi tàu cứu hộ Francis Garnier chở theo hàng hoá, nhân lực, và xe cơ giới, bao gồm xe ủi để dọn dẹp các đống đổ nát. Quân đội Israel thiết lập một bệnh viện dã chiến với đầy đủ chức năng. Canada gửi 2 tàu chiến cùng 1.000 quân nhân, và thiết lập một đường băng dã chiến nhỏ để giúp chia tải với sân bay chính Toussaint Louverture. Ý gửi đến tàu sân bay Cavour mới vừa được đưa vào sử dụng 6 tháng trước. Có thể chở theo 20 máy bay, trong đó có 12 trực thăng, đây là nhiệm vụ chính thức đầu tiên của con tàu này. Tây Ban Nha và Hà Lan, mỗi nước cũng gửi 1 tàu chiến đến hỗ trợ.

Tàu sân bay Cavour có lượng choán nước 30.000 tấn
Tàu sân bay Cavour có lượng choán nước 30.000 tấn

Xem thêm:

Phần 1: Những chiến dịch cứu trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại