F-35 gặp vấn đề, tại sao Mỹ không sản xuất thêm F-22?

Đức Anh |

Mặc dù F-35 nhận được rất nhiều lời phàn nàn nhưng Lầu Năm Góc khó lòng nối lại dây chuyền sản xuất F-22 vì công nghệ trên tiêm kích này đã trở nên lạc hậu.

F-35 vẫn còn nhiều khiếm khuyết

Ngày 15/9, Thủy quân lục chiến Mỹ nhận xét biến thể F-35B vừa đưa vào sử dụng chưa thực sự sẵn sàng làm nhiệm vụ. J. Michael Gilmore, Giám đốc thử nghiệm của Lầu Năm Góc cho biết, F-35B mới chỉ đáp ứng được 50% yêu cầu hoạt động trong khi tối thiểu phải là 80%.

Tuyên bố của ông Gilmore càng làm cho tương lai của dự án F-35 trở nên tồi tệ hơn. Trong bối cảnh đó, người ta lại đặt ra câu hỏi, tại sao Lầu Năm Góc không nối lại dây chuyền sản xuất tiêm kích tàng hình F-22 Raptor?

Tướng Herbert J. Carlisle, Chỉ huy hoạt động Không quân Mỹ từng nói, ông rất mong muốn dây chuyền sản xuất F-22 được nối lại. “Tôi mơ về nó mỗi đêm”, ông trao đổi với các phóng viên bên lề hội nghị Hiệp hội Không quân.

Thực tế, F-22 là một trong những tiêm kích đáng gờm nhất thế giới, nó sở hữu cảm biến tiên tiến cùng tính năng tàng hình ưu việt. Raptor là nòng cốt trong sức mạnh chiếm ưu thế trên không của Mỹ.

Nhiều người cảm thấy tiếc khi Mỹ kết thúc chương trình F-22 quá sớm. Lầu Năm Góc đã ngưng sản xuất F-22 ở con số 187 chiếc.

Mặc dù ngưng sản xuất nhưng Lockheed Martin vẫn bảo quản dây chuyền sản xuất F-22 để dự phòng. Bên cạnh đó, dây chuyền vẫn hoạt động cầm chừng để cung cấp linh kiện thay thế cũng như nâng cấp về sau.


Phi đội F-22 Raptor đã lạc hậu và khó lòng đáp ứng được các mối đe dọa trong tương lai

Phi đội F-22 Raptor đã lạc hậu và khó lòng đáp ứng được các mối đe dọa trong tương lai

F-22 đã trở nên lạc hậu

Hiện tại Raptor là tiêm kích tàng hình số 1 của Mỹ, nhưng nếu nối lại việc sản xuất F-22 sẽ khiến Không quân Mỹ gặp rắc rối trong tương lai.

Một trong những vấn đề lớn với F-22 là công tác bảo trì. Gần đây, một cựu chỉ huy không quân tiết lộ rằng, ông cùng các cộng sự từng gặp rắc rối trong việc tìm kiếm linh kiện chính xác cho F-22.

Nguyên nhân là vì dây chuyền chính đã đóng cửa, các công đoạn phụ khó lòng đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe trên chiếc tiêm kích này.

Do đó, nếu Không quân Mỹ muốn nối lại sản xuất F-22, họ phải đầu tư rất nhiều tiền để khôi phục dây chuyền. Nghĩa là, muốn nối lại dây chuyền Raptor cần khá nhiều thời gian chuẩn bị.

Yếu tố thứ hai cần xem xét là hệ thống điện tử. Ngay khi Không quân Mỹ chính thức đưa F-22 vào hoạt động năm 2005, hệ thống điện tử trên Raptor đã không còn phù hợp với thời đại.

Mặc dù là tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ nhưng đáng buồn là máy tính trên chiến đấu cơ này lại là sản phẩm của thập niên 1990.

Bộ vi xử lý của F-22 chỉ có tốc độ 25 Mhz, trong khi tốc độ vi xử lý của Iphone 6 lên đến 1,4 Ghz (gấp 56 lần). Sở dĩ tiêm kích này dùng bộ vi xử lý kém là vì từ giai đoạn thiết kế đến sản xuất quá dài, trong khi công nghệ điện tử thay đổi một cách chóng mặt.

Bên cạnh đó, phần mềm điều khiển của F-22 rất khó nâng cấp, điều này lý giải tại sao việc tích hợp tên lửa AIM-9X và AIM-120D lại rất khó khăn.

Nếu muốn khôi phục sản xuất, Không quân Mỹ phải cập nhật toàn bộ hệ thống điện tử mới và cần rất nhiều kinh phí để thực hiện điều đó. Trong bối cảnh giảm ngân sách thì rõ ràng đây không phải là giải pháp khả thi.

Yếu tố thứ ba cần xem xét là kết cấu khung máy bay. Thiết kế của Raptor bắt nguồn từ thập niên 1980, trong khi chiến đấu cơ này đã hoạt động tròn một thập kỷ.

Công nghệ tàng hình trên F-22 đã cũ, động cơ, hệ thống điện tử, kết cấu khung máy bay đã có một chặng đường phát triển dài kể từ khi dự an Raptor được khởi động.

Nếu Mỹ đầu tư hàng chục tỷ USD để nối lại sản xuất F-22, không có gì đảm bảo những công nghệ hiện có sẽ đảm ứng được các mối đe dọa trong tương lai. Đến năm 2035, F-22 đã có 30 năm hoạt động, khi đó, hầu hết các hệ thống của nó đã trở nên lỗi thời.

Không quân Mỹ sẽ phạm sai lầm nếu nối lại sản xuất F-22, công nghệ hiện tại của Raptor rõ ràng không phù hợp với các mối đe dọa ở năm 2030. Đặc biệt, so với tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Nga, hay J-20 của Trung Quốc thì F-22 đã lạc hậu.

Thực tế, Không quân Mỹ bắt đầu đặt nền móng cho chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo trong dự án FX. Thông tin về dự án vẫn chưa được công bố, nhưng chắc chắn nó được thiết kế để chống lại các nguy cơ trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại