Hàng xóm liên thủ trong hội chứng sợ Nga

Lấy lý do Nga đang là mối đe dọa trực tiếp, các nước châu Âu chủ động tạo thành liên minh quân sự mới nhằm đối phó với Moscow.

Liên minh

Theo thông báo ngày 25/1 do liên minh 3 nước là Litva, Ba Lan và Ukraine một lữ đoàn chung của quân đội ba nước này mang tên Litpolukrbrig với số lượng khoảng 4.000 binh sĩ sẽ chính thức hoạt động vào năm 2017.

Phát biểu trước truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết: “Lữ đoàn chung là biểu hiện, biểu tượng và thông điệp rất rõ ràng gửi tới bất cứ ai muốn đe dọa hòa bình ở châu Âu”.

Ông Macierewicz nói thêm rằng lữ đoàn này sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2017.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cũng cho rằng lữ đoàn chung nêu trên sẽ là một lực lượng nòng cốt giúp cải thiện quân đội nước này.

Trước khi đưa ra thông báo chính thức này, Bộ trưởng Macierewicz đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Litva Juozas Olekas và người đồng cấp Ukraine Stepan Poltorak ở thành phố Lublin của Ba Lan.

Để đi đến thóng nhất chung này, ngay từ tháng 9/2014, ba nước này đã ký thỏa thuận thành lập lữ đoàn Litpolukrbrig, với nhiệm vụ chủ yếu tập trung cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

Theo quy định của thỏa thuận, các đơn vị của lữ đoàn này sẽ được triển khai tại cả ba quốc gia và sẽ tham gia các lực lượng thông qua những cuộc tập trận và các chiến dịch chung. Trụ sở của lữ đoàn này sẽ được đặt tại thành phố Lublin của Ba Lan.

Trước khi lữ đoàn Litpolukrbrig chính thức được công khai, hồi đầu năm 2015, các quốc gia Bắc Âu, Baltic và Vương quốc Anh cũng đã đạt được sự thống nhất về việc chia sẻ thông tin và dữ liệu xung quanh các hoạt động quân sự của Nga.


Hoa Kỳ đã cử nhiều binh khí kỹ thuật hạng nặng tới tập trận tại Ba Lan. Ảnh: AFP.

Hoa Kỳ đã cử nhiều binh khí kỹ thuật hạng nặng tới tập trận tại Ba Lan. Ảnh: AFP.

Theo đó, các Bộ trưởng Quốc phòng của 8 nước Bắc Âu và vùng Baltic, cũng như Vương quốc Anh đã đồng ý chia sẻ thông tin nhiều hơn về các hoạt động quân sự của Nga và mở rộng tầm hoạt động của lực lượng không quân ở khu vực phía Bắc bán cầu.

“Quyết định dựa trên các sự kiện diễn ra ở Ukraine và chính sách quân sự của Nga”, Unian dẫn thông báo từ cuộc họp cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon khẳng định “Nga thường xuyên bỏ qua các quy định của hàng không quốc tế”, đe dọa bằng cách đưa máy bay quân sự đến gần biên giới của Ireland và Bồ Đào Nha.

“Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, NATO đã điều động chiến đấu cơ chặn hàng trăm lần các máy bay Nga, nhiều hơn ba lần so với năm 2013”, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh nói, đồng thời nhấn mạnh:

“Chúng tôi sẽ không cho phép Nga tiếp tục can thiệp vào không phận của chúng tôi”.

Theo Bộ trưởng Michael Fallon, Vương quốc Anh đề xuất để mở rộng sứ mệnh của máy bay chiến đấu ở khu vực Baltic vào năm 2015.

Ông Michael Fallon cũng cho biết, các quốc gia Bắc Âu bày tỏ nguyện vọng muốn có nhiều hơn thông tin và dữ liệu về các hoạt động quân sự của Nga trong khu vực.

Lý do sợ Nga

Những hệ lụy trong lịch sử là nguyên nhân chính gây nên tâm trạng lo âu của những nước Baltic, khiến các quốc gia này rất lo lắng trước nguy cơ mất nền độc lập, đặc biệt là khi mối quan hệ giữa nước Nga và Phương Tây trở nên căng thẳng.

Chính vì vậy, tất cả các lực lượng chính trị đáng kể vùng Baltic đều là tín đồ của khối quân sự Bắc Đại tây Dương NATO và Liên hiệp Châu Âu EU.

Trở lại lịch sử, người Estonia và Litva cho đến thế kỷ 18 còn chưa có quốc gia riêng, mà luôn chịu ảnh hưởng của các đế chế Đức và Thụy Điển.

Đầu thế kỷ 18, các vùng đất của người Estonia và Latvia vào tay Đế chế Nga, và đến cuối thế kỷ trước, với sự chia cắt của Ba Lan, Đại công quốc Liva - vốn sở hữu một lãnh thổ khổng lồ, trải dài tới Biển Đen thời đó - cũng thuộc về sự quản lý của Moscow.

Chỉ sau khi Đế chế Nga sụp đổ trong Thế chiến thứ nhất và dưới ảnh hưởng cuộc chính biến tháng 10 của phe Bolshevik, người Estonia, Litva và Latvia mới trở thành những quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, những nền độc lập ấy chỉ tồn tại đến năm 1939, khi nước Đức quốc xã và Liên Xô ký hiệp ước bất tương xâm, kèm theo một điều khoản bí mật theo đó đôi bên chia nhau vùng Trung Âu và Baltic.

Cho đến năm 1940, cả ba nước Baltic đều được "sáp nhập" vào Liên Xô, nhưng sau đó nó bị quân Đức chiếm đóng cho đến năm 1944 trong cuộc chiến giữa Đức và Liên bang Xô-viết.

Đáng chú ý là người dân ở đây sợ Liên Xô hơn là sợ Đức, và họ đã có những đơn vị tình nguyện hợp tác với Đế chế thứ ba, chống lại Liên Xô với mục tiêu giành lại độc lập dân tộc và cho tới nay, họ vẫn được coi là những anh hùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại