Những chiến dịch cứu trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trong lịch sử từng có nhiều chiến dịch quân sự lớn được triển khai để cứu trợ nạn nhân các thảm hoạ lớn tương tự như siêu bão Haiyan vừa tràn qua Philippines.

Hiện nay cộng đồng quốc tế vẫn đang tích cực hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan, trong đó các lực lượng quân sự đóng vai trò chính. Trong lịch sử từng có nhiều chiến dịch quân sự lớn được triển khai để cứu trợ nạn nhân các thảm hoạ lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

1. Cứu trợ Berlin

Sau Thế chiến 2, Berlin bị chia đôi, một phần do Liên Xô kiểm soát, phần còn lại do các nước phương Tây kiểm soát. Tuy nhiên, toàn bộ thành phố này nằm trong vùng chiếm đóng của Liên Xô. Từ đầu năm 1948, căng thẳng lên cao giữa 2 phía khiến cho việc di chuyển ra vào Berlin bị hạn chế. Đến tháng 6, Liên Xô phong toả hoàn toàn các tuyến đường bộ, đường sắt ra vào Berlin để gây sức ép với phương Tây. Hơn 2,5 triệu người ở nửa phía tây của Berlin cần 4.500 tấn thực phẩm hàng ngày để tồn tại. Và việc vận chuyển giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào cầu không vận do không quân Mỹ và các nước đồng minh lập ra và bắt đầu hoạt động từ ngày 26/06/1948.

Sơ đồ phân chia khu chiếm đóng ở Berlin
Sơ đồ phân chia khu chiếm đóng ở Berlin
Sơ đồ phân chia khu chiếm đóng trên cả nước Đức. Berlin nằm lọt giữa khu do Liên Xô quản lý
Sơ đồ phân chia khu chiếm đóng trên cả nước Đức. Berlin nằm lọt giữa khu do Liên Xô quản lý

Trong vòng 1 tháng đầu tiên, Anh và Mỹ sử dụng hơn 100 máy bay vận tải, chủ yếu là C-47 để vận chuyển gần 100 tấn hàng vào Berlin mỗi ngày, vẫn còn xa so với nhu cầu. Sau đó người Mỹ huy động thêm cả máy bay ném bom hạng nặng B-29, nhưng tối đa cũng chỉ đủ cung cấp 1.000 tấn hàng một ngày.

C-47 dỡ hàng tại sân bay Tempelhof, Berlin
C-47 dỡ hàng tại sân bay Tempelhof, Berlin

Để xoay chuyển tình thế, không quân Mỹ quyết định thay C-47, có sức tải chỉ 3 tấn, bằng C-54, có thể chở 10 tấn hàng. 300 chiếc C-54 từ mọi căn cứ trên thế giới được gom lại cho cầu không vận Berlin. Phía Anh cũng đóng góp 100 chiếc. Số máy bay này phải hoạt động với cường độ cao hơn nhiều so với thiết kế. Trung bình mỗi ngày, lực lượng hậu cần phải thay 23 chiếc lốp, và mỗi tháng cần phải thay thế 90 động cơ mới. Anh và Mỹ phải huy động các thợ máy từng phục vụ cho không quân Đức mới đủ nhân lực cần thiết.

Một chiếc C-54 hạ cánh trong sự mong chờ của người Berlin
Một chiếc C-54 hạ cánh trong sự mong chờ của người Berlin

Cầu hàng không này giúp duy trì cuộc sống cho nửa phía tây Berlin trong hơn 1 năm. Đến ngày 12/05/1949, Liên Xô tuyên bố tháo bỏ vòng phong toả Berlin. Cầu hàng không chính thức ngưng hoạt động vào ngày 30/09/1949. Trong hơn một năm, đã có hơn 2.300.000 tấn hàng được chuyển qua cầu hàng không, bao gồm không chỉ thực phẩm mà còn có than để sưởi ấm, thuốc men... Kỷ lục số hàng được vận chuyển trong 1 ngày là 13.000 tấn, gấp 3 lần mục tiêu 4.500 tấn.

Người dân Berlin ăn mừng việc lệnh phong toả được dỡ bỏ
Người dân Berlin ăn mừng việc lệnh phong toả được dỡ bỏ

2. Thảm hoạ hạt nhân tại Chernobyl

Ngày 26/04/1986, một loạt vụ nổ đã phá huỷ hoàn toàn lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và gây ra thảm hoạ hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Không có con số chính xác về tổn thất nhân mạng do rất nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp qua bệnh ung thư, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Đến 3 giờ chiều ngày 27/04, hơn 50.000 người dân ở thành phố Pripyat gần đó được di tản. Nhưng đám cháy chính chưa được khống chế và nhiệt độ trong lò phản ứng vẫn tiếp tục tăng lên, đe doạ gây ra một vụ nổ hạt nhân lớn hơn 2 quả bom tại Hiroshima và Nagasaki cộng lại. Bụi phóng xạ có thể bay tới tận Moscow. Trong 1 tuần sau đó, các trực thăng quân sự đã thả hàng nghìn tấn vật liệu gồm cát, đất sét, chì, và những thanh boron vào khu lò phản ứng. Cát, đất sét, chì để chặn phóng xạ thoát ra ngoài. Boron có tác dụng hấp thu bớt các hạt nơtron để ngăn phản ứng dây chuyền.

Rất nhiều trực thăng quân sự được huy động để ứng cứu Chernobyl
Rất nhiều trực thăng quân sự được huy động để ứng cứu Chernobyl

Trong nhiều tháng sau đó, hàng nghìn xe cơ giới quân sự cùng hơn 600.000 quân nhân và nhân viên dân sự được huy động để thu dọn vật liệu phóng xạ và xây dựng một khối bêtông khổng lồ chụp lên lò phản ứng. Bên cạnh đó, 800 hố chôn vật liệu phóng xạ được đào lên, và lấp đầy bởi vô số vật dụng từ nhà máy và các khu dân cư quanh đó.

Một trực thăng gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ tại Chernobyl. Toàn bộ đội bay thiệt mạng
Một trực thăng gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ tại Chernobyl. Toàn bộ đội bay thiệt mạng

Sau chiến dịch thu dọn, hàng ngàn máy bay và xe cơ giới quân sự phải bị bỏ lại do đã nhiễm phóng xạ. Nhiều chiếc được bọc trong bêtông và được sử dụng như những vật cản để phong toả các con đường vào khu vực. Những chiếc khác được bỏ lại trong những bãi tập trung lớn.

Hàng nghìn phương tiện quân sự phải bị bỏ lại sau khi chiến dịch kết thúc
Hàng nghìn phương tiện quân sự phải bị bỏ lại sau khi chiến dịch kết thúc

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại