Trung Quốc đã mua bao nhiêu Su-35 và S-400, bao giờ giao hàng?
Theo thông tin từ giới truyền thông Nga, hợp đồng đặt mua máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 của Trung Quốc đã được chính thức được ký kết.
Cụ thể, ngày 19/11, báo Kommersant dẫn nguồn tin từ Cơ quan Hợp tác quốc phòng Nga cho biết Trung Quốc đặt mua 24 chiếc Su-35 trị giá khoảng 2 tỷ USD, tuy nhiên tờ báo này không tiết lộ cụ thể thời điểm ký hợp đồng giữa hai bên.
Su-35 đã được phát triển hoàn thiện và đang sản xuất loạt lớn để bàn giao cho Không quân Nga.
Tương tự, ngày 12/11/2015, Hãng thông tấn Nga TASS cho biết, sớm nhất là 1 năm nữa, thậm chí có thể là 1 năm rưỡi nữa, các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumf sẽ bắt đầu được chuyển giao cho quân đội Trung Quốc.
Tuy các bên chưa chính thức xác nhận, nhưng có nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc đã đặt mua 6 tổ hợp S-400, mỗi tổ hợp gồm 6-8 xe bệ phóng và một số lượng đạn không xác định. Hợp đồng đã ký có trị giá tới hơn 3 tỷ USD.
Hiện chưa rõ các hợp đồng mua Su-35 và S-400 là riêng biệt hay là một thỏa thuận trọn gói trị giá có thể tới hơn 5 tỷ USD.
Những thành phần cơ bản của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.
Cái nào đáng sợ hơn?
Về mặt hiệu quả tác chiến
Rõ ràng, những thứ mà Trung Quốc đặt mua đều là những loại vũ khí hiện đại, nhưng nếu Su-35 thiên về tấn công tầm xa (tất nhiên nó cũng làm cả nhiệm vụ phòng không trên lãnh thổ nước này) thì S-400 là thứ lá chắn phòng thủ khó xuyên thủng.
Chưa rõ loại tên lửa phòng không nào sẽ được phía Nga ưu ái chuyển cho Trung Quốc, nhưng nếu gồm cả đạn 40N6 "Big missile" có tầm bắn xa tới 400km thì các tổ hợp này sẽ tạo thành một vùng bao phủ rộng lớn.
Chưa cần nói đến xác suất tiêu diệt, chỉ riêng tầm bắn như vậy đã đủ sức khiến máy bay của các đối thủ phải dạt ra khỏi ô phòng không của chúng, trước khi vào tới tầm phóng hiệu quả các loại tên lửa, vũ khí có điều khiển theo phương thức "phi tiếp xúc".
Như thế, trong một cuộc chiến tranh quy ước (không dùng vũ khí hạt nhân), với khả năng đánh chặn các mục tiêu bay, kể cả tên lửa đạn đạo với vận tốc 4.800m/s, S-400 là thứ vũ khí phòng thủ uy lực.
Còn với Su-35, chúng có thể làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không một cách độc lập hoặc phối hợp cùng /hộ tống các loại máy bay khác trong các phi vụ tiến công tầm xa, cách căn cứ cơ bản tới hàng nghìn km và xa hơn nếu được tiếp dầu trên không.
Như vậy, kể cả những "ông lớn" như Mỹ và các đồng minh thân cận ở Đông Bắc Á cũng phải tìm phương án đối phó với dòng tiêm kích hiện đại này bởi khả năng bắn hạ cả những máy bay tàng hình thế hệ 5 của chúng.
Tuy nhiên, các thứ vũ khí hiện đại như trên với số lượng đặt mua ban đầu không nhiều, trong khi lãnh thổ Trung Quốc quá rộng lớn, sẽ chưa đủ để thay đổi cục diện trên chiến trường. Tất nhiên, với các nước láng giềng, những vũ khí này đặt ra thách thức không nhỏ.
Tiêm kích J-11B do Trung Quốc phát triển dựa trên "ăn cắp" công nghệ từ Su-27SK của Nga.
Về mặt hiệu quả "ăn cắp" công nghệ
Trung Quốc đã từng "trơ trẽn" sao chép công nghệ sản xuất tiêm kích Su-27 và Su-30 của Nga để tự phát triển và sản xuất một lượng lớn máy bay tương tự.
Ngoài ra, còn có nhiều loại vũ khí khác của Nga và phương Tây cũng bị Trung Quốc làm nhái với số lượng lớn.
Liệu Trung Quốc có tiếp tục sao chép các thứ vũ khí hiện đại mới mua được của Nga? Chắc chắn là có! Phía Nga có lường trước được việc này không? Chắc chắn là có!
Vậy tại sao cả hai bên đều hoan hỷ ký hợp đồng và tiến độ thực hiện hợp đồng khá gấp gáp? Đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, tuy nhiên, có một số phỏng đoán như sau:
- Nga có thể "gật đầu" bán những thứ đã và đang còn là "quốc bảo", dù không hề dễ dàng, là do kinh tế suy thoái, cần "tiền tươi", cần sự ủng hộ của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhất khi họ đang bị cô lập bởi nhiều lý do.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Nga tung quân tới Syria, thì các vụ mua bán này mới chính thức được "xì" ra.
- Nga biết thừa Trung Quốc sẽ sao chép không thương tiếc, nhưng kệ, bởi có thể trong khi Nga - Mỹ "tiến thẳng lên hiện đại" với những loại máy bay tàng hình thế hệ mới, tên lửa phòng không hiện đại hơn, thì Trung Quốc sẽ "loay hoay" gặm "cục xương" khó nhằn.
Tổ hợp tên lửa phòng không tâm gần HQ-17 Trung Quốc phát triển dựa trên sao chép công nghệ Tor-M1 của Nga.
Tại sao vậy? Do không có công nghệ nguồn, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ mới "tiêu hóa" hết được các công nghệ đang được đánh giá tương đối hiện đại của Nga.
Đến lúc làm được "ra tấm, ra món" thì cả Nga, Mỹ đã có những bước tiến dài, bỏ lại Trung Quốc khá xa ở phía sau.
Tất nhiên, với tiềm lực công nghệ hiện có và khát khao "sao chép" cháy bỏng, người Trung Quốc có thể nghiên cứu từng phần và ứng dụng ngay sang các vũ khí mới của họ, qua đó tạo những bước tiến nhất định, nhưng sẽ không triệt để.
Xét một cách tổng thể, việc mua được cùng lúc 2 loại vũ khí hiện đại của Nga là thành công lớn của Trung Quốc. Dù là phòng thủ hay tấn công thì chúng đều nguy hiểm như nhau, và có thể sẽ được "nhân bản" hàng loạt trong tương lai.
Rõ ràng, các quốc gia láng giềng và những "ông lớn" có "quyền và lợi ích" liên quan trong khu vực và trên bình diện thế giới đều đã phải hết sức lưu tâm, tìm cách khắc chế hoặc vô hiệu chúng ngay từ bây giờ.