Hạm đội Thái Bình Dương Nga có “lột xác” trong năm 2015?

Vy Lam |

Những kế hoạch hải quân tham vọng của Nga đối với Hạm đội Thái Bình Dương liệu có gặt hái được thành quả trong năm nay?

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đăng tải bài viết bình luận về câu hỏi này.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Chương trình tái vũ trang đầy tham vọng

Trong 2 năm qua, Hạm đội Thái Bình Dương (TBD) – hạm đội lớn thứ 2 của Hải quân Nga, đã lần đầu tiên tiếp nhận những tàu chiến mới kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Năm 2013, Hạm đội TBD tiếp nhận 1 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Borei mới và dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 5 chiếc nữa trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, Hạm đội còn tiếp nhận 1 tàu đổ bộ lớp Dyugon trong năm 2014.

Chiến dịch hiện đại hóa này là một phần trong chương trình tái vũ trang hải quân đầy tham vọng của Nga trong 20 năm tới.

Tàu ngầm hạt nhân Vladimir Monomakh trong buổi lễ

Tàu ngầm hạt nhân Vladimir Monomakh trong buổi lễ tiếp nhận ngày 19/12/2014

Vladimir Monomakh, một tàu ngầm khác lớp Borei, dự kiến được đưa vào biên chế Hạm đội TBD trong năm nay.

Người chị em của nó là tàu ngầm Alexander Nevsky (lớp Borei) gần đây đã thực hiện thành công đợt phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava tại bán đảo Kamchatka.

Cũng trong năm 2015, Hạm đội TBD có kế hoạch tiếp nhận 2 tàu hộ tống lớp Steregushchy, những chiến hạm đa nhiệm dành cho các hoạt động ở vùng ven biển.

Tàu hộ tống Stoikiy thuộc đề án 20381.

Tàu hộ tống Stoikiy, đề án 20381 lớp Steregushchy

Chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công đa nhiệm lớp Yasen, dự kiến được triển khai ở vùng Viễn Đông trong 10 năm tới, sẽ gia nhập Hạm đội TBD sớm nhất là trong năm 2017.

Ngoài ra, Hải quân Nga cũng vừa bắt đầu chương trình hiện đại hóa dành cho các tàu ngầm lớp Oscar nhằm kéo dài tuổi thọ hoạt động của chúng thêm 15-20 năm nữa.

Hiện có 5 chiếc tàu ngầm lớp này đang phục vụ Hạm đội TBD.

Chi tiết về chương trình nâng cấp các tàu ngầm lớp Oscar không được tiết lộ và cũng không rõ những con tàu đang đóng ở TBD có được đại tu hay không.

Bên cạnh đó, sau 10 năm chế tạo, chiếc tàu đổ bộ Ivan Gren đầu tiên của Nga sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015 và nhiều khả năng, nó sẽ được biên chế cho Hạm đội TBD.

Răn đe hạt nhân vẫn là nhiệm vụ chính của Hải quân Nga. Do đó, trọng tâm chính của Moscow trong ngắn hạn là hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm đã già cỗi ở TBD.

Phòng thủ bờ biển là nhiệm vụ quan trọng thứ hai của Hải quân Nga và Moscow đã bắt tay vào chế tạo một số tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ hơn (như tàu hộ tống lớp Steregushchy), có khả năng thực hiện chiến lược chống tiếp cận.

Hai nhiệm vụ quan trọng khác của Hải quân Nga là triển khai lực lượng bên ngoài khu vực và bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển (như tuyến đường biển phương Bắc).

Hai nhiệm vụ này sẽ phải do những tàu hải quân hiện có tại khu vực TBD đảm nhiệm, do các tàu tuần dương cỡ lớn và tàu khu trục mới (có thể thêm 1 tàu sân bay mới) nếu có thì chỉ đi vào hoạt động được sau năm 2025.

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng gây ra sự trì hoãn tạm thời đối với việc chuyển giao các tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral.

Theo kế hoạch ban đầu, 2 chiếc Mistral sẽ được chuyển giao cho Hạm đội TBD trong 2 năm tới.

Hạm đội TBD sẽ trở thành hạm đội lớn nhất của Nga?

