Dựa vào Nga, không quân Iran sẽ thống trị Trung Đông

Nhật Nam |

Dựa vào Nga để hiện đại hóa lực lượng máy bay chiến đấu, không quân Iran sẽ trở thành thế lực lớn nhất ở Trung Đông.

Báo Mỹ: Iran sản xuất Su-30 là “ác mộng Trung Đông”

Bình luận về việc Iran sẽ mua sắm số lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 dòng Su-30 của Nga, tờ “Lợi ích dân tộc” (The National Interest) của Mỹ đã phải dùng đến cụm từ “ác mộng dành cho Trung Đông”.

Tờ báo Mỹ cho biết, từ ngày 15 đến 16 tháng 2, bộ trưởng Quốc phòng Iran, tướng Hossein Dehran đã có chuyến viếng thăm và làm việc tại Moscow, mà mục đích chính của nó là nhờ Nga giúp đỡ để hiện đại hóa lực lượng máy bay chiến đấu, nâng cao tiềm lực không quân.

Ông Hossein Dehran đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và những lãnh đạo cao cấp nhất của Nga là Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ Nga Dmitry Rogozin, Trợ lý Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Kozhin và người đồng cấp Sergei Shoigu.

Mặc dù không có hợp đồng nào được ký kết nhưng nhu cầu của Iran đã được khẳng định và các cuộc đàm phán về việc mua vũ khí Nga sẽ được các quan chức cấp dưới tiếp tục triển khai sau chuyến thăm này.

Iran quan tâm đến những loại vũ khí nào ở Nga?

Các cuộc tham vấn đang được tiến hành về triển vọng Iran mua các tổ hợp tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion-P (sử dụng tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Yakhont - phiên bản xuất khẩu của P-800 Oniks) và cũng có thể là phiên bản hạm đối hạm của nó.

Iran sẽ mua công nghệ và sản xuất số lượng lớn máy bay chiến đấu Su-30 của Nga
Iran sẽ mua công nghệ và sản xuất số lượng lớn máy bay chiến đấu Su-30 của Nga

Về phòng không, RIA Novosti đưa tin rằng, vừa bắt đầu được các tổ hợp phòng không tiên tiến S-300PMU2, nhưng Iran lại tiếp tục dạm hỏi hệ thống phòng không mạnh nhất của Nga là S-400 Triumf, hiện đang là tấm lá chắn thép ở sân bay Hmeymim-Latakia-Syria.

Lục quân nước này cũng đang nhắm tới loại xe tăng chiến đấu chủ lực đang là “ngôi sao” trên chiến trường Syria là T-90S.

Tehran cũng đang xem xét khả năng xây dựng một nhà máy lắp ráp sản xuất xe tăng T-90S trên lãnh thổ nước mình trong sự phối hợp cùng với xí nghiệp Nga "Uralvagonzavod".

Trang tin quân sự Defence Talk cho biết, Tehran đang quan tâm đặc biệt đến kế hoạch nâng cấp và mua sắm dự trữ xe tăng, xe bọc thép tiên tiến. Lần sau cùng Iran nhận được nguồn cung cấp xe tăng là hơn 10 năm trước đây, khi Nga và Belarus gửi cho Iran lô xe tăng T-72M1.

Ngoài ra, Tehran cũng đang nhắm tới các thiết bị hải quân hiện đại khác, kể cả tàu ngầm diesel-điện, tàu hộ vệ và khu trục.

Về không quân và hàng không lục quân, máy bay huấn luyện chiến đấu cao cấp Yak-130, máy bay trực thăng Mi-8/17 sẽ được đặt mua.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là Iran dự định mua một số lượng lớn máy bay chiến đấu đa chức năng hiện đại của Nga là Su-30SM, cũng đang được triển khai ở Syria.

Chiến đấu cơ hạng nhẹ Azarakhsh Lightening được Iran phát triển trên cơ sở F-5 của Mỹ
Chiến đấu cơ hạng nhẹ Azarakhsh Lightening được Iran phát triển trên cơ sở F-5 của Mỹ

The National Interest bình luận rằng, sự xuất hiện bất kỳ phiên bản nào của Su-30 trong quân đội Iran sẽ tăng đáng kể tiềm năng chiến đấu của không quân nước này, hiện chủ yếu gồm các mẫu máy bay đã lỗi thời do Mỹ, Trung Quốc và chính Nga sản xuất.

Không những thế, Tehran muốn đàm phán với Nga chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất Su-30 ở nước này.

Với việc tự chủ về sản xuất, lắp ráp, nước này sẽ sản xuất hàng trăm chiến đấu cơ dòng Su-30 theo kiểu Ấn Độ làm nòng cốt cho lực lượng không quân.

Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Mehr, Đích thân Bộ trưởng Hossein Dehran đã tuyên bố trước thềm chuyến thăm Nga rằng, nước này đã đề xuất với Moscow việc tham gia vào quy trình sản xuất máy bay và đang tiến tới ký kết thỏa thuận theo hướng này.

