Trong bài viết trên "War is Boring", nhà phân tích Joseph Trevithick cho biết, ngày 20/1/2013, tàu ngầm tấn công USS Jimmy Carter lớp Seawolf rời cảng nhà ở Bangor, Washington. Chưa đầy 2 tháng sau, con tàu bất ngờ có mặt tại Trân Châu cảng để sửa chữa.
Toàn bộ câu chuyện này khá bí ẩn. Trong suốt thời gian tàu hoạt động ngoài biển, chúng ta không biết Jimmy Carter đã ở đâu và kíp thủy thủ đoàn với gần 150 thành viên trên tàu chính xác đã làm gì.
Tàu ngầm lớp Seawolf là một trong những “quân bài” bí mật nhất trong kho vũ khí của Mỹ và rất khó để tìm hiểu thông tin về “lực lượng thầm lặng” này nếu chỉ nhìn vào thiết kế của chúng.
Chúng ta chỉ biết vào thời điểm đó, tàu Jimmy Carter đang thực hiện một nhiệm vụ mà bản ghi chép hoạt động hàng năm (được công bố chính thức) của con tàu gọi chung chung là Sứ mệnh 7.
Tàu ngầm USS Jimmy Carter (SSN-23).
“Hoạt động dưới một loạt các điều kiện bất lợi và vô cùng căng thẳng mà không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, đợt triển khai này tiếp tục cho thấy sự xuất sắc vốn có của Jimmy Carter trên con đường theo đuổi các mục tiêu an ninh quốc gia quan trọng” – Bản ghi chép viết.
Đáng chú ý, qua Sứ mệnh 7, các thủy thủ lại có thể đủ tiêu chuẩn để nhận được bằng khen “Presidential Unit Citation”. Theo mô tả của Hải quân Mỹ, đây là phần thưởng cao quý để tuyên dương tinh thần chiến đấu anh dũng, phi thường trước kẻ địch có vũ trang.
Thiết kế đặc biệt
Jimmy Carter, chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu ngầm tấn công Seawolf rất đặc biệt.
Trong quá trình chế tạo, Lầu Năm Góc đã bổ sung thêm 1 module độc đáo dài hơn 30m (Multi-Mission Platform – MMP), có thể chứa phương tiện không người lái dưới nước, các đặc nhiệm SEAL và nhiều thiết bị khác.
Quan trọng hơn cả, nó cho phép các đội đặc nhiệm tìm kiếm và gắn thiết bị nghe trộm vào các tuyến đường dây cáp liên lạc chiến lược của đối phương dưới đáy biển.
Tàu ngầm USS Jimmy Carter được bổ sung 1 module đặc biệt.
Căn cứ vào điều đó thì nhiều khả năng chiếc tàu ngầm này là một trong những gián điệp bí mật nhất của Lầu Năm Góc.
Bí ẩn ở tấm bằng khen
Một manh mối khác là bằng khen Presidential Unit Citation dành cho Sứ mệnh 7. Điều này giống như trao cho con tàu Huân chương Thập tự Hải quân – huân chương cao cấp thứ hai của quân đội để tuyên dương những hành dộng dũng cảm phi thường trong chiến đấu.
Theo tiêu chí ấy, rõ ràng Sứ mệnh 7 phải “vô cùng khó khăn và nguy hiểm”.
Bản ghi nhớ về hoạt động này đã mô tả như sau:
Cùng với các thủy thủ đến từ Biệt đội nghiên cứu và phát triển dưới biển, Jimmy Carter “đã hoàn thành xuất sắc các hoạt động tàu ngầm độc lập vô cùng khắt khe và gian khổ, có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia Mỹ”.
Cả 2 đơn vị “đã vượt qua nhiều trở ngại để thực hiện an toàn các nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi này mà không có sự cố nào”.
Hai bức ảnh được đăng cùng với thông báo cho thấy Trung tá Brian Elkowitz, hạm trưởng của tàu và các sĩ quan khác đang cầm trên tay tấm bằng khen. Trong đó, có 1 người bị che mặt (góc bên phải bức ảnh), có vẻ là vì lý do riêng.
War is Boring có được những tài liệu này thông qua Đạo luật Tự do Thông tin.
Hàng năm, tất cả các tàu mặt nước, tàu ngầm, các phi đoàn máy bay và trạm chỉ huy trên mặt đất đều phải gửi báo cáo hoạt động về Bộ Chỉ huy Di sản và Lịch sử Hải quân tại Washington, DC.
Tuy nhiên, báo cáo này không yêu cầu phải mô tả đặc biệt chi tiết. Và những ghi chép về Jimmy Carter ẩn chứa nhiều bí mật xung quanh con tàu hơn là hoạt động thực sự của nó.
Mặc dù vốn đã rất thận trọng khi đề cập tới lực lượng tàu ngầm nhưng Hải quân Mỹ còn đặc biệt kín tiếng về những con tàu lớp Seawolf.
Cái tên tưởng chừng thông thường
Ban đầu, dự án Seawolf dự kiến cho ra đời những tàu ngầm tấn công tiên tiến nhất dưới lòng biển nhưng Washington đã cắt giảm chương trình này sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và mối đe dọa từ các tàu ngầm công nghệ cao tương đương của Liên Xô có vẻ đã biến mất.
Thay vì thiết lập một hạm đội với gần 30 tàu như kế hoạch, Lầu Năm Góc chỉ trang bị 3 tàu với chi phí hơn 3 tỷ USD/chiếc.