Tính tới tháng 2/2015, Hạm đội TBD hiện có 73 tàu chiến các loại, gồm 23 tàu ngầm và 50 tàu chiến mặt nước.

Tuy nhiên, đang có một cuộc tranh cãi lớn về vấn đề có bao nhiêu tàu trong số đó sẵn sàng hoạt động.

Theo một nguồn tin từ năm 2012, trích dẫn trong cuốn Asian Maritime Strategies – Navigating Troubled Waters, chỉ 3 tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) và 7 tàu chiến mặt nước cỡ khinh hạm hoặc lớn hơn có thể hoạt động.

Chiếc SSBN duy nhất sẵn sàng hoạt động là tàu ngầm mới Alexander Nevsky lớp Borei.

Trong khi đó, nhà phân tích hải quân Dmitry Gorenburg cho rằng Hạm đội có 6 tàu mặt nước cỡ lớn, cùng 5 (trong số 8) tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo, 3 tàu ngầm SSN và 1 SSBN sẵn sàng hoạt động.

Gorenburg cũng lưu ý rằng: “các tàu khu trục lớp Udaloy và tàu tuần dương Varyag của hạm đội hoạt động rất tích cực, thường xuyên được triển khai tới Ấn Độ Dương".

Dmitry Gorenburg tổng kết lại những tham vọng hải quân của Nga như sau:

“Rõ ràng là, dù buộc phải chấp nhận tập trung vào các nhiệm vụ răn đe chiến lược và phòng thủ bờ biển trong ngắn và trung hạn, Hải quân Nga vẫn có tham vọng khôi phục lực lượng hải quân viễn chinh trong dài hạn”.

Vì vậy, theo Gorenburg, không nên đánh giá thấp quá trình từng bước xây dựng hải quân của Nga, dù có nhiều trì hoãn và nguồn tài chính không vững chắc trong tương lai.

Đề cập tới quá trình đóng tàu chiến của Nga, một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ đưa ra một cái nhìn bớt gay gắt hơn:

“Các dự án đóng tàu của Nga chủ yếu không được thiết kế để đối phó với các lực lượng hải quân khác hoặc để triển khai sức mạnh tấn công bên ngoài lãnh hải.

Thay vào đó, hệ thống vũ khí cho phép chúng tiến hành những chiến dịch độc lập và hoạt động cùng các lực lượng hải quân khác, nhưng không thách thức họ.

Phần lớn các tàu chiến mới của Nga có kích cỡ nhỏ hơn những người tiền nhiệm của chúng và được thiết kế đa nhiệm, thay vì chuyên cho một khu vực tác chiến nhất định”.

Khoảnh khắc tên lửa Bulava được phóng đi từ tàu ngầm Yuri Dolgoruky (lớp Borei)

Tuy nhiên, sự kiện Nga gần đây biên chế tàu ngầm SSBN lớp Borei có vẻ đi ngược lại với lập luận này và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khả năng tấn công thứ hai trên biển trong học thuyết hải quân của Nga.

Bởi lẽ, các tàu ngầm lớp Borei trang bị 16-20 tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava, mỗi tên lửa có thể mang 6-10 đầu đạn được cho là có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Ngoài việc tiến hành nhiều cuộc tập trận hải quân chung trong khu vực (đáng chú ý nhất là tập trận với Hải quân Trung Quốc), nhiệm vụ chính của Hạm đội TBD trong năm 2015 sẽ là duy trì sự kiểm soát toàn diện đối với tuyến đường biển phương Bắc xuyên qua Bắc Cực.

Điều này đòi hỏi duy trì hạm đội tàu phá băng nguyên tử và Nga đang đóng thêm 3 tàu mới loại này.

Bên cạnh đó, Hạm đội TBD còn phải tiếp tục bảo vệ hoạt động thương mại của Nga ở TBD, mở rộng hơn nữa sự hiện diện hải quân của Nga trên quần đảo Kuril và duy trì khả năng răn đe hạt nhân.

“Hạm đội TBD có vẻ sẽ trở thành hạm đội lớn nhất của Nga trong thập kỷ tới do nhận thức được tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng và mức độ tập trung của các lực lượng hải quân trong khu vực” – Gorenburg nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trước mắt, trong năm 2015, chúng ta sẽ thấy vị thế hải quân Nga trong khu vực có rất ít sự thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại