Trong bất kì lĩnh vực nào cũng có những điều công chúng tin chắc là đúng nhưng thật ra lại không phải là sự thật. Quân sự cũng không phải là ngoại lệ. Hãy cùng điểm qua top 10 kiến thức sai lầm phổ biến trong quân sự.
3. Cha đẻ của vận động chiến
Bất kì ai quan tâm ít nhiều về quân sự đều biết đến "Chiến tranh chớp nhoáng" nổi tiếng của người Đức trong Thế chiến 2. Điều này dẫn đến niềm tin rằng người Đức là cha đẻ của chiến tranh cơ giới hiện đại. Nhưng sự thật thì lại không phải như vậy.
Mặc dù người Đức đúng là những người đầu tiên áp dụng rất thành công vận động chiến trên quy mô lớn trong giai đoạn đầu của Thế chiến thứ 2, nhưng chính Liên Xô mới là cha đẻ của khái niệm này. Cũng chính Liên Xô, không phải Đức, là nước đầu tiên nhận thấy vai trò cách mạng của thiết giáp trong chiến tranh hiện đại.
Từ cuối những năm 1920 sang những năm 1930, những nhà quân sự Liên Xô bắt đầu phát triển học thuyết chiến tranh mới, dựa trên các bài học từ Thế chiến thứ nhất, và thất bại của Liên Xô trong cuộc chiến sau đó với Ba Lan năm 1920. Trong Thế chiến thứ nhất, quân đội các nước không có được loại vũ khí và phương cách tác chiến thích hợp để xuyên thủng phòng tuyến của đối phương, và do đó bị mắc kẹt trong thế bế tắc của "Chiến tranh hầm hào".
Những nhà quân sự Liên Xô dự định dựa vào các công nghệ quân sự mới, máy bay và xe tăng, là phương tiện chính cho việc thọc sâu vào sau phòng tuyến đối phương. Trong Thế chiến thứ nhất, cả máy bay và xe tăng đều đã xuất hiện nhưng mới chỉ trong giai đoạn sơ khai, và chưa phát huy được ưu điểm của mình. Sau chiến tranh, giới quân sự các nước mới chỉ xem xe tăng như một phương tiện hỗ trợ hoả lực. Trong khi đó, Liên Xô xem xe tăng là trung tâm trong chiến tranh cơ giới. Xe tăng có thể giúp chọc thủng phòng tuyến đối phương, sau đó sử dụng khả năng cơ động của mình để bao vây và cô lập lực lượng tham gia phòng ngự.
Những ý tưởng này lần đầu được thể hiện trên văn bản từ 1929, và được hỗ trợ bằng quyết tâm của Stalin trong việc ưu tiên xây dựng công nghiệp quốc phòng quy mô lớn. Liên Xô chỉ bắt đầu sản xuất xe tăng đầu tiên vào năm 1928, nhưng đến năm 1932 đã thành lập 2 quân đoàn thiết giáp đầu tiên. Trong khi đó Đức đến năm 1935 mới có sư đoàn tăng đầu tiên.
Liên Xô chứng minh ưu thế của vận động chiến trên chiến trường trong trận Khalkhin-Gol chống lại quân đội Nhật Bản tại biên giới Mãn Châu Quốc. Dưới sự chỉ huy của Zhukov, Hồng quân Liên Xô tổ chức đánh thọc sườn và trong vòng 1 tuần, từ 20 đến 27/08/1939, đã bao vây phần lớn lực lượng Nhật. Tổn thất phía Liên Xô là 23.000 quân, trong khi của Nhật là hơn 60.000 quân.
Tuy nhiên, lợi thế dẫn đầu này nhanh chóng bị xoá sạch bởi cuộc Đại thanh trừng của Stalin, mà Hồng quân cũng là một nạn nhân. Từ 1937 đến trước cuộc xâm lược của Đức năm 1941, hơn 30.000 sĩ quan Hồng quân bị bắt giam hay hành hình, bao gồm 3 trong 5 nguyên soái, tất cả tư lệnh các quân khu, và hơn phân nửa số sư đoàn trưởng. Hậu quả là khi chiến tranh nổ ra, Hồng quân thiếu trầm trọng các sĩ quan có kinh nghiệm. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Liên Xô chịu thiệt hại nặng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến trước một quân đội Đức được tổ chức tốt hơn và nhiều kinh nghiệm hơn.
4. Hỏa lực của các chiến hạm buồm
Biểu tượng cho hải quân trong thời đại thuyền buồm, từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, là các chiến hạm gỗ nhiều tầng chạy bằng sức gió. Hoả lực của chúng đến từ rất nhiều khẩu đại bác chĩa ra 2 bên hông tàu. Phần thân tàu, nơi đặt các khẩu pháo, có thể có từ 2 đến 3 tầng, với số lượng đại bác từ 60 đến trên 100 khẩu. Trong những bộ phim về thời kỳ này, như "Cướp biển vùng Caribe", công chúng được thấy hoả lực khủng khiếp từ rừng đại bác này, có thể thổi tung tàu đối phương trong nháy mắt. Nhưng thực tế thì không hẳn là như vậy.
Do hạn chế vì kỹ thuật chế tạo vào thời kì đó, uy lực của những khẩu đại bác trên các chiến thuyền buồm trên thực tế rất hạn chế. Kích thước nòng pháo thường lớn hơn cỡ đạn 10%, gây ảnh hưởng lớn đến sơ tốc và độ chính xác. Ngoài ra, đa số các loại đạn khi đó không chứa chất nổ bên trong và sức công phá chỉ đến từ động năng của chúng. Loại đạn xuyên mạnh nhất khi đó là đạn sắt đặc hình cầu, nặng khoảng 15kg, cũng chỉ có thể khoét một lỗ thủng trên thân tàu là cùng, thuỷ thủ đoàn bên trong có thể bị ảnh hưởng bởi những mảnh gỗ văng ra. Nhưng phần cấu trúc tàu thì không bị ảnh hưởng.
Vì vậy, trên thực tế thì đa số những trận hải chiến trong thời kì này diễn ra trong thời gian dài, và có rất ít tàu bị đánh chìm. Như trận hải chiến giữa Anh và Hà Lan ngày 04/08/1666 ngoài khơi bờ biển Kent. Phía Anh có 89 chiến hạm, phía Hà Lan có 88 chiếc. Hạm đội hai bên dàn hàng kéo dài gần 9 dặm và nã đạn vào nhau suốt hai ngày liền. Nhưng kết quả chỉ có tổng cộng 3 chiếc của cả 2 bên bị chìm, mặc dù thiệt hại nhân mạng là khá lớn, hơn 5000 người.
Một bản vẽ cổ mô tả trận hải chiến ngày 04/08/1666
Trong phần lớn các trường hợp, việc thắng thua thường được quyết định khi chiến hạm của một bên bị mất khả năng di chuyển, bị bắt cháy, hoặc thuỷ thủ đoàn bị thương vong quá nhiều. Hải quân của từng nước có chiến thuật riêng của mình để đạt được thắng lợi. Hải quân Pháp thường hướng đại bác của mình lên cao, mục tiêu là phá huỷ các dây néo, cột buồm để vô hiệu hoá khả năng di chuyển của tàu đối phương. Hải quân Anh lại thường nhắm vào thân tàu, với mục đích gây sát thương cho thuỷ thủ đoàn tàu đối phương.
Xem phần 1:
Mỹ đánh cắp công nghệ tàng hình từ Liên Xô?