Với lượng giãn nước khi lặn hơn 9.100 tấn, dài gần 107m, Seawolf là lớp tàu ngầm tấn công đắt đỏ nhất từng được chế tạo và là phương tiện ngầm đắt thứ 2 nếu xét chung các loại.
Về sau, Hải quân Mỹ đã hợp nhất tàu ngầm USS Seawolf, Connecticut và Jimmy Carter thành lực lượng cốt lõi của Đội phát triển tàu ngầm số 5.
Nhóm này chịu trách nhiệm thử nghiệm thiết bị nghe dưới nước và các tàu lặn điều khiển từ xa - có thể hoạt động cùng với 1 tàu ngầm lớn hơn hoặc hoạt động độc lập.
Ngoài ra, họ đồng thời phụ trách phát triển các chiến thuật chiến đấu mới ở Bắc Cực, khu vực mà tàu ngầm dễ dàng giấu mình trước đối phương.
Mặc dù nhiệm vụ hiện tại không liên quan đến chiến đấu nhưng mỗi tàu vẫn được trang bị 8 ống phóng ngư lôi, có thể bắn tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk.
Tàu ngầm USS Seawolf (SSN-21)
Đơn vị này không đề cập gì đến nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Mặc dù cái tên của họ chỉ đề cập tới một chức năng duy nhất là thử nghiệm nhưng Hải quân Mỹ lại thường dùng biệt danh như vậy cho các nhóm đặc nhiệm hoặc lực lượng tinh nhuệ khác.
Chẳng hạn, biệt đội SEAL Team Six huyền thoại chuyên săn lùng khủng bố có tên chính thức là “Nhóm phát triển tác chiến đặc biệt của Hải quân”.
Hay phi đoàn chịu trách nhiệm hộ tống chuyên cơ Tổng thống Mỹ và các quan chức cấp cao được đơn thuần gọi là “Phi đoàn trực thăng hải quân số 1” nhưng vẫn dùng tên viết tắt là HMX-1 – đề cập tới nguồn gốc ban đầu là một phi đoàn trực thăng thử nghiệm.
Một con tàu bí ẩn khác
Còn có một chi tiết đáng chú ý khác để có thêm căn cứ tin rằng tàu ngầm Jimmy Carter có nhiệm vụ do thám thực sự.
Đó là khi chỉ còn 4 tháng nữa chiếc tàu ngầm thay thế đi vào hoạt động, Hải quân Mỹ mới cho nghỉ hưu USS Parche - một con tàu bí ẩn không kém Jimmy Carter.
Theo Hải quân Mỹ, USS Parche là con tàu được tặng thưởng nhiều huân huy chương nhất, trong đó có 9 bằng khen Presidential Unit Citation.
USS Parche là tàu ngầm lớp Sturgeon, được hoàn thiện năm 1974. Lầu Năm Góc đã đặc biệt nâng cấp con tàu này để đột nhập vào đường dây cáp thông tin của Liên Xô.
Thiết bị do thợ lặn Mỹ cài dưới đáy biển Okhotsk trong chiến dịch Ivy Bell.
Trong thời gian từ năm 1978 đến năm 1979, USS Parche được cho là đã gắn thiết bị nghe trộm vào đường dây cáp thông tin của Liên Xô ở vùng biển Okhotsk, phía bắc Nhật Bản trong một chiến dịch có mật danh Ivy Bells.
Thành công tại Okhotsk đã mở đường cho các nhiệm vụ tại những vùng biển đông đúc hơn, và cũng vì vậy mà nguy hiểm hơn – đó chính là biển Barents.
Để lẩn trốn các phương tiện săn tàu ngầm của Liên Xô, USS Parche đã giấu mình dưới lớp băng Bắc Cực khi lẻn vào tuyến đường hàng hải tại đây.
Gần một thập kỷ sau đó, USS Parche trải qua một đợt đại tu. Tới năm 1991, Hải quân Mỹ đưa chiếc tàu ngầm mới nâng cấp gia nhập Đội phát triển tàu ngầm số 5.
Tàu ngầm USS Parche (SSN-683).
Trong cuốn “Blind Man’s Bluff: The Untold Story of American Submarine Espionage”, tác giả Sherry Sontag và Christopher Drew cho rằng khu vực mở rộng trên tàu Carter dùng để chứa những thiết bị giống như tàu Parche từng mang theo vào vùng biển của Liên Xô.
Năm 2001, trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) – Trung tướng Michael Hayden đã phủ nhận cáo buộc tàu ngầm Mỹ đột nhập vào các tuyến đường dây cáp liên lạc dưới biển.
Sau đó, ông từ chối bình luận về nhiệm vụ của tàu Jimmy Carter.
Hai năm sau đó, tờ Wall Street Journal một lần nữa dẫn nguồn tin am tường tình hình nói về vai trò bí ẩn này của tàu ngầm.
Sau hơn 1 thập kỷ có vẻ tích cực hoạt động, có rất ít thông tin khác rò rỉ về con tàu hay hoạt động của nó.
Chúng ta có thể phải đợi thêm 1 thập kỷ hoặc lâu hơn nữa để chờ đợi sự xác nhận nào đó, có thể là từ một cuốn sách, như của Sherry Sontag, thay vì từ phía Hải quân Mỹ về lịch sử hoạt động đặc biệt của tàu Jimmy Carter và nhất là những chi tiết bí ẩn trong Sứ mệnh 7.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Joseph Trevithick.