Iran sẽ trở thành cường quốc số 1 Trung Đông về không quân

Trong điều kiện bị áp đặt lệnh cấm vận ngặt nghèo của Liên Hợp Quốc, Iran cũng tự lực phát triển nền công nghiệp quốc phòng khá cao, có khả năng chế tạo được cả chiến đấu cơ, không quân của họ không nhất thiết phải phụ thuộc 100% vào chiến đấu cơ nước ngoài.

Trải qua hàng chục năm bị cấm vận, ngăn cản tiếp xúc, hợp tác khoa học kỹ thuật với các quốc gia khác.

Các kỹ sư Iran đã vượt qua khó khăn, sửa chữa, nội địa hóa các chiến đấu cơ đã mua từ Nga, Trung, Mỹ, đồng thời nghiên cứu, phát triển những dòng máy bay chiến đấu nội địa hiện đại.

Ngay từ đầu thế kỷ này, Tehran đã phát triển 2 dòng chiến đấu cơ nội địa là Saeqeh (Thunderbolt) và Azarakhsh (Lightening), có ngoại hình tương đối giống nhau, chỉ phân biệt bởi 1 cánh đuôi đứng (Azarakhsh) và 2 cánh đuôi đứng (Saeqeh).

Bộ đôi chiến đấu cơ nội địa “nhái” F-5 Mỹ của không quân Iran đã cùng lộ diện trong cuộc tập trận Fadaeeyan - e Harim - e Vellayat III ở vùng Tây Bắc của nước này, hồi tháng 9-2011.

Trong cuộc tập trận này, cả Saeqeh lẫn Azarakhsh đã thể hiện khả năng tác chiến rất cao, ngang ngửa hoặc nhỉnh hơn các dòng máy bay nước ngoài đang hiện diện trong lực lượng không quân nước này như máy bay tiêm kích bom F-4, tiêm kích F-5 (Mỹ), máy bay chiến đấu Su-24, MiG-29 của Nga.

Chiến đấu cơ hạng nhẹ Saeqeh (dưới) được Iran chế tạo trên cơ sở F-5 của Mỹ (trên) nhưng với đuôi kiểu F-18 và toàn bộ vũ khí của Nga
Chiến đấu cơ hạng nhẹ Saeqeh (dưới) được Iran chế tạo trên cơ sở F-5 của Mỹ (trên) nhưng với đuôi kiểu F-18 và toàn bộ vũ khí của Nga

Các kỹ sư Iran còn trang bị thêm khả năng đánh chặn tên lửa cho dòng MiG-29 của Nga, hiện đại hóa và trang bị vũ khí đạn dược sản xuất trong nước cho các máy bay chiến đấu Mirage.

Ngoài ra, họ còn phát triển máy bay huấn luyện cao cấp nội địa Kowsar để không phụ thuộc vào nước ngoài.

Vào tháng 1-2012, Phó tư lệnh Lực lượng Không quân Iran (IRIAF), tướng Aziz Nasirzadeh tiếp tục tuyên bố, Tổ hợp công nghiệp - quốc phòng nước này đang phát triển loại máy bay tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL), điều mà mới chỉ có vài nước trên thế giới làm được.

Sau đó, vào tháng 2-2013, Iran đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố đã nghiên cứu, thiết kế thành công và cho ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhất “Kẻ chinh phục-313” (Qaher-313), được xếp vào loại máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 5 cỡ nhỏ, giống F-35 của Mỹ.

Các chuyên gia quân sự phương Tây ngay lập tức cho rằng, Iran đang trưng mô hình giả để “lòe” thiên hạ bởi nước này không thể có khả năng chế tạo máy bay tàng hình, "Qaher-313" có thiết kế rất thô, tỷ lệ kết cấu không cân đối nên hoàn có thể chỉ là một mô hình phóng đại.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm im hơi lặng tiếng, vào tháng 11-2013, hình ảnh một nguyên mẫu thật của Qaher-313 đang được vận chuyển trên xe vận tải chuyên dụng bất ngờ xuất hiện tại một Topic về vũ khí, trang bị Iran, trên diễn đàn quốc phòng Pakistan (Pakistan Defence).

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Qaher-313 của Iran trên đường vận chuyển ra bãi thử
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Qaher-313 của Iran trên đường vận chuyển ra bãi thử

Với sự xuất hiện lần thứ 2 trên thực địa (có thể đang được chuyên chở đến địa điểm thử nghiệm mặt đất), việc Iran nghiên cứu, chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình "Qaher-313" hoàn toàn không phải là “tin vịt”, hơn nữa nó đã đạt đến giai đoạn nguyên mẫu thử nghiệm mặt đất.

Điều này chứng tỏ, các kỹ sư Iran đủ khả năng chế tạo những chiến đấu cơ hiện đại, xếp vào dạng hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, xét theo chương trình phát triển của các nước khác, máy bay chiến đấu thế hệ 5 của nước này chắc chắn sẽ phải mất tới ít nhất là 5 năm nữa.

Khi Qaher-313 thành công, cùng với dây chuyền công nghệ Su-30 của Nga, đến khoảng đầu thập niên 20 của thế kỷ này, không quân Iran sẽ trở thành một thế lực rất lớn ở Trung Đông, những nước mạnh nhất về không quân ở khu vực này như Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ, UAE cũng không phải là đối thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại